Phật giáo trong đời sống lịch sử dân tộc

Thứ ba - 08/11/2011 19:19
Ngay từ những năm tháng đầu tiên, khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã thực sự nhập thế, gắn chặt với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân bản địa để tồn tại và phát triển... Trung tâm hành chính - văn hóa Luy Lâu, nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh, là nơi đầu tiên của mảnh đất Giao Châu mà Phật giáo đặt chân tới những năm đầu công nguyên.

Hơn 2.000 năm trước, khi Phật giáo đến với mảnh đất Giao Châu, người ta đã chứng kiến một sự thay đổi đáng chú ý của tôn giáo này để có chỗ đứng trong đời sống người dân bản địa mà các chuyên gia gọi thay đổi này là xu hướng nhập thế. 

Phật giáo đã giao hòa với tín ngưỡng thờ thần, cụ thể là tín ngưỡng thờ Tứ Pháp bao gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, những vị thần nông nghiệp của người Việt cổ. Cho tới ngày nay, ở khu vực Bắc Ninh và một phần Hà Nội vẫn còn rất nhiều ngôi chùa lớn có cách bố trí thờ tự theo phương thức Tiền thần hậu Phật là bằng chứng rõ nét. 

"Đối với người dân Việt, Trời - Phật không thể là một đấng nào đấy quá xa xôi, mà phải là những gì để người ta có thể kêu cầu cho mùa màng tốt tươi, đời sống ấm no. Khi Phật giáo vào Việt Nam, tín ngưỡng thờ thần, cụ thể là thờ Tứ Pháp đã rất phổ biến rồi. Việc giao hòa, kết hợp này cho thấy, Phật giáo đã lựa chọn quảng đại quần chúng làm đối tượng tìm đến. Đây chính là thành công đầu tiên của Phật giáo", Giáo sư Sử học Lê Văn Lan phát biểu. 

Kể lại chuyện xưa để mọi người cùng thấy rõ, ngay trong những năm tháng đầu tiên, khi được truyền vào Việt Nam, Phật giáo đã thực sự nhập thế, gắn chặt với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân bản địa để tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử mảnh đất Giao Châu. Đến thời kỳ phát triển cực thịnh cùng 2 vương triều Lý và Trần, Phật giáo Việt Nam vẫn tiếp tục tinh thần tùy tục, tùy duyên, hòa quang đồng trần, cư trần lạc đạo, nhập thế hành đạo nên đã sản sinh ra những thiền sư luôn luôn hướng về cuộc sống, hòa nhập với cuộc đời như sư Vạn Hạnh và rất nhiều nhân vật lỗi lạc khác.

Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết thêm: "Thời Trần, mọi người thường biết tới Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tuy vậy, phải chú ý rằng, người thầy của Trần Nhân Tông, người có ảnh hưởng quyết định tới tư tưởng của Trần Nhân Tông là người anh trai Trần Dụ. Đây là một vị tướng giỏi đã cầm quân đánh thắng rất nhiều trận có ý nghĩa quyết định trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông". 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời, thống nhất các tổ chức Giáo hội và hệ phái Phật Giáo trong cả nước, đại diện cho tất cả các tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước để thực hiện mọi hoạt động Phật sự. 

Trong quá trình tồn tại và phát triển gần 2.000 năm trên đất nước Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử. Có học giả đã từng nói: "Nếu như một sáng tỉnh dậy, trên cả đất nước Việt Nam không còn thấy một mái chùa nào, khi ấy, cảnh tượng sẽ kinh hoàng lắm bởi từ hàng ngàn năm nay, người dân Việt đã quen với hình ảnh những mái chùa rêu phong và chùa cùng với Đình, Đền, hợp thành quần thể kiến trúc không thể tách rời của mỗi ngôi làng, chùa là nơi người dân địa phương tìm đến để thấy lòng thanh thản, sau những ngày làm việc cực nhọc với biết bao lo toan trong cuộc sống".

Nguồn tin: VTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây