Biết mình biết người

Thứ năm - 05/08/2010 20:37
Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người phát xuất từ trạng thái tâm của người ấy. Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.

Sự "tự tri" này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, v. v. Có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly. 

Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình, để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường. Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần.

Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây. Nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.

Để mặc người ta 

Đừng tìm lỗi người. Nếu cách cư xử của họ sai lầm, bạn cũng chẳng cần làm khổ mình mà chi. Nếu khi bạn chỉ cho họ thấy sai lầm của họ mà họ vẫn không sửa đổi, hãy để yên như thế.

Đức Phật đã từng theo học với nhiều thầy. Ngài thấy phương pháp của thầy thiếu sót, nhưng Ngài không dèm pha hay làm thầy mất thể diện. Nhờ học hỏi với thái độ khiêm nhường và tôn trọng nên Ngài thâu thập lợi ích trong khi sống với các thầy. Thật vậy, học với họ Ngài mới biết hệ thống của họ chưa hoàn hảo. Lại nữa, khi Ngài thành đạo, Ngài không chỉ trích hay tìm cách dạy lại họ. Sau khi giác ngộ, Ngài kính cẩn nhớ lại những vị thầy Ngài đã theo học và muốn chia xẻ với họ sự hiểu biết mà Ngài mới tìm ra.

Tình yêu thật sự  

Tình yêu thật sự là trí tuệ. Tình yêu như phần lớn mọi người nghĩ chỉ là một cảm giác tạm. Có một món ăn thật ngon, nhưng nếu mỗi ngày bạn đều ăn như thế, chẳng bao lâu bạn sẽ chán lên tận cổ. Cũng thế, tình yêu đó cuối cùng đi đến thù hận và phiền muộn. Hạnh phúc thế gian bao gồm tham ái và luôn luôn dính liền với đau khổ. Thật vậy, đau khổ theo sau hạnh phúc thế gian như cảnh sát theo sau tên trộm. 

Tuy thế, chúng ta không thể loại bỏ hay ngăn trở loại cảm giác này. Chúng ta không nên dính mắc hay đồng hóa với chúng mà chỉ cần biết chúng là gì, sau đó Pháp sẽ có mặt. Một người yêu một người khác rồi cuối cùng người yêu ra đi hay lìa đời. Than khóc hay nhớ tưởng lâu dài, nắm giữ cái đã thay đổi là đau khổ chứ không phải là tình yêu. Khi chúng ta thể nhập chân lý, không còn cần hay muốn nữa, trí tuệ và tình yêu thật sự sẽ lấn át tham ái và tràn ngập thế gian.

Nguồn tin: Buddha Sasana

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây