Với cái thấy xuyên suốt, đức Phật đã cho những người sống
chung những bài học quí báu để ngăn ngừa và hóa giải những mâu thuẩn xảy ra giữa
họ. Mặc dù lúc đó đức Phật nhắm đến những đệ tử xuất gia, những lời khuyên của
ngài cũng áp dụng có hiệu quả cho những cộng đồng xã hội khác và vẫn còn
giá trị cho đến ngày nay. Sau đây, chúng ta lần lược trình bày và phân tích những
lời dạy của ngài.
Năm Sự Khéo Léo Trong Việc Trao Đổi
Những lời dạy của đức Phật về sự khéo léo trong cách
giải quyết tốt đẹp những bất hòa được ngài Xá Lợi Phất giải thích rành mạch. (1)
Đức Phật dạy có năm sự khéo léo trong giao tiếp đem đến
nhiều kết quả tốt đẹp. Theo ngài Xá Lợi Phất, không tuân theo năm cách xử sự nầy
sẽ đem đến những hậu quả tiêu cực và đáng ân hận – và hầu hết người nói sẽ gặp
phản ứng từ người nghe. Sau đây chúng ta khảo sát năm phương pháp mà đức Phật
và ngài Xá Lợi Phất coi như thiết yếu trong việc hóa giải những bất hòa trong đời
sống hằng ngày.
1. Nêu Vấn Đề
Đúng Thời
Đúng thời là một điều kiện quan trọng trong việc truyền
đạt của đức Phật. Ngài tự nhận là một “người nói đúng thời” và thường nhấn mạnh
rằng sự thất bại hay thành công trong cuộc trao đổi tùy thuộc rất lớn vào thời
điểm. (2) Theo ngài Xá Lợi Phất, đúng thời là điều kiện thiết yếu trong việc
hóa giải những mâu thuẫn giữa người với người.
Với những bằng chứng được ghi lại, đức Phật là người đầu
tiên trong lịch sử loài người nhấn mạnh sự quan trọng của việc đúng thời trong
lời nói. Đó là vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch. Tư tưởng gia Hy lạp tiền Socrate
là Protagoras đề cập đến khái niệm nầy lần đầu tiên trong lịch sử Tây phương
vào thế kỷ thứ tư trước Tây lịch.
Khái niệm “nói đúng thời” của đức Phật mang một ý
nghĩa rộng rãi. Điều cần chú ý đầu tiên là trạng thái tinh thần của người nghe.
Cuộc đối thoại giữa đức Phật và bà Gotami, người có đứa con duy nhất chết khi
còn nhỏ, chứng tỏ sự quan trọng của tác nhân nầy. (3)
Gotami ôm đứa con đã chết đến cho nhiều vị thầy thuốc
để mong được cứu, nhưng tất cả các thầy thuốc đều trả lời rằng đứa bé đã chết,
không ai có thể cứu sống được. Quá thất vọng và đau buồn, bà ôm con đến chỗ đức
Phật, người được coi là “vị thầy vĩ đại nhất,” cầu khẩn ngài cứu sống đứa bé.
Thấy sự đau đớn không cùng của người mẹ, đức Phật quyết
định không nói ngay về sự thật. Ngài bảo bà đi tìm một nắm hạt cải ở nhà nào
chưa từng có người chết. Vì biết rằng bà sẽ phản ứng và và đau đớn khi nghe sự
thật, ngài đợi đúng lúc để nói cho bà về sự thật không vui rằng cái chết là phổ
biến cho mọi người, không ai có thể tránh khỏi, không ai có thể thay đổi. Và điều
đó đã giúp bà giảm đi nỗi đau và đạt đến trí tuệ.
Các nhà tâm lý xác nhận rằng một người đang lúc không
vui ít muốn lắng nghe. Một trẻ vị thành niên khi mang về một giấy báo điểm thấp
có thể sẽ phản kháng mãnh liệt trước lời khuyên của cha mẹ rằng hãy cố gắng để
khá hơn trong kỳ học tới. Một người vợ hay chồng về nhà sau một cuộc chạm trán
không vui với cấp trên có thể thấy những lời cau có của người kia nhức nhối khó
chịu hơn. Trao đổi khi người nghe ở trong trạng thái vui vẻ có thể đem lại những
kết quả tốt đẹp hơn.
Sự thoải mái về thể xác cũng phải được kể vào nguyên tắc
đúng thời. Đức Phật bảo đệ tử của ngài cho một người muốn nghe Pháp đang đói được
ăn trước khi ngài thuyết Pháp cho người đó. (4)
Đức Phật biết rằng thuyết Pháp cho một người đang đói
sẽ đem lại ít lợi lạc hơn. Và trước khi nói Pháp cho một đệ tử xuất gia, đức Phật
đã hỏi han về chứng bịnh của vị đó đang mang. (5) Chúng ta thấy rõ ràng rằng điều
kiện thể xác cũng là một yếu tố để có một tinh thần khoẻ mạnh; do đó “đúng thời”
cũng có nghĩa là thời điểm khi người nghe có tình trạng cơ thể thích hợp.
Mục tiêu là đem lại sự vui vẻ và lợi ích cho cả người
nghe và người nói. Chờ đợi thời điểm thích hợp để truyền đạt không có nghĩa là
tìm cơ hội tốt nhất để tạo tác động lên người nghe. Sự hiện diện của những động
năng ích kỷ và lạm dụng đi ngược lại lời dạy của đức Phật. Ngài lặp đi lặp lại
rằng người nói nên được hướng dẫn bằng tâm từ bi, hoàn toàn không có động cơ lợi
dụng.
Chọn thời điểm thích hợp nhất để nói là sự khéo léo có
sức mạnh rất lớn trong việc hóa giải những bất hòa trong mối quan hệ.
2. Chỉ Đề Cập
Đến Sự Kiện
Đức Phật nói thêm rằng tránh những lời buộc tội sai lầm
là bước thứ hai trong việc làm tốt cuộc đối thoại và giảm bớt những mâu thuẫn
trong mối quan hệ. Theo ngài Xá Lợi Phất, người nói cần luôn tâm niệm: “Tôi sẽ
nói điều gì đã xảy ra, không nói điều gì không xảy ra.” (6)
Sự khéo léo nầy cũng bao gồm việc tránh cường điệu,
phóng đại những lỗi lầm và những yếu kém của người nghe, cũng như những lời kết
tội không có thật khác.
Dưới nhãn quan tâm lý học, chúng ta thổi phồng những yếu
kém hay lỗi lầm của một người chính yếu là để lôi kéo sự chú ý của người đó, hoặc
bày tỏ sự tức giận của chúng ta. Để nhấn mạnh sự săn sóc thích hợp cho một đứa
con, người vợ có thể nói với chồng: “Con bị cảm cúm do anh không đắp kỹ cho nó.”
Để trút giận, người chồng có thể trả đũa: “Cô lúc nào
cũng nói chuyện ngớ ngẩn.” Trong trường hợp đầu, điều thật sự xảy ra là đứa trẻ
bị bịnh cúm; lý do người vợ đưa ra chỉ là một sự gán cho. Trường hợp thứ hai,
câu trả lời của người chồng là một câu nói chung chung, một luận điệu chung
chung về một sự việc riêng lẽ. Cả hai đều nói những lời cường điệu. Cả hai đều
không nói đúng chính xác “điều xảy ra.”
Sự cường điệu thể hiện dưới nhiều hình thức trong đời
sống hằng ngày. Một người mẹ thấy một chiếc dĩa tuột khỏi tay người con gái có thể
la lên: “Mày không bao giữ được cái gì.” Một người vợ đọc kết quả xét nghiệm sức
khỏe hằng năm của chồng có thể nói: “Ông không chịu tập thể dục. Đó là lý do lượng
mở trong máu tăng cao.” Tất cả những lời nói nầy đều là những lời thổi phồng,
cường điệu, hoặc gán thêm.
Cách phát ngôn nầy một cách nào đó có vẻ xoa dịu cho
người nói – mặc dù không xoa dịu chút nào cho người nghe. Có thể một người sẽ cảm
thấy sự căng thẳng trong tâm của mình nhẹ bớt bằng việc tấn công bằng lời nói
vào người đã tạo ra sự căng thẳng. Nhưng hầu như điều đó chỉ làm tăng thêm phản
ứng ương ngạnh của người nghe. Người nghe cho rằng những lời của người nói là
những lời kết tội vô căn cứ hay là những lời lăng mạ. Phản ứng đó tạo ra sự khó
khăn trong việc đưa đến một cuộc đối thoại lành mạnh giữa người nói và người
nghe.
Đức Phật khuyên chỉ nên nêu ra sự kiện, không thêm vào
sự kiện những giải thích theo ý riêng. Khi đó hoàn cảnh sẽ thuận lợi hơn
để hóa giải những mâu thuẫn một cách thân tình. Điều xảy ra đã xảy ra. Để cứu
vãn mối quan hệ, tốt nhất là đừng để cho sự bất hòa lại xảy ra lần nữa.
Đề cập đến sự kiện không có nghĩa là luôn luôn phải
nói về sự kiện đã xảy ra. Đức Phật nói: “Cho dù sự việc là thật, ta không nói sự
thật đó khi không được người nghe đồng ý.” (7)
Một số sự thật nói ra không có mục đích ích lợi nào,
nói ra có thể là vô ích. Để đem lại kết quả tích cực trong thái độ và cách cư xử
của một người, chúng ta nên chỉ đề cập đến sự kiện, không gán ghép vào đó bất cứ
điều gì khác.
3. Nói Lời
Ôn Nhu
Dùng lời nói ôn nhu, theo ngài Xá Lợi Phất, là một
khía cạnh quan trọng khác trong việc truyền đạt có kết quả việc giải tỏa những
mối bất hòa. Theo ngài, người nói nên có một thái độ dứt khoát trong việc sử dụng
ngôn ngữ: “Tôi nguyện nói lời ôn nhu, không nói lời lỗ mãng, thô bạo.” Tránh sử
dụng lời nói lỗ mãng cũng là một trong năm giới của người Phật tử tại gia. Sự
nhấn mạnh nầy nói lên vai trò quan trọng của lời nói ôn nhu trong mối liên hệ hằng
ngày.
“Nói lời ôn nhu” ở đây cũng chuyên chở một ý nghĩa rộng
rãi. Nó bao gồm mọi thứ liên quan đến ngôn ngữ: lời nói, câu nói, giọng nói,
cách nói.
Theo đức Phật, khi chúng ta nói lời thô bạo để giải
quyết mâu thuẫn, sự vô minh và sân hận thống trị tâm thức chúng ta. Ý
nghĩ cho rằng sự thô bạo sẽ làm cho người nghe chịu hiểu phát xuất từ một tâm thức
vô minh. Sự thật, ngôn ngữ lỗ mãng chắc chắn sẽ làm cho người nghe phản ứng và
chống lại. Một số người nghĩ rằng dùng những lời lỗ mãng để buộc người nghe
không nói được, họ thuyết phục được người nghe chấp nhận những ý kiến của họ.
Một đứa trẻ giữ im lặng và không phản ứng khi bị cha mẹ
la rầy có thể dường như đã được thuyết phục, nhưng sự thật, sự im lặng của đứa trẻ
có thể là một phản kháng mạnh mẽ, nói lên sự thất bại của cha mẹ. Ngôn ngữ lỗ
mãng có thể đem đến một cảm giác thỏa mãn tạm thời, nhưng nó không bao giờ giải
quyết được sự mâu thuẩn.
Tâm lý học hiện đại giải thích rằng sự nóng giận, tác
nhân thúc đẩy phía sau của những lời nói lỗ mãng, là một phản ứng trước những
tình huống đe dọa. Nói lời giận dữ là một kỹ thuật để triệt tiêu nguồn gốc của
một mối đe dọa, không phải để giải quyết sự mâu thuẫn. Ngôn ngữ, giọng điệu
hung dữ biểu lộ một sự tấn công. Cảm giác rằng người nói đang tấn công mình bằng
lời là cảm giác tồi tệ nhất đối với người nghe về khả năng có thể đối thoại. Ít
ai khoan thứ với một sự tấn công; họ tự vệ hoặc tấn công lại. Sự thô bạo được
hướng dẫn bởi lòng tức giận ít khi đưa đến kết quả tốt trong việc giải quyết những
bất hòa.
Có người cho rằng lời nói hòa dịu phản ảnh sự yếu nhược,
và có thể bị người nghe lợi dụng. Sự hiểu sai lạc nầy bắt nguồn từ việc hiểu
sai khi cho rằng ôn hòa là thiếu khả năng hay nhút nhát. Tuy nhiên lời lẽ ôn
hòa không nằm trong ý nghĩa đó. Đức Phật luôn luôn dùng lời lẽ ôn hòa, nhưng
ngài cũng thấy rằng lời nói cứng rắn, dứt khóat là cần thiết. Lời nói thô bạo
là một thái cực và yếu nhược là thái cực kia. Theo đức Phật, chúng ta có thể
không ở trong một thái cực nào và vẫn có thể dùng những lời lẽ dứt khoát để giải
quyết những mâu thuẩn một cách có hiệu quả.
Trong Dhammapada (Pháp Cú), đức Phật khuyên nên kiểm
soát lời nói, tránh những lời nói tức giận. (8) Thái độ đó sẽ tạo ra một môi
trường thuận lợi trong việc hóa giải những mâu thuẩn bất hòa trong cuộc sống hằng
ngày của chúng ta.
4. Nhắm Vào
Những Hiệu Quả Tích Cực
Đi xa hơn, ngài Xá Lợi Phật còn giải thích rằng người
nói cần tập trung vào mặt tích cực trong giải pháp giải quyết vấn đề. Sự tập
trung nầy có thể đem lại những kết quả lớn trong việc hóa giải những mâu thuẩn
giữa những người có mối liên hệ gần gũi. Theo ngài Xá Lợi Phất, người nói cần
luôn tâm niệm “Tôi sẽ nói vì sự lợi ích cho người nghe.” Thái độ nầy của người
nói gợi lên hai điểm. Thứ nhất, người nói cần biết rõ về những kết quả tích cực
của giải pháp. Thứ hai, người nói cần giải thích thấu đáo cho người nghe về những
kết quả tốt đẹp của giải pháp đó.
Cách giải quyết mâu thuẫn nầy nói lên sự viêc rằng chỉ
phê bình mà không có đường hướng để giúp đỡ người nghe thì sẽ thất bại. Một số người
có khuynh hướng tìm lỗi của người kia chỉ để phê phán. Nhận thấy thói quen nguy
hại đó, đức Phật dạy: “Một người luôn luôn phê phán người bạn của mình, việc đó
không chứng tỏ một tình bạn chân thật.” (9)
Khi nhận ra động cơ thúc đẩy của người nói, theo bản
năng, người nghe sẽ phản bác những lời phê bình của người nói. Với một hướng giải
quyết được chuẩn bị sẵn, người nói có thể làm cho người nghe chú ý lắng nghe.
Sự rõ ràng rành mạch của người nói về những hiệu quả
tích cực của giải pháp thuyết phục người nghe chấp nhận cách giải quyết. Người
nói cần giải thích cho người nghe lý do vì sao vấn đề cần được giải quyết, và sự
giải quyết đó sẽ có lợi cho người nghe như thế nào. Người nghe có thể hiểu sai
lạc việc phê bình xây dựng khi người nói không nói rõ mục đích và những kết quả
tích cực trong những đề nghị của mình.
5. Nói Với
Lòng Từ Bi
Sau cùng, lòng từ bi có thể hướng dẫn toàn bộ tiến
trình đối thoại. Những người có ý tưởng, lời khuyên và giải pháp phát xuất từ
lòng từ bi thường dễ giải quyết tốt đẹp những mối bất hòa. Người nói nên tâm nguyện
rằng “Tôi nguyện nói với lòng từ bi, không nói với lòng tức giận.” (10)
Bốn phương pháp đề cập ở trên – đúng thời, chỉ đề cập
đến sự kiện, sử dụng ngôn ngữ ôn nhu, và nhắm vào lợi ích của người nghe – là
những phương pháp thuộc phạm vi hùng biện, ở bên ngoài. Từ bi, thuộc tình cảm, ở
bên trong và dĩ nhiên là thiết yếu.
Những phương pháp hùng biện bên ngoài là cần thiết
nhưng có thể là những kỹ thuật không thích hợp trong việc sữa đổi một cá nhân.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ người nghe có thể cảm nhận sự “thiếu tấm lòng” nơi người
nói. Câu “Tôi thương anh do đó tôi muốn anh được tốt đẹp” có sức mạnh lớn trong
việc ảnh hưởng một người, nhưng sự bày tỏ không bằng lời nói còn có sức mạnh lớn
lao hơn.
Đôi khi chúng ta cần tự hỏi về ý hướng của chúng ta
khi nói với người khác về những hành vi không đẹp của họ. Phải chăng có tác động
tình cảm thật sự trong viêc chăm sóc giúp đỡ một người, hay một thứ gì khác
đang giỡ trò? Vì sao một người vợ hay chồng luôn luôn nhắc nhở người kia về lỗi
lầm mà người đó đã tạo ra trong quá khứ? Vì sao chúng ta luôn luôn sửa sai một
người nào đó? Những sự việc nầy cần quan sát kỹ lưỡng. Một hành động sẽ có ý
nghĩa và kết quả nếu nó được khởi động bằng lòng từ bi.
Những Ngoại Lệ
Năm bước giải quyết trong truyền thống Phật giáo không
phải là những phương thuốc toàn hảo cho mọi xung đột giữa người và người. Chúng
được coi như những phương pháp để có sự đối thoại khéo léo, thiện xảo, có thể
dùng để giải quyết hầu hết những xung đột một cách có hiệu quả, nhưng lúc nào
cũng có những ngọai lệ. Khi ngài Xá Lợi Phất trình bày hiệu năng của năm phương
pháp nầy, đức Phật nêu lên một điểm quan trọng: “Lại nữa, Xá Lợi Phất, dù ông
theo năm phương pháp đối thoại nầy, vẫn còn một số người không tán đồng những
điều ông nói.” (11).
Lời nói nầy phản ảnh cái thấy sâu xa của đức Phật rằng
năm phương pháp ở trên không thể giải quyết tất cả mọi xung đột giữa con người,
và theo đó, ngài bảo Xá Lợi Phất giải thích vì sao có một số người quá cứng cỏi
và làm thế nào để đối trị.
ưTrả lời Phật, ngài Xá Lợi Phất thừa nhận có một số
người luôn luôn phản kháng dù năm phương pháp khéo léo trong đối thoại đã được
đem ra áp dụng; và ngài nói rằng sở tri chướng được coi là một lý do tạo ra phản
ứng nơi người nghe. Đức Phật khen ngợi ngài Xá Lợi Phất và khuyến khích ngài
phát triễển những kỹ thuật được dạy để làm lợi lạc cho những người sẵn sàng lắng
nghe. Điều đáng chú ý là những phương pháp đối thoại mà ngài Xá Lợi Phất trình
bày giúp giải quyết những xung đột trong tinh thần hòa bình.
Nói Thêm Về Sự Khéo Léo Trong Việc Trao Đổi
1. Tránh
Tranh Luận Những Vấn Đề Nhạy Cảm
Để giảm thiểu tối đa những xung đột trong quan hệ, đức
Phật khuyên chúng ta nên tránh tranh luận về những vấn đề nhạy cảm. Những vấn đề
nầy bao gồm những ý niệm có tính cách ức đoán, những quan điểm và tin tưởng
không có cơ sở khoa học. Ngài nói rõ ràng rằng cuộc tranh luận như vậy thuờng
chỉ tạo nên sự đối kháng thay vì đem đến sự nhất trí.
Sự trao đổi giữa đức Phật và Kassapa, một nhà tu khổ hạnh
thuộc một hệ thống tư tưởng khác, nói lên điều nầy. Đức Phật giữ mối quan hệ gần
gũi với những vị thầy trong những tôn giáo khác, thường viếng thăm họ và có những
cuộc trao đổi thân mật với họ. Trong cuộc trao đổi với Kassapa, đức Phật khuyến
cáo chỉ nên đề cập đến những chủ đề mà hai người có quan điểm chia sẻ, tránh những
chủ đề gay gắt. (12) Mục đích của cách tiếp cận đó là giữ mối quan hệ lành mạnh
giữa người nói và người nghe.
Khi có người nêu ra những vấn đế nhạy cảm, đức Phật
đôi khi giữ im lặng. Im lặng có thể tốt hơn là tạo ra kết quả tiêu cực trong việc
tranh luận. Và đôi khi đức Phật không do dự tán đồng những quan điểm khác. Ngài
coi mối quan hệ quan trọng hơn sự tranh luận về những vấn đề không đem đến kết
quả tích cực nào cũng như ngài tránh tranh luận về những vấn đề siêu hình.
Điều nầy không có nghĩa là đức Phật hoàn toàn tránh né
tranh luận, cũng không phải ngài bảo đệ từ đừng bao giờ tranh luận. Trong nhiều
trường hợp, ngài đã tranh luận một cách hùng hồn về những vấn đề xã hội, chẳng
hạn như vấn đề phân biệt giai cấp. Trong Digha Nikaya I, chúng ta thấy ghi lại
nhiều cuộc tranh luận đầy thuyết phục của đức Phật. Những cuộc tranh luận nầy
cho thấy những lý lẽ đầy thuyết phục chống lại những tin tưởng và thói tục sai
lầm và gây tổn hại trong xã hội. Đối với những tin tưởng và thực hành nhạy cảm
có tính cách cá nhân, đức Phật cho rằng tranh luận về những vấn đề đó là vô ích
và có thể gây tổn hại cho mối quan hệ.
Ngày nay, có một số tin tưởng và thực hành về tôn
giáo, chính trị và xã hội thuộc vào những nhóm nầy. Nếu người chồng và người vợ
theo hai tôn giáo khác nhau tranh luận về niềm tin tôn giáo, sự quan hệ sẽ bị tổn
thương rất nhiều. Tương tự, hai người bạn phê phán nhau về thói quen xã hội của
mỗi người sẽ mở ra con đường đưa đến sự căng thẳng và bất hòa.
Để giữ mối quan hệ được tốt đẹp, đức Phật khuyên chúng
ta nên tránh tranh luận về những chủ đề như vậy. Ngài cho thấy rằng trong khi
những tranh luận hợp lý lẽ có thể là cần thiết đối với những tin tưởng và hành
động gây ra những hậu quả xấu, hầu hết những niềm tin tôn giáo và những thói
quen xã hội đều có thể có ích. Trong trường hợp nầy, thay vì tranh luận, sự tiếp
cận tốt nhất là tôn trọng lẫn nhau.
2. Ý Thức Rằng
Có Một Số Cách Cư Xử Không Thể Thay Đổi
Để giữ mối quan hệ được lành mạnh, chúng ta có thể phải
chấp nhận một số mặt không thể thay đổi trong cách cư xử của người đang sống với
chúng ta. Đức Phật nhận thấy rằng hầu hết con người đều có một số yếu kém bên
trong. Ngài nói “Người không có những chứng bệnh trong tâm thật hiếm thấy.”
(13) Một trong những chứng bệnh nầy là “không nhận ra, chấp nhận, và chịu sửa đổi
cách cư xử của mình.” (14)
Đó là bản chất của một số người, cố gắng sửa đổi của
người khác chỉ đem lại sự thất vọng và mệt mỏi. Đức Phật cho thấy rằng có một số
người bản chất tự nhiên là phản ứng bằng sự tức giận, ác tâm và gây hấn đối với
những lời khuyên xây dựng về cách cư xử của họ. (15)
Trong hoàn cảnh đó, cách hay nhất là hiểu và chấp nhận
một số thái độ của người sống chung là không thể thay đổi tuy rằng một cách lý tưởng,
mỗi người trong mối quan hệ cần tự sửa đổi cách cư xử của mình thay vì buộc người
kia phải chấp nhận. Có một số người có thể bày tỏ thái độ khó chịu không gây ra
những mối đe dọa trầm trọng cho mối quan hệ. Trong trường hợp không thể sửa đổi,
sự chấp nhận có vẻ thực tiễn hơn là cố gắng sửa đổi.
Đức Phật cũng nhắc nhở chúng ta rằng tự sửa mình là
tính chất của một người hiền trí. Sự tự sửa như vậy cũng có thể làm giảm đi những
sự không vui trong mối quan hệ. Chúng ta có thể thấy khó khăn khi muốn sửa đổi
người khác theo ý muốn của mình, nhưng chúng ta có thể sửa đổi ý nghĩ và hành động
của mình để thích hợp với thái độ của người khác. Chúng ta có thể rèn luyện một
tâm thức tỉnh táo để có thể chấp nhận và khoan thứ khi đón nhận những điều bất
đồng, nhưng không đe dọa đến mối quan hệ, từ nguời sống chung.
Khuynh huớng giữ im lặng của người chồng và khuynh hướng
muốn bày tỏ của người vợ là điển hình của những cách cư xử đòi hỏi sự khoan
dung và chấp nhận. Người vợ có thể muốn người chồng nghe và đáp ứng trong khi người
chồng muốn người vợ bày tỏ những ý nghĩ của mình một cách đơn giản. Tuy nhiên,
nếu mỗi người đều hiểu bản tính của người kia, họ có thể chấp nhận cách cư xử của
người kia thay vì cố gắng thay đổi.
Luôn luôn than phiền về sự không quan tâm của người chồng
hay tính tự biểu hiện của người vợ có thể làm căng thẳng mối quan hệ. Ngược lại,
kiên nhẫn, khoan dung và chấp nhận sẽ làm giảm mối bất hòa trong quan hệ.
3. Tạo Cơ Hội
Sửa Đổi
Đạo Phật tin vào khả năng biết tha thứ và có thể sửa đổi
của con người. Chúng ta ai cũng có lỗi lầm. Đôi khi chúng ta tạo ra những lỗi lầm
trầm trọng có ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng ta. Đức Phật luôn luôn khuyên
đệ tử biết tha thứ những lỗi lầm và tạo cơ hội sửa đổi cho người gây lỗi. Cách
cư xử nầy sẽ đưa đến việc xây dựng một mối quan hệ gắn bó hơn.
Lời khuyên nầy không có nghĩa là phải quên hết mọi lỗi
lầm trầm trọng của người vợ hay người chồng, bạn bè, hay những người thân. Nó
có nghĩa là những lỗi lầm quá khứ của một người sẽ không làm cho người đó bị kết
án là một kẻ xấu ác cố hữu và không thể có mối quan hệ lành mạnh. Chúng ta có
thể học hỏi từ những sai lầm của chúng ta. Chúng ta có khả năng tiến hóa, và
chúng ta có thể vượt qua quá khứ không tốt đẹp để trở nên tốt đẹp hơn:
Có những người biếng nhác trong khứ, trở nên cảnh giác
và tiến bộ. Họ làm sáng thế giới giống như mặt trăng khi ra khỏi đám mây. (16)
Đức Phật tỏ ra rất tin tưởng khả năng tiến bộ của con
người. Và tạo cho người khác cơ hội để tiến bộ có thể là cách tiếp cận khôn
ngoan trong việc hóa giải những bất hòa.
Cách tiếp cận nầy có thể là cách tiếp cận thích hợp
trong việc làm sâu đậm mối quan hệ hơn những cách khác. Nhiều người trong mối
quan hệ kỳ vọng người chung sống trung thành nhưng những kỳ vọng đó không phải luôn
luôn được đáp ứng. Sự bất tín không phải là không phổ biến trong xã hội của
chúng ta.
Một người càng yêu người kia thì càng bị phiền muộn
nhiều hơn khi khám phá ra điều tuột ra ngoài kỳ vọng của mình. Nền văn hóa của
chúng ta khuyến khích chúng ta dày vò “người có tội” một cách tàn nhẫn. Tuy nhiên,
khi chúng ta để chúng ta miệt mài trong oán giận, chắc chắn chúng ta sẽ chấm dứt
mối quan hệ trong đau đớn. Một cách giải quyết khéo léo là làm cho người kia hiểu
rõ hơn về bản chất lỗi lầm của người đó và cho phép thời gian sửa đổi.
Đức Phật nói rằng sự hấp dẫn của người khác phái là
khuynh hướng mạnh nhất nơi con người. Ngài nói: “Ta không thấy một cái nhìn, âm
thanh, mùi, vị, xúc chạm nào lôi cuốn trái tim của người đàn ông hơn phụ nữ.”
(17) Một người nữ cũng bị người nam lôi cuốn như vậy. (18)
Việc đó có thể được coi là tự nhiên. Tuy nhiên, con
người cũng phát triển một lối tư duy thực tiễn để chống lại những khuynh hướng
bản năng. Khi được ban cho cơ hội, con người có thể hiểu ra những lợi ích của
việc tiếp cận thực tế với những thôi thúc bản năng. Sự hiểu biết đó có thể giúp
con người sửa chữa những sai lầm làm tổn hại mối quan hệ thân thiết.
Bước quan trọng nhất để sửa mình và làm cho mối quan hệ
thêm gắn bó là “nhìn thấy lỗi lầm như nó là, chấp nhận lỗi lầm, và quyết định
không tái phạm.” (19) Khi chúng ta thực hiện điều nầy, chúng ta được đức Phật gọi
là pandita, người hiền trí.
4. Tìm Một
Cuộc Chia
Trong mọi sự đều có ngoại lệ. Trách nhiệm và bổn phận,
khéo léo trong trao đổi, và những kỹ thuật khác là những phương tiện làm giảm, không
phải là triệt tiêu, những mâu thuẩn trong một mối quan hệ. Mặc dù với những cố
gắng chân thật, một số người thấy rằng vấn đề của họ không thể giải quyết. Đức
Phật dạy gì về mối quan hệ không vui và không ai muốn nầy? Ngài dạy gì cho đệ tử
về việc đối xử với những người không còn gần gũi với mình?
Đức Phật nhìn thấy những lý do đưa đến sự chấm dứt
chính đáng một mối quan hệ: người kia cứ tiếp tục những hành vi sai trái không
kìm chế, có sự nguy hiểm do mối quan hệ gây ra, nhận thấy một sự vô ích trong
việc kéo dài mối quan hệ. Trong mỗi trường hợp vừa nêu, đức Phật chấp nhận quyền
chọn lựa cá nhân trong sự quyết định. Ngài khuyên đệ tử rút lui khỏi những mối
quan hệ không thích hợp như vị vua rút khỏi vùng đất bị chiếm. (20)
Tuy nhiên, sự chấp nhận tự do cá nhân nầy không có
nghĩa là tán đồng những quyết định vội vàng, sắt đá, không hài hòa; thay vì vậy,
những sự cân nhắc hợp lý và hợp đạo đức phải được đặt ra trước khi có sự quyết định
sau cùng. Người đó phải chắc chắn rằng quyết định của mình sẽ đem đến lợi ích,
thay vì sẽ đem đến kết quả trái ngược, cho những người có liên quan trong mối
quan hệ, kể cả bản thân người quyết định. Ai cũng có quyền chấm dứt mối quan hệ
nếu quyết định đúng chuẩn mực.
Lời khuyên của đức Phật với Upali (Ưu Ba Li), một đệ tử
cũng là một người bạn của giáo chủ Kỳ Na Giáo là Mahavira, chứng tỏ việc nầy.
Theo yêu cầu của thầy, Upali đến chỗ đức Phật để tranh luận. Tuy nhiên sau khi
nghe đức Phật, Upali nhận thấy giáo pháp của Phật có giá trị hơn của Mahavira
và muốn trở thành đệ tử của ngài. Đức Phật nói: “Ông nên suy nghĩ thêm về quyết
định của ông; đối với người đáng tôn kính như ông, tốt hơn là suy nghĩ và thẩm
định về quyết định của mình.” (21)
Sau khi Upali thưa với đức Phật rằng quyết định của
ông đã đuợc cân nhắc kỹ lưỡng, đức Phật cho phép ông được rời bỏ Mahavira và trở
thành đệ tử của ngài. Sự lựa chọn cá nhân có suy nghĩ chín chắn và hợp lý của Upali
là tác nhân chính yếu đưa đến quyết định của ông.
Việc nầy cũng áp dụng được cho những mối quan hệ khác.
Trong thời đức Phật, có những người nam cũng như nữ đã có gia đình muốn từ bỏ người
hôn phối, sống cách biệt để thực hành phạm hạnh. Đức Phật không bao giờ ngăn cản
nếu sự tu hành của họ không phương hại đến đời sống của nguời còn lại và con
cái họ. Đức Phật khuyên Ugga, một người giàu có, chu cấp và đùm bọc những người
vợ của ông trước khi rời xa họ. (22)
Đức Phật không bao giờ cho rằng một người có thể từ bỏ
vợ hay chồng để tìm những thú vui khác. Tuy nhiên, ngài nói rõ rằng một cuộc
chia tay hài hòa khỏi một mối liên hệ không vừa ý có thể tốt hơn là cứ tiếp tục.
Đức Phật cũng có những lời khuyên cho những người sau
khi chia tay người sống chung hay bạn hữu. Cuộc nói chuyện của ngài với
Kesi, một người huấn luyện ngựa, cho chúng ta thấy rằng cần phải từ bỏ sự oán ghét
và thù hằn đối với người sống chung ngày xưa dù người đó đã tạo ra những đau buồn
phiền muộn trong mối quan hệ. Kesi nói với đức Phật rằng ông sẽ giết những con
ngựa không muốn hợp tác trong việc huấn luyện. Đức Phật nói với Kesi rằng đối với
ngài, ngài không quan tâm đến những người không thể thuần thục hay không chịu hợp
tác. (23)
Trong giáo pháp của đức Phật, sự theo đuổi hận thù
không bao giờ được khuyến khích ngay cả khi người đó bị lạm dụng hay bị làm tổn
thương trong mối quan hệ. Đức Phật dạy rằng một người không thể tìm thấy bình
an khi vẫn còn vướn mắc trong những sai quấy của người khác trong quá khứ. (24)
Dĩ nhiên cần có những phản ứng thích hợp trước những
hành vi sai trái, nhưng như đức Phật nhìn thấy, đeo đẳng chạy theo sự oán hận
chỉ làm trầm trọng thêm nỗi đau do mối quan hệ không được hạnh phúc gây ra. Có
những người làm cho cuộc sống của họ khổ đau với việc không chịu thoát ra khỏi
mối quan hệ đã đổ vỡ, trong khi họ có thể tìm thấy sự hài hòa trong cuộc sống bằng
cách biết tha thứ và quên đi.
Kết Luận
Đức Phật và đệ tử của ngài là Xá Lợi Phất đã đưa ra những
hướng dẫn giá trị để giải quyết một cách hòa bình những mâu thuẩn trong cộng đồng
Tăng già. Những hướng dẫn nầy cũng áp dụng hiệu quả cho những người sống chung
trong những mối quan hệ xã hội khác.
Trau dồi sự khéo léo trong giao tiếp, phát triển những
cách cư xữ khôn khéo là những điều cần thiết cho mục tiêu nầy. Đức Phật nhấn mạnh
rằng hầu hết những vấn đề xảy ra trong mối liên hệ gần gũi đều có thể giải quyết
tốt đẹp bẳng những phương pháp ngài nêu ra.
Tuy nhiên vẫn có một số quan hệ không thể giải quyết
dù người trong cuộc hết sức cố gắng. Trong trường hợp nầy, chia tay có thể là một
giải pháp tốt nhất để giải phóng những người trong cuộc thoát khỏi gánh nặng của
những xung đột. Sự chia tay không nên được coi là một cách trả thù, nhưng là một
cách để có thể đem lại sự tốt đẹp cho mình và cho những người khác liên quan
trong trong mối quan hệ.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự