Phó ban Tôn giáo CP: GHPGVN phát triển vượt bậc

Thứ ba - 08/11/2011 19:51
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Ban thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh như vậy trong trả lời phỏng vấn VOV Online, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2011).

Trong các tôn giáo Việt Nam thì Phật giáo là tôn giáo lớn. Lớn trên nhiều phương diện. Trước hết Phật giáo có lực lượng tín đồ, chức sắc đông đảo với khoảng 10 triệu người, chưa kể đến hơn một nửa dân số Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hoá, lối sống, đạo đức, tâm lý…

Thứ hai, Phật giáo có phạm vi hoạt động rộng nhất. Ở bất cứ địa phương nào cũng đều có ảnh hưởng của Phật giáo.

Thứ ba, Phật giáo là một tôn giáo có quá trình truyền bá và tồn tại ở Việt Nam lâu nhất, cách đây 2.000 năm.

Thứ tư, đây là một tổ chức tôn giáo có đóng góp với dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử, đặc biệt là từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo đến nay. Ngay từ khi thành lập, Giáo hội đã xác định đường hướng hoạt động là “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội”. Đây là định hướng rất tiến bộ trong Phật giáo Việt Nam. 30 năm qua, bám sát đường hướng đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cùng với các tôn giáo khác thực hiện phương châm đồng hành cùng dân tộc, đóng góp rất lớn cho đất nước.

Về phương diện xã hội, Phật giáo đã hướng dẫn, lãnh đạo các tăng ni, Phật tử của mình đoàn kết với các tôn giáo khác để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, Phật giáo là tôn giáo đi tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, Phật giáo động viên tín đồ, tăng ni, Phật tử ủng hộ, tham gia quá trình đổi mới của đất nước.

Phật giáo với tư tưởng từ bi, hỉ xả đã đóng góp rất lớn trong các hoạt động từ thiện xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1981 đến tháng 6/2011, công tác từ thiện của Giáo hội Phật giáo đã huy động được khoảng 2.000 tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện xã hội. Tại nhiều ngôi chùa hiện nay là mái ấm tình thương cho người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, những người có HIV…

Một hoạt động nổi bật nữa là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia và có đóng góp tích cực vào các hoạt động quốc tế. Đặc biệt, từ năm 1991, cùng với chính sách mở rộng đối ngoại của đất nước, Giáo hội Phật giáo không chỉ hoạt động đối ngoại về vấn đề tôn giáo mà còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác. Từ năm 1991 đến nay, Giáo hội tham gia hàng trăm hoạt động trong các diễn đàn quốc tế, diễn đàn khu vực, đối thoại Á-Âu, đối thoại liên tín ngưỡng Á-Âu, đối thoại nhân quyền…

Bằng các hoạt động của mình, có thể thấy rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam  trong 30 năm qua vẫn kiên trì, rốt ráo và sốt sắng thực hiện đường hướng đã được xác định, tích cực đóng góp cho xã hội, đất nước. Tôi và một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu xét trong dòng chảy của lịch sử thì 30 năm thống nhất Phật giáo trong một tổ chức chung thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phát triển vượt bậc, có thể coi đó là đỉnh cao của phong trào phát triển Phật giáo Việt Nam.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây