Phật giáo và ý chí làm giàu của con người

Thứ ba - 27/07/2010 09:46
Từ khởi thủy đến nay, xã hội loài người từng trải bao thăng biến. Không biết đã bao nhiêu triết thuyết, tôn giáo ra đời mong cứu độ con người vượt qua biển khổ sông mê; một mặt do hoàn cảnh khách quan, mặt khác, không kém phần nan giải lại do chính mỗi người trong xã hội tạo tác nên.

Phật giáo là giáo lý của đạo Phật- Một tôn giáo lớn trên thế giới- Bao hàm nhiều chân lý của các chân lý về tự nhiên cũng như xã hội; suốt hơn 2.500 năm qua đã trụ vững; thu hút đông đảo tín đồ và các bậc thiện trí thức kính ngưỡng, nương noi, xác tín về sự uyên viễn trong giáo pháp của mình. 

Với giá trị nhân văn, khoa học ấy, lễ Vesak- ngày rằm tháng tư âm lịch được coi là ngày thiêng liêng, kỉ niệm ngày: Đản sinh- Chứng đạo và nhập diệt của Đức Phật Thích-Ca- Mâu-Ni. Từ năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chính thức ghi nhận lễ Vesak là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới; là sự tôn vinh mang tính khách quan, khẳng định vai trò và ý nghĩa nhân loại “bất khả tư nghị”của Phật đạo.

Điều đó, đủ cho bậc xuất gia cũng như cư sĩ cùng hàng ngoại đạo niềm hạnh phúc cùng sự an ủi, thái độ sống “tự tại vô ngại” và nỗ lực lĩnh hội giá trị thâm sâu, mầu nhiệm của Phật giáo để góp phần không ngừng hoàn thiện bản thân về mọi mặt, mong góp phần hữu ích vào công cuộc chấn hưng đất nước trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. 

Chữ PHẬT là phiên âm Hán Việt do chữ Phạn viết là: BOUDDHA- Còn có cách phiên âm tiếng Việt từ xưa là BỤT. Phật có nghĩa là sự sáng suốt hoàn toàn, là trí tuệ viên thông trên cả ba mặt: tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.( tự mình sáng tỏ, giúp người khác sáng tỏ như mình và từ hiểu biết đến việc làm thực tế đều đúng đắn, đầy đủ, tốt đẹp). Như vậy, Phật giáo là giáo lý của sự sáng suốt, thông tỏ mọi lý-sự của trời, đất và con người.

Nói đến Đạo Phật, chúng ta không thể không tưởng nhớ về ngài Thái tử Tất-Đạt- Đa, từ hơn hai mươi lăm thế kỉ trước đây, tại Ấn Độ, đã tự nguyện hiến mình, xã bỏ mọi quyền danh, lợi lộc đương nhiên được xã hội và dòng họ trao truyền để đi tìm cầu chân lý trong tinh thần “Đại bi, đại trí, đại dũng” mong đem đến cho quần sinh cuộc sống an vui, tự tại; tránh mọi khổ đau do tam ác nghiệp là tham-sân-si gây nên.

Và ngài đã liễu ngộ được chân lý: Chỉ có tình yêu thương cùng với trí tuệ sáng suốt thì mỗi cá nhân và xã hội mới có an vui, tinh tấn. Ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào người với người, quốc gia với quốc gia, dân tộc với dân tộc còn vương vấn thù hận, ghen ghen, ganh đua, đố kỵ, xúc xiểm, khích bác, kiêu mạn, tự phụ, hàm ơn… đi liền với sự hiểu biết nông cạn, vị kỉ, mê lầm, cố chấp… thì khi đó, ở đó chưa thể có an vui và phát triển hài hòa, tốt đẹp được. 

Lại nữa, thế giới ngày nay so với thời Phật chứng đạo và thuyết pháp đã thay đổi đến kinh ngạc về khả năng của con người tìm hiểu và chinh phục tự nhiên bằng khoa học kĩ thuật và công nghệ thông tin. Tuy vậy, so với những điều Phật dạy, thiết tưởng vẫn mới chỉ là ít lá bứt được mà chúng ta có trong tay; còn nhiều điều uyên áo chưa kịp sáng tỏ vẫn như điệp trùng lá cây nơi đại ngàn kia.

Như vậy, vấn đề toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh những thuận duyên đem đến cho sự phát triển; còn gây một số chấn động, thậm chí hoang mang cho một bộ phận dân chúng hay một số quốc gia chậm hoặc đang phát triển. Nhưng về đại thể theo tinh thần Phật giaó, chúng tôi nghĩ vẫn giữ nguyên thái độ an nhiên.

Bởi Phật đã nhắc nhở từ trước công nguyên hơn năm trăm năm về lẽ “vô thường”, “vô ngã”, “nhân quả” và lí “nhân duyên” bất hủ. Vậy, việc toàn cầu hóa vừa có tính thời sự, vừa là chuyện đương nhiên mà mỗi người đã đang và tiếp tục tham gia, hội nhập. Chỉ có điều đáng lưu ý nhất là cuộc hội nhập này không thể thiếu nguồn năng lượng của trí tuệ và lòng từ bi. Trong không gian và thời gian của “thế giới phẳng” hiện nay, việc làm giàu của mỗi cá nhân đang là cơ sở của sự phát triển kinh tế nói riêng và của văn hóa văn minh nhân loại nói chung. 

Bấy nay chúng ta nhắc nhiều đến hội nhập, những cơ hội và thách thức đối với một quốc gia như nước ta đó là điều dễ hiểu. Chỉ có điều đáng quan tâm là thái độ và cách thức ứng xử của chúng ta với nó như thế nào mà thôi.

Để không bị tụt hậu, khỏi phải trả giá đắt cho những sai lầm, lạc hậu, chủ quan duy ý chí trong giai đoạn này, thiết tưởng Phật giáo có thể đóng góp giá trị nương tựa đầy ý nghĩa cho những ai đang trên đường “tầm sư cầu đạo” mong “minh tâm, kiến tính, tri Phật”, biết “sống chậm” để thực hành lời dạy của Đức Phật trên bước đường làm giàu cả về phương diện vật chất cũng như tinh thần; tránh khỏi những cú “Sốc” thời đại gây nên.

Tại cuộc hội thảo này tôi xin góp một số ý kiến (mới được khai thị) về: “Những đóng góp của Phật giáo trong việc phát triển khả năng làm giàu của mỗi cá nhân”. 

Thưa quý vị! 

“Làm giàu” là một nhu cầu và là một hoạt động chỉ có trong xã hội loài người; như người xưa đã đúc kết: “ Phú thị nhân sở dục”(Giàu có là ước vọng nhi nhiên, chính đáng của con người). Tuy vậy, chúng ta cũng cần thống nhất quan niệm: Giàu là gì? Theo từ điển tiếng Việt (do Viện ngôn ngữ biên soạn được Trung tâm từ điển- Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2000) cho biết: “Giàu-tính từ-1: Có nhiều tiền của; trái với nghèo.

Kẻ giàu người nghèo. Con nhà giàu. Dân giàu nước mạnh. 2: Có nhiều hơn mức bình thường ( cái có giá trị về vật chất hoặc tinh thần); trái với nghèo. Thức ăn giàu chất đạm. Làm giàu tiếng Việt. Giàu kinh nghiệm. Con người giàu tình cảm.”(Tr.395, cột 2, dòng 12 từ dưới lên). Trong tham luận này chúng tôi xin được hiểu theo nghĩa thứ hai là: khả năng làm giàu cả về vật chất cũng như tinh thần của mỗi cá nhân 

Thông qua lĩnh hội tinh hoa của tam tạng điển giáo: kinh-luật-luận; chúng tôi thấy tâm đắc về một số pháp tu đã có “Những đóng góp của Phật giáo trong việc phát triển khả năng làm giàu của mỗi cá nhân” như sau: 

1- Duy tuệ thị nghiệp. 

Đạo Phật vẫn được gọi là đạo của trí tuệ. Trí tuệ là phiên âm chữ Phạn Prajnà (nghĩa là bát nhã). Trí tuệ là sự khôn ngoan sáng suốt. Có khôn ngoan sáng suốt chúng ta sẽ trừ được tam độc nghiệp: tham, sân, si. Tham là những mong muốn vượt quá khả năng hiện thực chủ quan và khách quan nói một cách khác, là những nhu cầu trái lẽ công bằng, đạo lý, như chiếm của công thành của tư, biến của người thành của mình một cách vô lối.

Sân là tất cả những gì thuộc về ghen ghét, đố kị, xúc xiểm, khích bác…còn Si gồm mọi sự mê lầm, ảo tưởng, chủ quan, cố chấp ngược với sáng suốt, đúng đắn. Như vậy phải có trí tuệ chúng ta mới giải quyết mọi công việc có lý có tình, không để xảy ra bất ngờ do lầm lẫn, tự phụ. Đức phật đã từng nói: “Chỉ có dao trí tuệ mới chặt đứt được phiền não”và phải“duy tuệ thị nghiệp”.

Phải coi việc trao dồi trí tuệ là sự nghiệp suốt đời mỗi người. Trí tuệ vừa là nền tảng, vừa là kết quả của “Bát chính đạo”-Tám con đường đúng đắn đó gồm: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định làm cơ sở đi đến thành công của mỗi cá nhân. Có trí tuệ mới lĩnh hội được chân lí “Tứ diệu đế”, liễu nghĩa “Nhân quả”, “Nhân duyên”, “Vô thường”, “Vô ngã”… Vô minh là mặt trái, là kẻ thù của trí tuệ. Nếu xem trí tuệ là ánh sáng ban ngày thì vô minh là bóng đêm. Nó là bạn đường cuả mê lầm, của tam độc nghiệp: tham, sân, si. 

Người có trí tuệ ít nhất có 3 lợi ích: 

1-Thông tỏ mọi sự: Tất cả sự vật, hiện tượng bị vô minh che như sương giăng che
mờ cảnh vật; có trí tuệ khác nào ánh nắng trời chiếu dọi xua tan sương mù, cảnh vật hiển lộ rõ ràng như vốn có của nó; như thế gọi là “chân như tự tại”. 

2-Lĩnh hội được chân lí: Nhờ sáng suốt theo “bát chính đạo” của trí tuệ, ta lĩnh hội được các quy luật chung và riêng trong tự nhiên cũng như xã hội. Đạo Phật có tới 84.000 pháp tu, ứng nghiệm với từng căn cơ khác nhau của mỗi người, mỗi hoàn cảnh. Nhưng để tu tuệ có hiệu quả nhất phải kể đến pháp: “Tam đoạn luận: Văn-Tư-Tu” và “Tam vô lậu học: Giới- Định-Tuệ” là những pháp tinh hoa nhất. “Văn” là nghe.(Người xưa chưa nhiều giấy bút mực như ngày nay, vả lại khi Phật tại thế, chuyển pháp luân ngài chỉ ngồi thuyết pháp, sau đó các đệ tử mới kết tập thành văn bản).

Vì thế việc học ngày đó được diễn đạt bằng chữ Hán là “Văn”(nghe) để lĩnh hội nghĩa lí Phật dạy. “Tư” là suy nghĩ. Học rồi, phải biết tư duy, phân tích ,suy ngẫm đúng sai mới thâu nhiếp thành nhận thức của bản thân. Sau đó biến thành hành động, chỉnh sửa lại những chỗ sai lệch của bản thân, của công việc cho đúng đắn gọi là “Tu”. Ba bước ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn; không chỉ cho những bậc xuất gia, cư sĩ mà còn giúp cho cả những người ngoại đạo một phương pháp tuyệt hảo về “học đi đôi với hành” như nguyên lý giáo dục hiện đại vẫn nêu, thực chất là diễn đạt lại cách nói của Phật trước đây là “tri hành hợp nhất”.

Để trí tuệ không ngừng tăng trưởng vững chắc thì việc “Trì giới” giữ vững các quy định, điều luật về những việc được hay không được làm. Nhờ đó mới không gây rối loạn cho tự thân cũng như tha nhân. Việc giữ giới còn phải có sự kiên định về nhận thức tư tưởng đối với đạo và đời. Đối với người xuất gia thì bền bỉ tinh tấn tu trì, với cư sĩ hay ngọai đạo thì chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình góp phần kiến tạo một xã hội an hòa, hạnh phúc. 

Văn-Tư-Tu giúp cho Giới-Định-Tuệ có nền tảng vững chắc. Trong đó “Giới” cần phải “Định” mới có ý nghĩa. Nhờ “Giới”và “Định” mà “Tuệ” hiển lộ và viên thông không ngừng. Tiếp đó “Tuệ” làm cơ sở thúc đẩy “Giới” “Định” tốt hơn nữa. Chỉ người có trí tuệ thực sự mới có thể tứ “Tự giác” đến “Giác tha” và “Giác hạnh viên mãn”. Bởi họ thấu suốt lẽ “chân như” vốn có của “Lí” lẫn “Sự”,của “Thần” và “Tướng” nên không bị chấp trước, ngã mạn; mới ý thức được “Tự lợi” với “Lơị tha” như thế nào là đúng đắn. 

Với tầm quan trọng ấy, “Trí tuệ” có vị trí đặc biệt trong yếu nghĩa của Phật pháp.Với việc nghiên cứu, tiếp thu, học tập những điều tinh túy trong giáo lý đạo Phật chúng ta thấy đây là điểm cốt yếu cần được cổ súy, tạo điều kiện phát huy, vận dụng; sẽ thực sự có ảnh hưởng to lớn đối với mỗi cá nhân trong việc hoàn thiện nhân cách, làm giàu về của cải vật chất trên nền tảng vững chắc của sự giàu có của trí tuệ.

Đức Phật đã nêu thông điệp : “Sức mạnh vô địch của con người là lòng kham nhẫn, khiêm cung; vũ khí sắc bén là lòng từ bi, tình yêu thương; oai lức tuyệt đỉnh là sự hỉ xa, lòng vị tha; và sự nghiệp vĩ đại nhất đấy là trí tuệ”. 

Chúng ta không thể phủ nhận rằng: Từ khi có xã hội loài người đến nay, những người còn lưu danh trong lòng nhân loại đều là những đấng có trí tuệ hơn người, đã giải đáp đúng đắn những vấn đề hết sức khó khăn của lịch sử xã hội cũng như trong lĩnh vực văn hóa - khoa hoa đặt ra.

Đơn cử, trước hết chính là Đức Phật tổ Thích-Ca- Mâu-Ni, đạo của ngài đã giữ vị trí ưu thắng giữa một xã hội mà khi ấy đạo Bà-La-Môn và hàng năm sáu chục giáo phái tôn giáo khác đang tranh giành ảnh hưởng tạu Ấn Độ; Ở nước Mỹ Phải kể tới Oa-sinh-tơn, ở Cu Ba là Phi-đen, rồi đến Khổng Tử, Lão Tử, Lý Bạch, Đỗ Phủ Bạch, Cư Dị, Lỗ Tấn…

Vua Nghiêu, Vua Thuấn, Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông của nước láng giềng Trung Quốc. Ở nước ta là: Bà trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du… Hồ Chí Minh; cùng nhiều nhà bác học lỗi lạc trên thế giới như: Niu Tơn, Pha Ra Đây, Men-lê-đê-ép, Co-Pec-Nich, Ga Li Lê… Anh-Stanh… đều là các bậc vĩ nhân tài-tâm toàn vẹn, tự nguyện hiến mình cho sự nghiệp phụng vụ hạnh phúc của nhân dân. Họ đều là những tấm gương luôn ngời sáng qua các thời đại về việc tự biết làm giàu cho bản thân vừa góp phân làm giàu cho xã hội mà chúng ta luôn cần nương noi học tập. 

2/ Bố thí. 

“Bố thí” là bước đầu tiên trong sáu pháp tu Lục độ BaLaMật do Phật chế (Bố thí, Trì gới, Nhẫn nhục, thiến định, Tinh tấn, trí tuệ).

Vậy “Bố thí” là gì? Theo chữ Phạn đọc là Đàn-na (Dâna) gọi tắt là “Thí”. Một nền hạnh lớn đứng đầu Lục độ. Đây là việc tặng, cho một cách tự giác, rộng rãi tới mọi nơi, mọi vật, mọi người. Người làm việc đó là người có lòng vị tha, xả bỏ được tính ích kỉ, hẹp hòi mang lại lợi lạc cho người khác và cộng đồng.

Pháp môn này được coi là pháp môn “Tự độ” “Tự tha”, có công năng như một chiếc thuyền, đưa mình , đưa người từ bờ mê lầm của chúng sinh sang bờ giác ngộ ( thấu triệt chân lý nhân sinh) của chư Phật. Vì vậy, các bậc xuất gia, cư sĩ hay tín đồ đạo Phật thực hành hạnh “Bố thí “chính là thực hiện theo phương châm”Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.

“Phú thị nhân sở dục”- Nhu cầu làm giàu là nhu cầu tự thân chính đáng của mỗi người từ xưa tới nay; Nhưng vì vô minh nhiều người chỉ mong thu vén cho lợi ích riêng, bất chấp tình thương và lẽ phải. Họ không biết cái vô giá của người làm việc bố thí là sẽ được nhiều người ái mộ, ưa thích; được các bậc thiên nhân, chân nhân thân cận; tiếng lành về người đó được lan xa trong thiên hạ…Chính các nhà từ thiện là những tấm gương về hạnh bố thí này. 

Việc bố thí (cho, tặng) theo Phật dạy có ba loại: Tài thí; Pháp thí; Vô úy thí. 

“Tài thí” gồm “Nội tài” và “Ngoại tài”. Nội tài là những gì thuộc thân thể như: tứ chi, các giác quan, lục phủ, ngũ tạng của mình; ngoại taì là những thứ vật chất đảm bảo việc sinh hoạt ăn ở như: cơm, áo, gạo, tiền, nhà cửa, thuốc chữa bệnh… Việc này chỉ cần chúng ta có tình thương và sự chia sẻ thì ai cũng có thể thực hành được.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều trường hợp do điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhiều người vẫn chỉ bo bo bòn rút cho bản thân gia đình bằng mọi cách, bất chấp đạo lý và pháp luật, họ bị ma lực của đồng tiền cám dỗ, không hiểu được sự thật hiển nhiên từ xưa, như cụ Nguyễn Du đã viết trong Văn tế thập loại chúng sinh: “Sống thì tiền chảy, bạc ròng; chết không mang được một đồng nào đi”. Đây cũng thêm một gợi ý cảnh báo cho không riêng những người ngoại đạo, hàng cư sĩ mà cả đố với các tu sĩ Phật giáo trong tình hình hiện nay. 

“Pháp thí” là đem lời Phật dạy, những chân lý đúng đắn chỉ bảo cho tha nhân; từ “Tự giác” đến “Giác tha”; “Tự lợi” đến “Lợi tha”. Giá trị của pháp thí khác nào giúp cho người cần câu và cách thức câu cá so với việc cho cá của người tài thí. Pháp thí chẳng những giúp người nghèo khổ tìm ra, kiếm thấy trên đường đi đến giàu sang, mà còn giúp cho cả những người giàu có về của cải, người có chức, có quyền tránh mê lầm trong lựa chọn các giá trị trong đời sống xã hội. Thực chất của thí Pháp lá bố thí trí tuệ, cho người sự sáng suốt trong việc làm giàu vậy.

Chính những vị tu hành chân chính, các bậc lãnh tụ khả kính của các dân tộc, qua các thời đại là điển hình cho tinh thần bố thí pháp, làm gương cho các thiện trí thức noi theo. Điều đó cho thấy, những người làm được việc bố thí đúng đều là những người giàu có cả về vật chất và tinh thần.

Chúng ta có thể kể đến Bin-Ghết là một trong những điển hình về sự giàu có, cũng như về hạnh bố thí theo tinh thần Phật giáo trong thời đại ngày nay. Từ một thanh niên khao khát học tập sáng tạo, trở thành một tỷ phú về tiền của và trí tuệ. Từ “Tự lợi” đến “Lợi tha” và ông đã trở thành một nhà từ thiện khả kính của “thế giới phẳng”. Cũng thật đáng sợ nếu những hàng học giả mà thiếu tính nhân bản thì như một nhà giáo dục công huân của Liên xô trước đây đã từng cảnh báo, đại ý là: Những người có học thức mà không biết yêu thương thì còn man rợ hơn loài man rợ . 

Cách bố thí thư ba là “Vô úy thí”- Cho người ta cái tinh thần không biết sợ hãi trước bất cứ cường quyền, bạo ngược nào, chướng ngại nào trong cuộc sống. Đây là một pháp tu vô cùng thâm thúy, cao diệu, trí tuệ của Phật giáo. Chỉ những người sáng suốt nắm chắc các chân lý căn bản của tự nhiên, xã hội; làm chủ được bản thân mới có thể hành hạnh bố thí này đối với tha nhân mà thôi.

Chính đức Phật là người đã thực hành “Vô úy thí” thành công nhất từ trước tới nay. Tiếp đó, ta có thể nhớ đến công đức của các bậc lãnh tụ thế giới trong sự nghiệp dấu tranh cho công bằng, độc lập, dân chủ, văn minh của nhân loại như Mác-Ăng ghen-Lê nin… hay như Bác Hồ kính yêu của dân tộc ta.

Tuy nhiên, pháp bố thí nếu bị sử dụng vào động cơ cá nhân trục lợi, vị kỉ thì nó sẽ mất ý nghĩa và hậu quả khôn lường cho tự thân và tha nhân. Ví như việc đưa quà hối lộ dưới hình thức “Biếu”, “Tặng”…Hay làm việc với danh nghĩa “Từ thiện” hay “Khuyến mại” nhưng chính là mẹo thuật theo cách “đã tin điều trước ắt nhằm điều sau” của những phường cơ hội, lừa đảo nhằm làm giàu bất chính.

Về hình thức dễ nhầm với hạnh Bố thí do Phật chế. Song, thực chất là sự hiển lộ của nghiệp ác “Tham-sân-si”mà suốt bao đời nay chúng ta đã và đang kịch liệt lên án và tìm cách bài trừ. Đạo Phật coi bố thí loại ấy là bố thí chấp tướng.

Còn bố thí không chấp tướng là bố thí với tâm trong sạch, trên cơ sở tình yêu thương chân thành và trí tuệ mẫn tiệp. Người đã giác ngộ về “Vô ngã” để “Vị tha” thì không thấy có kẻ nhận với người cho, không tự cao, tự đại, hàm ơn… khi hành pháp này. Chúng ta mong muốn và chờ đợi có nhiều người trong xã hội hiện đại thời hội nhập này thực hành tốt hạnh “Bố thí” này hơn nữa. 

3/ Lục hòa. 

Người xưa có câu: “Hòa khí sinh tài”. Trong cuộc sống không gì tổn hại bằng sự bất hòa. Nó đầu độc tinh thần mỗi người. Khiến cho tam độc (tham, sân, si) có mảnh đất mầu mỡ để tác oai, tác quái. Mỗi cá nhân không nhận thức được sâu sắc của sự hòa hợp sẽ dễ dàng gây họa cho bản thân và người xung quanh. 

“Lục hòa” là sáu pháp tu liên quan đến hai mặt căn bản của nhân sinh, bao gồm cả vật chất và tinh thần. Đó là: 

1- Thân hòa cùng chung sống (Thân hòa đồng trụ)
2- Lời hòa không tranh cãi (Khẩu hòa vô tranh)
3- Ý hòa cùng vui (Ý hòa đồng duyệt)
4- Giới hòa cùng tu (Giới hòa đồng tu)
5- Thấy biết cùng cho nhau hiểu (Kiến hòa đồng giải)
6- Lợi hòa cùng chia cân bằng (Lợi hòa đồng quân) 

Tu pháp “Lục hòa” giúp con người vươn tới nếp sống “Vô ngã, vị tha”, “Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn”. Quán được lẽ “vô thường”, hiểu được lý “nhân duyên”. Những người khéo tu tam đoạn luận và tam vô lậu học: văn-tư-tu; giời-định-tuệ bao nhiêu thì càng thực hành pháp “Lục hòa” tốt bấy nhiêu.

Bởi lẽ, một khi nhận thức đã sáng suốt thấu tỏ lý -sự; điều hay- lẽ dở; lợi với hại; coi“ thương người như thể thương thân”, “lòng vả cũng như lòng sung” hay như đạo Công giáo có lời răn: “ Con đong cho người đấu nào thì người sẽ đong cho con đấu ấy”… thì người ta mới mở lòng chia sẻ, nhường nhịn “đồng cam cộng khổ” với người khác một cách khiêm cung, thành thật, an hòa được.

Tu được phép “Lục hòa” là dịp ta xả bỏ được tính vị kỉ, vụ lợi vô độ. Trong cuộc sống, xã hội vẫn thường xảy ra tranh chấp, chiến tranh dưới nhiều hình thức khác nhau; chung quy chỉ vì những người sống bên nhau mà không biết “vì nhau”; do thiếu công bằng; do người trên không mẫu mực, sáng suốt; người dưới không giữ kỉ luật, sân hận, mê lầm về các nhiệm vụ chức năng, quyền hạn…

Trong cuộc sống tu trì của hàng xuất gia hay của người tại thế muốn làm giàu trên mọi phương diện đều cần có sự hợp tác, đoàn kết, giúp đỡ, trợ duyên “mình vì mọi người; mọi người vì mình” mới phát huy được nhiều lợi thế, khắc phục được những rủi ro, phức tạp của khách quan gây nên.

Ví dụ: để kí kết, thực hiện một hợp đồng kinh tế hay tham gia hoàn thành một đề tài khoa học theo một dự án nào đó, nếu không hòa hợp, đoàn kết về quan điểm, về ngôn ngữ diễn đạt, về cách nhìn nhận, đánh giá khó khăn thuận lợi của công việc liên quan đến hợp đồng hay đề tài , không có sự nhân nhượng về lợi ích giữa mình và người, giữa chủ quan và khách quan, không tuân giữ những điều quy định của pháp luật, không tôn trọng ý kiến của người khác thì việc kí kết, thực hiện hợp đồng hay giải quyết các mục tiêu của đề tài sẽ không diễn ra thông suốt và kết quả như mong muốn được.

Chỉ vì tính ngã mạn, cố chấp, ích kỉ dẫn đến chống đối lẫn nhau, sẽ vướng vấp hết sai lầm, chướng ngại nọ đến sai lầm, chướng ngại kia. Chúng ta vẫn bảo nhau: “Dĩ hòa vi quý” (lấy hòa hợp làm điều cao quý) như vậy hoàn toàn không đồng nghĩa với cách sống “tháng ba cũng ừ, tháng tư cũng gật”, theo kiểu “hòa cả làng” để “sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi” là xong.

Đó là cách sông, làm ăn của những kẻ vô đao đức, cơ hội; cần phải lên án, tẩy chay. Hay mong ước có được “Thiên thời- địa lợi- nhân hòa” chính là muốn giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ quan với khách quan, làm nền tảng cho mọi sự phát triển của cá nhân và cộng đồng. Có thể nói pháp tu “Lục hòa”của Phật giáo mang ý nghĩa thực tế vô cùng sinh động.

Con người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, quý trọng độc lập tự do, sống có tình, có nghĩa; có lòng tự trọng và tôn trọng tha nhân điều đó nguồn gốc của đạo lý Phật giáo góp cùng Nho giáo, Lão giáo, Công giáo làm nên bản sắc văn hóa người Việt Nam: Sáng tạo-Anh hùng-Tình nghĩa.

Trong không khí hội nhập toàn cầu hiện nay, truyền thống đạo lý đó càng cầnvà phải được nâng niu giữ gìn, phát huy triệt để hơn bao giờ hết. Nếu không, chúng ta sẽ phải mục sở thị không ít những sự thực đau lòng về mặt trái của cơ chế thị trường như trong thời gian vừa qua. Đó là cách làm giàu theo kiểu “chộp giật”, “luật rừng” về kinh tế và là tệ nạn “đạo văn” trong khoa học, nghệ thuật… 

Dù cẩn trọng và khách quan bao nhiêu thì những điều chúng ta nói về sự huyền diệu, cao sâu về tính nhập thế của Phật giáo vẫn không thể khác. Đó là sự thật hiển nhiên đã được chứng ngộ trong suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua.

Phải là một vị giáo chủ có tinh thần tự tại vô ngại, bình đẳng, vị tha như Phât tổ mới có thể tuyên ngôn trước đại chúng tín đồ của mình rằng: Ta là người giác ngộ trước, còn các người nếu có ý thức tu tập như ta thì cũng sẽ giác ngộ như ta vậy (!) Chúng ta đến với Phật giáo không phải là đến với những tín điều khô cứng, áp đặt, buộc vâng chịu như một kẻ ngu tín.

Chúng ta đến với Phật gióa với tư cách một người duy vật hiện đại gặp một đại sư duy vật thời thượng cổ mà vẫn gặp nhau trong sư “minh tâm, kiến tính”- tri thiên-địa-nhân- tri sự viên thông rốt ráo vũ trụ bằng thế giơi quan khoa học và cách mạng. Chúng ta không sợ bị coi là kẻ thiên vị xu thời; càng không sợ bị bài xích.

Vì chưa hề thấy trong tam tạng kinh điển của Phật giáo có chỗ nào cổ vũ cho sự sát sinh, ủng hộ sự nô dịch, ca ngợi sự mê lầm, dốt nát… Đạo Phật chủ trương giúp cho mọi người: Thấy, biết, hiểu rõ nguồn gốc của hạnh phúc và đau khổ trên cơ sở giác ngộ chân đế của sự giải thoát , thông qua sự suy ngẫm, tu tập, hành trì giáo luật, giáo nghĩa Phật dạy. Chúng ta tin sự mầu nhiệm của Phật giáo vì chúng ta liễu ngộ lời dạy hàm chứa giá trị trị bất hủ của “Chân-Thiện-Mĩ” từ ngài rằng: 

“ Chớ có tin chỉ vì nghe báo cáo;
Chớ có tin chỉ vì theo truyền thống;
Chớ có tin chỉ vì tin đồn;
Chớ có tin chỉ vì được kinh tạng truyền tụng;
Chớ có tin chỉ vì nhân lý luận;
Chớ có tin chỉ vì nhân định lý;
Chớ có tin sau khi suy tư về những dự kiện điều kiện;
Chớ có tin sau khi thẩm lự hay chấp nhận một vài lý thuyết;
Chớ có tin chỉ vì thấy thích hợp;
Chớ có tin chỉ vì sa môn là bậc đạo sư của mình;
Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết như sau:
Các pháp này là thiện;
Các pháp này được thực hiện,
được chấp nhận thì đưa đến hạnh phúc, an lạc;
Thời này các Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.”
(Tăng Chi I…1980- tr 216- 217) 

Với ý nghĩa đó, trong rất nhiều phương diện mà Đạo Phật giúp cho con người an nhiên, tự tại trên đường đi tìm hạnh phúc; còn có một vai trò đặc biệt to lớn là giúp cho những ai đang thực sự quan tâm tìm hiểu giá trị nhập thế của Phật giáo sẽ lĩnh hội được nhiều duyên lành của Phật pháp trên bước đường làm giàu (vật chất và tinh thần) của mình một cách sâu sắc hơn trong thời đại ngày nay.

Người thực hiện: Nguyễn Minh Tuân (Hiệu: Phúc Hiển )
Chức vụ: Trưởng phòng Tôn giáo.
Đơn vị công tác: Ban Tôn giáo - Dân tộc tỉnh Ninh Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây