Đạo Phật và những ứng dụng trong cuộc sống...

Thứ năm - 24/06/2010 08:18
Lớn lên một chút, tôi cũng ít nhiều làm quen với kinh điển nhà Phật. Nói vậy cho văn hoa, chứ thực ra chỉ là học các bài Kinh kệ mà thôi. Bà tuổi càng cao mắt càng kém, vì thế, để học thuộc Kinh, bà thường nhờ tôi đọc trước rồi bà đọc theo.

Cứ thế, tôi học thuộc trước cả bà không biết bao bài Kinh, từ Kinh báo ân cho tới Kinh sám hối. Mỗi lần cùng bà đi lễ sau đó, tôi cũng lầm rầm đọc theo. Có lẽ vì thế mà sư thầy rất quý tôi, khen tôi sáng dạ, thỉnh thoảng còn dạy tôi mấy bài ca về Đức Phật để tôi ca trong những ngày lễ trọng. Phật ở đâu, Phật ngay tại Tâm. Đức Phật nói gì, Đức Phật nói về nỗi khổ… , những điều này đã in đậm trong suy nghĩ non nớt của tôi từ ngày đó... 

Nhưng Đức phật đã được sinh ra như thế nào, ngài ngộ đạo ra sao và Phật giáo – với tư cách là một học thuyết triết học và những quan niệm về thế giới, về con người và về cuộc đời như thế nào thì phải mãi về sau, khi tôi học cao hơn, tôi mới hiểu được phần nào. Và dường như càng tìm hiểu, tôi càng bị cuốn hút.

Nhưng quan trọng hơn, tôi thấy mình như được hiểu hơn về chính bản thân mình, về những điều giản dị của cuộc sống quanh tôi nhưng lại ẩn chứa nhiều triết lý… 

Mỗi một học thuyết triết học đều chứa đựng trong đó một thế giới quan, một nhân sinh quan nhất định, lý giải về thế giới và con người. Nếu như trong Kito giáo, “tội lỗi” của con người được coi là hạt nhân cơ bản, thì trong Phật giáo, “nỗi khổ” lại là yếu tố trung tâm luận, và cuộc đời con người trong đời sống trần gian luôn phải chịu nhiều đau khổ.

Nhưng khác với Kito giáo, nếu như “tội lỗi” mà các con chiên phải chịu là “tội tổ tội tông”, không thể tránh khỏi thì “nỗi khổ” của con người lại có nguyên nhân từ trong chính bản thân mình. Vì thế, giúp con người nhận ra nguyên nhân của những đau khổ ấy để diệt tận gốc và được “giải thoát” chính là những điều mà Đức Phật băn khoăn. Và điều mà Người đã nói trong quá trình thuyết pháp chính là vì đó: Như nước đại dương kia chỉ có một vị là mặn, học thuyết của ta chỉ có một vị là giải thoát. 

Nếu như Kito giáo cho rằng con người chỉ là ngọn nến trước muôn chiều gió thổi, là hạt cát giữa sa mạc mênh mông, và chỉ có một đấng cứu thế tối cao có thể giũ bỏ tội lỗi cho con người, để con người có thể được lên Thiên Đàng sống cuộc sống vui sướng thì Phật giáo lại cho rằng, chỉ có con người mới tự giải thoát được cho mình.

Và để giải thoát cho mình, không cách gì khác là tự mình tìm ra nguyên nhân của sự đau khổ và “diệt” nó. Con người có “bát khổ”, và nguyên nhân của “bát khổ” đó là “thập nhị nhân duyên”. Và “vô minh”, “ái duyên” chính là những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến cho con người đau khổ.

Vô minh là sự mê muội, không sáng suốt của con người trong đời sống. Và sự ngu dốt của con người cũng chính từ vô minh mà ra, dẫn tới không biết bao nhiêu phiền phức, khổ đau. Ái duyên là những ham muốn dục vọng của con người. Những ham muốn, dục vọng đó không ngừng chi phối con người, làm cho con người trở nên “tham, sân, si”, không biết tới đâu là điểm dừng cần thiết cho mình, đâu là giới hạn cho mình.

Để chấm dứt vô minh, con người phải không ngừng quá trình học tập, khai thông trí tuệ. Để chấm dứt ái duyên, con người phải kìm hãm những ham muốn, dục vọng của mình rồi đi đến tiêu diệt nó. Và con người chỉ làm được điều đó khi Tâm tĩnh, trí minh. 

Xét về góc độ nhập thế, có lẽ không một tôn giáo nào lại có sự ảnh hưởng mạnh mẽ như Phật giáo. Hay nói một cách khác, Phật giáo cho phép con người tìm đến sự giải thoát ở bất cứ mọi nơi và bất cứ lúc nào. Vạn pháp duy tâm tạo – lời Đức Phật dạy trong kinh Hoa Nghiêm chính là nói lên điều đó.

Mọi sự, mọi việc đều do “tâm” tạo ra tất cả. Công đức cũng do tâm, nghiệp chướng cũng do tâm. Và thành tâm sám hối, thành tâm hối cải chính là cách để con người “tu” thân, tu tâm, làm cho tâm tĩnh. Vì thế, việc tu đó là thường nhật, là luôn luôn, và ở mọi lúc, mọi nơi.  Đức Phật không yêu cầu ta phải lên Chùa để tu, phải cầu Kinh sớm hôm và hàng ngày phải ăn chay khổ hạnh.

Người bảo ta rằng, trước hết phải “tu tại gia”, sau đó “tại chợ” và thứ ba mới là “tại chùa”. Người cũng bảo ta rằng, Thắng vạn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng tâm mình là điều cao quý nhất. Khi những vọng tâm vọng tưởng, vọng thức vọng niệm đã dứt sạch, thì ta cũng sẽ dứt được tham, sân, si. Khi Tâm tĩnh, chúng ta rời xa được đảo điên mộng tưởng, ắt sẽ đạt đến Niết bàn.

Cũng cần nói thêm rằng, Niết Bàn trong Phật giáo không giống như Thiên Đàng của Kito giáo. Nếu như Thiên đàng là phần thưởng cho những sự cố gắng của con người ở kiếp này, sẽ được sống cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ ở kiếp sau, thì Niết Bàn lại giống như một cảnh giới nhiều hơn.

Và cảnh giới đó, con người có thể đạt đến khi mình “ngộ đạo” mà không cần phải đợi đến kiếp sau, giống như Đức Phật đã đạt đến cảnh giới ấy khi Người ngồi dưới gốc cây Bồ đề trong một đêm trăng tròn tháng chạp. Cảnh giới ấy chính là sự chứng thực cho sự giải thoát của con người, được sống thảnh thơi trong an nhàn, tâm tĩnh trí minh, rời xa những bon chen, xô bồ của cuộc sống thường ngày, rời xa vòng lợi thế, thoát khỏi bể khổ trầm luôn… Ấy chính là khi Tâm ta hoàn toàn đã tĩnh. 

Giống như mọi tôn giáo khác, Phật giáo mong muốn đem lại cho con người sự bình yên tuyệt đối trong tâm hồn, tìm được ý nghĩa vi diệu của cuộc sống ngay từ những điều vô cùng giản dị. Nhưng Phật giáo không yêu cầu con người phải kinh viện vào sách vở hay kinh điển. Bản thân Đức Phật cũng đã nói trước khi viên tịch rằng, trong suốt bốn mươi chín năm thuyết pháp, Người đã không nói một lời nào.

Đó không phải là sự chối bỏ những gì Người đã nói, mà đó giống như một sự đảm bảo cho quá trình “giác ngộ” của con người cũng như cách thức để con người đạt đến sự giác ngộ ấy. Đạt ý vong ngôn không đơn giản chỉ là giữ lấy cái ý rồi quên những lời sáo rỗng đi, mà còn là kết tinh cho tư tưởng “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật” trong Thiền học. Và “nhất thuyết Tu - đa - la giáo như tiêu nguyệt chỉ” (tất cả Kinh Phật thuyết chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi) cũng là lẽ đó. 

Hôm trước, vô tình nghe lại thuyết “khai tâm kiến nguyệt”, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Bởi bản thân mình cũng giống như bao người, có hiểu ít nhiều giáo lý nhà Phật song lại không mấy để tâm nhiều đến nó. Nhiều khi giật mình bởi lẽ mỗi khi đến Chùa luôn cầu xin Đức Phật hỷ xả từ bi ban cho mình “tâm tĩnh trí minh” mà không nhớ rằng, điều đó hoàn toàn tại tâm mình cả.

Trở lại với thuyết “khai tâm kiến nguyệt”, khi nhìn theo ngón tay mà Đức Phật chỉ, những học trò đã nhìn thấy mặt trăng. Như vậy, ngón tay của Đức Phật ở đây chính là phương tiện, giữ vai trò định hướng, giúp cho học trò nhìn thấy vầng trăng, thấy được vẻ đẹp thực sự của nó. Tuy nhiên, để tìm được vẻ đẹp hoàn mỹ của ánh trăng, thấy được thứ ánh sáng có thể soi tỏ cả “càn khôn vũ trụ” ấy lại dựa vào chính bản thân của mỗi người, họ sẽ phải tự tìm kiếm và cảm nhận điều đó. 

Và chúng ta có thể nhìn thấy điều này rất rõ trong cuộc sống thường ngày. Ngay như trong định hướng xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Phúc Thanh cũng vậy. Cùng với việc lấy tinh thần Lục hòa của Đức Phật làm tâm điểm, chủ tịch tập đoàn Nguyễn Đức Thanh đã đưa ra những tư tưởng, quan điểm và định hướng chung để tất cả mọi người cùng thực hiện.

Nhưng tất cả những điều đó chưa phải là văn hóa doanh nghiệp của Phúc Thanh và sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, nó sẽ vẫn chỉ là khẩu hiệu nếu như tất cả thành viên trong tập đoàn không cùng nhau thực hiện, biến những tư tưởng đó thành hành động thiết thực.

Như vậy, việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp của Phúc Thanh phụ thuộc vào tất cả chúng ta - những người đang sống và làm việc dưới mái nhà chung Phúc Thanh. Chúng ta hãy cùng để tâm và thực hiện điều đó từ những hành động và việc làm nhỏ nhất!

Nguồn tin: Hạ Tươi - PTVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây