Đói, rét cũng làm từ thiện

Thứ sáu - 02/07/2010 14:47
Đến chùa Phụng Thánh (ngõ Cống Trắng phường Trung Phụng quận Đống Đa - Hà Nội), nếu gặp một vị sư già ngồi trên chiếc chiếu cũ trải nơi góc trái hành lang tam bảo, luôn tay làm việc, miệng lẩm nhẩm tụng kinh, thì đó chính là ni trưởng Thích Đàm Ánh, trụ trì chùa.

Nếp áo nâu sòng chìm khuất trong đống đồ vật, người cứ tỉ mẩn làm suốt từ sáng sớm đến khuya tưởng như chẳng màng đến cả những chiếc lá thiên lý vàng võ theo gió đùa xao xác rơi đầy…

Đói, rét cũng làm từ thiện

- Bác Khánh ơi, hôm nay được mấy tải?

- Bạch cụ, được 3 bao ạ!

Một ông lão người mảnh khảnh, nhanh nhẹn xách mấy bao tải dứa tới góc sân, mở miệng, đổ ra một đống bức trướng, cái còn mới tinh, cái cũ mèm, thủng lỗ chỗ…

 Bác Khánh đã 62 tuổi, từ dăm năm nay, trừ phi đau ốm, còn thì đều đặn cứ 5 giờ sáng là đi xe từ nhà ở phố Thụy Khuê xuống chùa làm công quả đến tận 6, 7 giờ tối mới trở về.

Hôm nay, bác và mấy phật tử vừa đến các bãi rác, nghĩa trang… nhặt nhạnh những bức trướng mà tang gia vứt bỏ, mang về chùa giặt giũ sạch sẽ, phơi khô.

Ngày ngày, cứ rảnh là ni trưởng Thích Đàm Ánh lại cùng các ni, vãi - với chiếc dao con, kéo nhỏ - ngồi kỳ công gỡ những đường chỉ thêu trên mặt trướng. Những mớ vải vụn sau khi đã sạch chữ và hoa văn thêu ấy, lại được giặt tẩy kỹ càng, phơi khô cho thơm tho rồi thầy và 3 vị ni đệ tử lại nhịp nhàng mũi chỉ đường kim: mạng, nối và cuối cùng, miếng nhỏ thì thành gối, miếng lớn làm chăn, ga… để chờ mang tặng người nghèo.

Thương thầy vất vả với những chuyện “chẳng đáng gì”, nhiều người biếu tiền để “cụ cần bao nhiêu chăn, gối thì mua cho nhanh chứ gò lưng cả ngày lọ mọ đến bao giờ”. Thầy cảm ơn rồi rủ rỉ: “Tính tôi nó thế, tận dụng được cái nào hay cái ấy, bỏ đi phí của trời”.

Cũng vì bản tính tằn tiện ấy mà thầy đang nằm cái màn đã được… 42 năm; đôi dép nhựa đang đi đã được 4 năm, đế mòn, gót thủng nhưng vì cái quai còn tốt nên thầy lấy miếng cao su lót đế để đi tiếp; quần áo thì chỉ trừ những lúc tiếp khách hay đi công chuyện, không thì người toàn mặc những bộ màu đã bạc phếch...

Mẹ buôn bán thua lỗ, cha cờ bạc rượu chè, 3 tháng tuổi, gia đình ly tán nên phải ở với bà ngoại; 10 tuổi, đang tuổi ăn tuổi ngủ, cô bé Nguyễn Thị Sàng, vì lời phán của một ông thầy tướng số nên bị bà ngoại gửi vào quy y tam bảo ở chùa Âm Hồn - xã Vạn Linh - thị xã Bắc Giang - tỉnh Hà Bắc (nay là TP Bắc Ninh - tỉnh Bắc Ninh)…

Có phải cái phận bạc ấy đã làm tâm hồn Sàng trở nên đa sầu, đa cảm, đa đoan? Lại nữa, cuộc sống tu hành khổ hạnh, đói triền miên khiến nhiều đêm, ni cô Thích Đàm Ánh (pháp danh của Sàng) phải ăn vụng cà muối rồi uống một bát nước lã thật to cho đầy bụng thì mới ngủ được.

Miếng ăn ám ảnh đến độ mà có lần: “Tôi đứng trước tượng Phật chắp tay khấn nếu được ăn một bát cơm trắng thì mai này dù khổ sở đến đâu cũng sẽ nguyện đi làm phúc giúp người nghèo” - thầy nhớ lại.

Không biết tại lời hứa nặng như đá đeo, vì tủi phận đến một bát cơm không độn cũng là mộng ước xa vời hay là một định mệnh mà cả đời, thầy gắn bó với người nghèo.

Mới 13, 14 tuổi, ni Ánh đã đi góp nhặt từng tấm áo, manh quần, cái chăn… mang đến các trại tế bần, trại phong giúp đỡ những người không may mắn. Thấy những người bệnh bị vi trùng ăn thối rữa cả chân tay và nỗi buồn tủi làm mục ruỗng cả tâm hồn họ, trái tim đa cảm của thầy quặn thắt.

Xưa nay, nhiều người cứ nghĩ các tăng, ni chán cuộc sống trần thế nên mới chọn cửa chùa để lánh đời trong câu kinh tiếng kệ. Với ni trưởng Đàm Ánh thì khác. “Tôi không thể đẹp đạo được khi còn thấy những người xung quanh khổ sở” - thầy thổ lộ. Thế nên, năm nào thầy cũng gom góp tiền, gạo, muối, thuốc men, chăn màn, quần áo… để tổ chức những đợt đi thăm hỏi, tặng quà những người già không nơi nương tựa, những thương binh nặng, trẻ mồ côi, nạn nhân của chất độc da cam/dioxin…

Đã mắt mờ chân chậm nhưng hễ nghe ở đâu có thiên tai, bão lụt là thầy lại xuất tiền tiết kiệm của mình và vận động các phật tử quyên góp tiền, đồ dùng thiết yếu rồi lặn lội đi trao tận tay những người cơ cực.

Trên những nẻo đường làm từ thiện, thầy nhớ nhất là năm 2005 đến với đất Quảng Trị anh hùng - mảnh đất phải hứng chịu nhiều bom đạn nhất trong thời chiến tranh.

Khi đến viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thấy cuộc sống nghèo khó của những người quản trang: phần lớn họ là thương binh hoặc bộ đội phục viên, xuất ngũ; lương và phụ cấp eo hẹp mà công việc lại nặng nhọc, cuộc sống thì đơn độc. Nhìn những bữa ăn toàn nước mắm đại dương, nước canh toàn quốc của họ, thầy nước mắt lưng tròng rồi trăn trở nghĩ cách chia sớt khó khăn với những con người thầm lặng vì việc nghĩa này.

Để ý thấy công việc thường xuyên của các quản trang là phải cắt cỏ để chăm sóc cho nghĩa trang phong quang, sạch sẽ, thầy chợt lóe lên ý nghĩ nếu có con trâu, con bò thì họ vừa không phải gánh cỏ đi chôn lấp mà những loài gia súc ấy lại luôn sẵn có cái ăn… Sau chuyến đi ấy, thầy đã khởi xướng phong trào tặng trâu, bò cho 72 quản trang của các nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.

Bao nhiêu buổi trao tặng bò là bấy nhiêu lần những giọt nước mắt xúc động cứ lã chã tuôn rơi. Những người quản trang mắt rưng rưng nắm chặt lấy bàn tay nhăn nheo nhưng ấm áp của vị sư già, hứa sẽ nuôi thật tốt những con bò ân nghĩa để cải thiện cuộc sống và toàn tâm toàn ý chăm nom nơi yên nghỉ của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Sáng kiến của thầy nhanh chóng tạo hiệu ứng sâu rộng trong xã hội, người nghèo ở khắp nơi tới tấp gửi thư về xin trâu, bò.

Năm 2006, khi bão Chanchu gây thảm khốc cho đồng bào miền Trung, cũng là lúc số tiền dành dụm của nhà chùa gần như cạn kiệt. Nhưng, biết có người gặp cảnh khốn khổ mà không đến tận nơi để chia sẻ về tinh thần và giúp đỡ vật chất được là lòng cứ như lửa đốt, vậy là thầy đã có một quyết định gây ngỡ ngàng cho tất thảy mọi người: đi vay 150 triệu đồng để làm từ thiện.

“Thấy tôi chạy đôn chạy đáo để vay mượn, một nhà hảo tâm đã ủng hộ 30 triệu đồng. Đợt ấy, tôi mang 168 triệu đồng trao cho các gia đình nạn nhân ở tỉnh Quảng Nam. Bà con đang trong cơn khốn khó, mình phải có mặt ngay mới quý. Vay tiền làm việc thiện rồi mình ky cóp trả dần!” - thầy cười móm mém nói.

Năm 2008, khi cơn bão số 6 tàn phá các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam của tỉnh Bắc Giang, đang ốm nặng vậy mà khi nghe tin dữ, thầy gượng dậy đi thu vén được 200 triệu đồng, tổ chức một đoàn cứu trợ xuống tận nơi hỗ trợ các gia đình đang chịu cảnh đói rét, trôi cửa, mất nhà.

Dầm mưa cả tuần trời, có ngày chỉ uống nước cầm hơi, ai cũng lo sốt vó, thế mà về đến chùa, thầy lại khỏi ốm mới lạ!

Hơn 70 năm “trồng cây thiện”, bước chân của thầy đã in dấu từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau để giúp đỡ hàng vạn người nghèo, hàng triệu cảnh đời bất hạnh.

Thầy tâm sự: “Một cây thiện cho ngàn quả thiện, mang được một ít mắm, ít muối, ít gạo đến với những mảnh đời khốn khó, bất hạnh đối với tôi còn hơn một đời ăn chay, niệm Phật”.

Khổ nhất là... an nhàn

Là đệ tử cưng của cư sĩ Thiền Chửu và Pháp chủ Thích Đức Nhuận, kinh sách làu thông, lại đức cao vọng trọng nhưng năm 1973, được Pháp chủ Thích Đức Nhuận thuyết phục, thầy ưng thuận về trụ trì chùa Phụng Thánh, tiếp nhận… ba chục bát sứt, dăm manh chiếu rách, mấy thước vải mối xông…

Gọi là chùa cho sang chứ lúc ấy chốn này chỉ là một dãy nhà xiêu vẹo, ẩm thấp, hễ mưa là ngập, đỉnh điểm như trận lụt năm 1984, nước dâng đến nách, thầy phải dầm mình chống chọi với mưa lũ để ngăn mái tốc, tường sập, tượng trôi…

Trông cảnh ấy, ai ngại khó ngại khổ chắc sẽ bỏ cuộc. Nhưng thầy thì khác, đã nhận lời với ai thì gắng làm cho bằng được, hoàn cảnh càng khó khăn càng hun đúc quyết tâm, hay “khổ quá quen rồi, thêm chút nữa cũng chả sao” - như câu tự trào của thầy.

Theo hầu cửa Phật nhưng trong thời kỳ kinh tế khó khăn của nước nhà, thầy hăng hái vào HTX, tham gia dệt vải, khâu khuy áo bông, may quần áo, làm chủ nhiệm HTX sản xuất tương... Lọc cọc đạp xe suốt chặng đường 72km thồ 90kg vải từ Bắc Giang về Hà Nội may quần áo thành phẩm để phục vụ chiến trường hoặc xuất khẩu, mỗi chuyến đi, thầy chỉ mang theo một nắm cơm, một bình tông nước để ăn uống trong suốt 3 ngày đi - về rồi cứ mải miết đạp xe.

Có bữa trời tối mịt mùng, đang đi giữa đồng không mông quạnh thì xe nổ lốp, đứt xích…; có ngày đang gò lưng đạp xe lên dốc thì vành gãy, người và xe lăn lông lốc xuống ruộng, mình mẩy thâm tím, trán bươu, đầu sứt...

Nhưng tất cả đều không làm thầy chùn bước. Rồi tính hay lam hay làm, lại khéo tay nên thầy trổ tài ủ tương, ướp trà nhài, trà sen, bình quân mỗi năm thầy sản xuất khoảng 2.000 lít tương, 5 tạ trà nhài, 1 tạ trà sen, phần để chi dùng cho việc đạo, phần bán lấy tiền lo việc đời.

Cùng với cơm chay, tương, trà của chùa Phụng Thánh là một trong những đặc sản của đất Hà thành. Sản vật của nhà chùa do thầy làm ra người ta tranh nhau mua gửi đi khắp đất ta, trời Tây.

86 tuổi, lại đang vật lộn với đủ thứ bệnh, ấy vậy mà ngày ngày, ni trưởng Thích Đàm Ánh vẫn cặm cụi từ 4 giờ sáng đến tận 11 giờ đêm tỉ mẩn làm đủ thứ việc.

Tôi cứ trộm nghĩ với thầy, phải ngồi yên, an hưởng cuộc sống nhàn tản, ẩn dật mới là nỗi khổ nhất chứ không phải khi chạy vắt chân lên cổ với trăm thứ việc đạo việc đời.

Bán từng lít tương, cân trà để nhặt từng đồng bạc lẻ mà đủ sức trùng tu, tôn tạo ngôi chùa nằm trong khuôn viên rộng 5.000m2 này với chi phí lên tới bạc tỉ vào năm 2000 và làm từ thiện hàng chục tỷ đồng, tài thu vén ấy của thầy thật đáng nể phục!

Cả đời làm từ thiện giúp đỡ người nghèo, ni trưởng Thích Đàm Ánh đã được tặng thưởng hơn 300 bằng khen, giấy khen. Thầy xếp gọn tất cả trong một cái hòm gỗ.

Bà Mai Hà - một phật tử - còn kể một câu chuyện về sự khiêm tốn của thầy: Năm 2006, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề xuất và Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký tặng thưởng ni trưởng Thích Đàm Ánh Huân chương Lao động hạng Ba.

Ban đầu, thầy kiên quyết không nhận. Thầy bảo: “Tôi chẳng có thành tích gì đáng kể, trồng cây thiện, giúp đỡ người nghèo là bổn phận của người tu hành”. Sau, khi UBMTTQ quận Đống Đa rồi Thành hội Phật giáo Hà Nội thuyết phục mãi, thầy mới đồng ý...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây