Chớ nên ‘cả giận mất khôn’ - Khoan hòa trầm tĩnh sẽ luôn an lành…

Thứ ba - 25/04/2023 23:22
Shakespeare từng nói: “Ai có thể giữ bình tĩnh trong nỗi kinh hoàng, vững vàng trong cơn thịnh nộ và tỉnh táo trong khi giận dữ, đó mới thực sự là anh hùng”…
Chớ nên ‘cả giận mất khôn’ - Khoan hòa trầm tĩnh sẽ luôn an lành…

Suy nghĩ thấu đáo, hãy cho bản thân một khoảng thời gian hòa hoãn

Xưa có một người mua được chiếc ấm trà cổ quý hiếm, ông vô cùng yêu thích nên ngay cả khi đi ngủ cũng đem đặt ở đầu giường. Một đêm, trong lúc ngủ say, ông nằm mơ và xoay người một chút, không may khiến ấm trà đổ lăn ra, chiếc nắp ấm rơi xuống đất. Sau khi tỉnh dậy, ông tỏ ra vô cùng buồn chán, thầm nghĩ nắp ấm không còn, giữ lại thân ấm để làm gì? Vì vậy ông đã ném thân ấm trà ra ngoài cửa sổ. 

Giây lát sau, ông nhìn lại và thấy chiếc nắp ấm nọ rơi xuống chiếc dày bông nên không có chút hư hại gì. Lúc này ông khóc không ra nước mắt, vừa giận vừa hối hận, nghĩ rằng ấm trà không còn nữa, giữ lại chiếc nắp để làm gì, liền đạp một cái khiến cái nắp vỡ vụn. 

Thế nhưng, khi bước ra cửa, ông nhìn lên và sững sờ trông thấy chiếc ấm trà ném ra ngoài cửa sổ vẫn còn nguyên vẹn và đang bị kẹp ở trên lùm cây…

Sau khi đọc xong, câu chuyện không khỏi khiến người ta cảm thán, không chỉ thấy tiếc cho chủ nhân ấm trà mà còn thấy ông đúng là tự làm tự chịu. Rõ ràng có hai lần cơ hội để cứu vãn tính thế nhưng ông lại không nắm được. Điều này có thể thấy, hành động theo cảm tính chỉ có thể mang lại sai lầm trong cuộc sống thường nhật. 

Ngẫm lại, đời người ai mà chẳng có lúc lỡ tay “đánh vỡ ấm trà”, phải vậy không?

Trong công việc, khi gặp phải sự việc không vừa lòng liền đập bàn đập ghế xin từ chức, điều này sẽ khiến bản thân lâm vào trạng thái khủng hoảng tài chính. Trong cuộc sống sinh hoạt, nếu hành động theo cảm tính, trong cơn tức giận mà đưa ra quyết định sai lầm thì rất khó cứu vãn.


Ảnh: Shutterstock.

Có câu: “Khi một người tức giận, chỉ số thông minh bằng 0. Quyết định được đưa ra lúc này là ngu ngốc nhất”.

Nhiều lúc chúng ta gặp phải sự việc, không phân biệt tốt xấu, hành động hấp tấp, chỉ mong đạt được kết quả theo ý muốn nhất thời thì thường thường sẽ đem đến tiếc nuối và sự hối hận. 

Trước khi đưa ra quyết định, hãy cho bản thân thêm một khoảng thời gian hòa hoãn, tĩnh tâm suy nghĩ, rất nhiều sự việc có lẽ sẽ có một kết cục khác. 

Hành động bình tĩnh, tâm thái tường hòa, đầu não thanh tỉnh

Vào thời Ngũ Đại, Phùng Đạo và Hòa Ngưng là quan đồng liêu và có mối quan hệ rất tốt. 

Một ngày nọ, Phùng Đạo xỏ đôi ủng mới mua đến thăm Hòa Ngưng. Thật trùng hợp, Hòa Ngưng đã nhờ người hầu đi ra ngoài mua giúp ông đôi ủng hai ngày trước, kiểu dáng giống hệt ủng của Phùng Đạo. Vì vậy, Hòa Ngưng hỏi Phùng Đạo: “Đôi giày của bạn bao nhiêu tiền?” 

Phùng Đạo bình tĩnh nhấc chân phải lên rồi nói: “Rẻ lắm bạn à, năm trăm đồng thôi”. 

Hòa Ngưng vừa nghe xong liền tức giận tát cho người hầu một cái rồi mắng: “Ủng giống hệt nhau, vậy mà ngươi nói với ta mua hết một ngàn đồng”. 

Lúc này, Phùng Đạo chậm rãi nâng chân trái lên rồi nói: “Chiếc này cũng năm trăm”. 

Hòa Ngưng nghe xong không khỏi ngây người, vô cùng xấu hổ, không biết làm thế nào cho phải! 

Nhiều khi, điều chúng ta tận mắt nhìn thấy lại không nhất định là thật. Mọi thứ hãy chờ một chút, có lẽ sẽ có một ngã rẽ khác tốt hơn. Đừng để cơn tức giận khiến bạn mất tỉnh táo, thực hiện những hành động lỗ mãng, nó có thể gây ra lỗi lầm tới mức không thể nào bù đắp được. 

Shakespeare từng nói: “Ai có thể giữ bình tĩnh trong nỗi kinh hoàng, vững vàng trong cơn thịnh nộ và tỉnh táo trong cơn giận dữ, đó mới thực sự là anh hùng”.

Lúc tức giận thì đừng nói chuyện, lúc buồn bực thì đừng tranh giành. 

Trong cuộc sống, giảm bớt những lúc xúc động nhất thời, dành nhiều thời gian cho sự bình tĩnh và tỉnh táo, mọi sự việc dù xấu tệ đến mấy cũng sẽ có cơ hội để giải quyết tốt đẹp. 

Xử lý sự việc bằng sự an nhiên trầm tĩnh

Tiến sĩ tâm lý Ronald từng nói: “Cơn bão tố giận dữ thường kéo dài không quá 12 giây. Lúc bộc phát nó có thể phá hủy hết thảy, nhưng khi đã qua đi thì trời yên biển lặng. Nếu có thể khống chế được 12 giây này, thì bạn có thể loại bỏ được những cảm xúc tiêu cực”. 

Cao thủ thật sự, khi xử lý công việc thường kiểm soát tâm trạng trước, sau đó mới đến công việc, trước là phân tích tâm lý, sau đó mới xem xét tình thế.

Tăng Quốc Phiên nói: “Gặp chuyện thì cần phải bình tĩnh ôn hòa, nếu tâm trạng hoảng hốt lo lắng thì khi xử lý sự tình sẽ có sai sót”. 

Khi gặp phải tình huống rối loạn cảm xúc, lý trí và chỉ số thông minh sẽ giảm xuống nên dễ dẫn đến phạm sai lầm, khó thấy được lối thoát. 

Phàm khi cơn tức giận nổi lên, bạn nên im lặng và đừng nói gì cả trong ít nhất 12 giây, hoặc là tạm thời rời xa môi trường khiến bạn bực tức. 

Gặp phải việc không vừa ý, đừng vội đưa ra quyết định, để cho bản thân có 2 ngày hòa hoãn, điều chỉnh lại trạng thái, rồi mới đi giải quyết vấn đề. 

Đối với sự việc cần xử lý bằng một tâm thái trầm tĩnh an nhiên, đây là cách đối nhân xử thế thành thục, đồng thời cũng là một loại trí tuệ thông thấu độ lượng.

Nguồn Dkn.tv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây