Điều
đặc biệt là ở giữa chốn rừng núi hoang vu này lúc nào cũng ấm áp tình người và
tiếng cười nói trong trẻo của trẻ thơ. Với tấm lòng từ bi Đại đức Thích Chiếu
Bổn đã đứng ra thành lập Làng tre để cưu mang hơn 100 số phận kém may mắn.
CHA MẸ BẤT ĐẮC DĨ CỦA TRẺ MỒ CÔI
Đại
đức Thích Chiếu Bổn (SN 1972) sinh ra tại Quảng Trị. 9 tháng tuổi, do hoàn cảnh
gia đình, thầy phải theo sống với cô dượng ruột (không có con) ở Đồng Nai. Được
đặt tên Huỳnh Văn Hòa, thầy đi học đến hết lớp 9 và sau đó chuyển sang học nghề
điện tử. Cứ sau giờ học, thầy thường đến Tu việân Phước Hoa, Long Thành, Đồng
Nai để làm công quả. Dường như có cơ duyên, năm 1991 thầy xuất gia đi tu.
Đại đức Thích Chiếu Bổn bên các trẻ mồ côi
Năm
1993, thầy theo học lớp Sơ cấp Phật học tại trường Kim Liên ở quận 4, TPHCM.
Hai năm sau, thầy học tiếp Trường Trung cấp Phật học tại chùa Vĩnh Nghiêm.
Trong thời gian này, vì muốn có tiền trang trải chi phí và làm từ thiện, thầy
mượn tiền gia đình mở quán cơm chay Thiện Duyên. Thầy đã tham gia nhiều chuyến
công tác từ thiện, tặng sách vở cho trẻ em nghèo, cứu trợ đồng bào lũ lụt miền
Trung...
Trong một chuyến đi, thầy gặp một gia đình nghèo có 2 người con bị
não. Thấy hoàn cảnh quá đáng thương, thầy bỗng nhen nhóm ý nguyện xây một trung
tâm cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Để tâm nguyện trở thành hiện thực, thầy
bắt đầu làm đủ việc để tích cóp tiền. Năm 2000, thầy mua một miếng đất nhỏ tại
quận Tân Bình định xây một cốc tu, nhưng may mắn miếng đất được trả cao, nên
thầy bán lấy tiền, mua đất ở Đồng Nai.
Đến năm 2008, từ miếng đất của gia đình
cho, thầy dồn hết tiền để mua thêm đất. Trải qua bao khó khăn (bởi khu vực này
không điện, không nước, xa nhà dân, đồi dốc, mưa thì trơn trợt, nắng thì bụi),
thầy đã cùng hơn 20 Phật tử và những người dân tốt bụng xây dựng nên một chánh
điện và một số gian nhà tre, mái lá.
Trung tâm từ thiện Làng tre chính thức
được thành lập vào tháng 4-2008. Hễ nghe đâu có có trẻ mồ côi hay trẻ khuyết
tật bị bỏ rơi, thầy đều tìm đến xin về nuôi. Sau hơn hai năm cưu mang, chở che cho
những mảnh đời bất hạnh, đến nay trung tâm đã có hơn 100 thành viên.
Mỗi người
một hoàn cảnh khác nhau (người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, người khiếm
thị, tàn tật, bại não, tâm thần...) nhưng đã cùng sống chan hòa, ấm áp dưới sự
bao bọc của thầy, các bảo mẫu, anh nuôi cùng các nhà hảo tâm. Thầy như cha, như
mẹ, dù nghèo khó cũng không để con mình thất học. Vì vậy, các bé mồ côi đã được
thầy cho đến trường để gầy dựng tương lai.
Cuộc sống trong gian nhà được làm bằng tre
HƯỚNG NGHIỆP CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Từ
khi mới thành lập, ngoài việc nuôi dưỡng, Đại đức Thích Chiếu Bổn còn định
hướng hướng nghiệp cho người khuyết tật. Thầy sáng kiến ra những sản phẩm từ
những chiếc nút áo, hột cườm, kết thành hình chiếc đèn, bình hoa, bông, trái
cây...
Thầy dạy những người tàn tật xâu chuỗi, đan chổi để vừa tạo nguồn thu nhập, vừa tạo niềm vui công việc cho các em. Dạy một người tàn tật cực kỳ khó, nhưng thầy không bao giờ nản lòng, cố gắng chỉ bảo tận tình. Các Mạnh Thường Quân đến với Làng tre đã quen với những sản phẩm tiểu thủ công, rất lạ và đẹp mắt do các em làm ra.
Khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy vẫn cố vượt qua bằng cách mượn vốn mua máy ủi, máy xúc để vừa phục vụ cho trang trại, vừa cho thuê xe để lấy kinh phí cho trung tâm. Hơn hai năm, thầy đã gắn bó với mái ấm bằng tất cả tình thương. Những thành viên trong đại gia đình này cũng dành cho thầy một tình cảm thiêng liêng nhất.
Thầy tâm niệm: Trung tâm có được ngày hôm nay là nhờ vào sự chung tay, giúp sức, san sẻ của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm.
Hiện nay, điều trăn trở nhất của thầy Thích Chiếu Bổn là số thành viên của mái
ấm ngày một tăng, trong khi điều kiện cơ sở vật chất lại ngày càng xuống cấp.
Để định hướng cho tương lai và tiếp tục mở rộng mái ấm, thầy đã ấp ủ một mong
muốn là được xây dựng lại thành một trung tâm Làng tre vững chắc, khang trang
hơn để trở thành nơi che mưa che nắng suốt đời cho những số phận cơ nhỡ. Để làm
được điều ấy, trung tâm Làng tre rất cần sự giúp sức của cả cộng đồng.
Nguồn tin: CAND TPHCM
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự