Khi bị khiêu khích, một cách tự nhiên chúng ta sẽ muốn trả đũa và tấn công đối phương; khi ai đó lặp đi lặp lại sai lầm, chúng ta không nhịn được mà sẽ nổ tung. Điều này ít nhất sẽ giúp chúng ta thoải mái hơn, nhưng sau khi tức giận thì sao? Bạn có hối hận về điều đó không? Liệu vấn đề có được giải quyết không? Tức giận có giúp chúng ta đạt được kết quả như ý không? Mối quan hệ với đối phương có tốt hơn không, hay là ngược lại?
Mấy ngày trước, trợ lý của tôi quên mất công việc mà tôi đã bàn giao, nhất thời không kiềm chế được, tôi đã nổi cơn tam bành: Tôi đã dặn đi dặn lại mấy lần rồi mà vẫn mắc lỗi. Tôi muốn lao đến như một cơn bão và cho anh ta một trận phủ đầu. Qua một hồi, tôi mới nghĩ ngợi, ngày thường anh ta đều làm tròn trách nhiệm, có lẽ chỉ là nhất thời sơ suất, hoặc có lẽ là bản thân tôi tâm trạng không tốt, có thể gần đây bề bộn nhiều việc, và tôi đã quá mệt mỏi. Tôi hòa hoãn một chút và tự nói với mình rằng: “Chuyện đó ngày mai hãy nói vậy!”. Và quả thật, tôi thấy mình thật may mắn vì thái độ thận trọng này.
Hậu quả của cơn nóng giận thường đáng sợ hơn nguyên nhân của nó
Tôi từng nghe câu chuyện về một phụ nữ đã viết thư cho nhà văn nổi tiếng Dale Carnegie liên quan đến tiết mục kể chuyện về Tổng thống Lincoln trên đài phát thanh của ông, trong đó có nhiều ngày tháng bị sai.
Người phụ nữ đó rất thích Tổng thống Lincoln, nên đã viết một bức thư với ngữ khí rất tức giận, nói rằng: “Nếu ông thậm chí không biết tiểu sử cơ bản nhất về cuộc đời ngài Lincoln thì tốt nhất là đừng lên sóng. Đây là một sự sỉ nhục đối với Tổng thống Lincoln; nếu ông không có đầy đủ thông tin, tốt nhất là hãy thu thập thông tin rồi hẵng phát biểu”.
Nhà văn Carnegie lúc bấy giờ đã rất có uy tín và đã viết nhiều sách bán chạy, bức thư này khiến ông cảm thấy bị xúc phạm, ông rất tức giận và lập tức trả lời lá thư với giọng điệu tương tự. Khi ông viết xong thư thì đã qua giờ làm việc, người trợ lý đã về nhà và không thể giúp ông gửi đi. Ông liền để lá thư trên bàn, định sáng hôm sau sẽ gửi.
Sáng sớm hôm sau, khi ông định đem thư đi gửi, ông đã xem lại lần nữa và nghĩ: “Mình đã quá nóng rồi. Người phụ nữ đó không xấu như vậy. Cô ấy không đáng để mình phải tức giận”. Hơn nữa, nếu nhìn từ một phương diện nào đó thì cô ấy cũng có chỗ đúng. Ông bèn xé bức thư đó và viết một bức thư hoàn toàn khác.
Trong bức thư thứ hai không hề có sự tức giận, ngược lại còn cảm ơn cô đã giúp ông nhận ra sai lầm. Sau đó ông lại nghĩ: “Nếu trong vòng mười hai giờ mà tâm tình của mình đã có biến đổi to lớn như vậy, sao mình không đợi thêm vài ngày nữa rồi mới gửi bức thư này”.
Ông thực hiện một thí nghiệm và để lại bức thư trên bàn. Đến tối, ông đọc lại nó lần nữa, lần này muốn sửa thêm vài chữ trong đó, đến ngày thứ bảy thì nó đã biến thành bức thư hoàn toàn khác.
“Người phụ nữ đó về sau đã được chứng minh là một người rất tốt”, ông Carnegie mô tả. Cô ấy là một trong những người bạn tốt nhất trong đời của ông ấy. Hôm đó, nếu người trợ lý của ông vẫn ở lại, và bức thư gốc được gửi đi, thì chuyện gì sẽ xảy ra, chắc chắn là ông sẽ có thêm một kẻ thù.
Đừng coi sự tức giận của bạn là điều đương nhiên
Trong “Bộ luật Do Thái” có ghi: “Khi con người ta nóng giận sẽ phạm sai lầm”. Phần “Thư gửi Philêmôn” trong Tân Ước của Kinh Thánh cũng viết: “Khi con người ta tức giận đều sẽ trở nên điên cuồng”. Dù nguyên nhân của sự tức giận là gì, bạn cũng nên kiềm chế nó, bởi tức giận có thể đâm bị thương ai đó, hủy hoại một mối quan hệ, hoặc thậm chí làm ra sự tình khiến bạn sẽ hối hận trong suốt phần đời còn lại.
Theo thống kê, hầu hết các vụ tai nạn giao thông là do lái xe nóng giận và kích động; hôn nhân tan vỡ là do cãi vã. Nóng giận khiến người ta chết sớm hơn hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao và cholesterol cao. Hậu quả của cơn nóng giận thường thảm khốc hơn nguyên nhân của nó. Nếu bạn đến nhà tù và hỏi một lượt các tù nhân trong đó, hơn một nửa trong số họ chắc chắn sẽ nói với bạn: “Nếu lúc đó tôi không nóng giận như vậy, thì tôi đã không phải ngồi tù như bây giờ”.
Những gì bắt đầu bằng cơn nóng giận thường kết thúc bằng sự hối tiếc. Vậy nên, tuyệt đối đừng bị kích động. Trước tiên hãy bình tĩnh và cố gắng đợi một khoảng thời gian, và đợi sang ngày hôm sau xem bạn cảm thấy thế nào. Khi bạn quay đầu nhìn lại, tôi chắc rằng bạn sẽ tự nói với mình rằng: “Thật may là ngày hôm qua mình đã không mất bình tĩnh và đã không đưa ra bất kỳ quyết định nào”. Cảm giác đó tốt hơn trăm ngàn lần so với cảm giác tức giận.
Cái gọi là “trí tuệ” chính là tiếng nói trong lòng khi bạn tâm bình khí hòa, tâm thái vui vẻ. Hãy nhớ rằng, mặc dù trút giận dễ chịu hơn là buồn bực trong lòng, nhưng tâm thái an hòa mới là thượng sách. Đừng coi sự tức giận của bạn là điều hiển nhiên, có vậy bạn mới có động lực để thoát khỏi nó. Dưới đây là ba cách để bình tâm lại mỗi khi tức giận:
1. Hãy tự hỏi bản thân, điều này có thực sự quan trọng không?
Một khi bạn suy nghĩ một cách lý trí, bạn có thể phán đoán liệu mình có đang “chuyện bé xé ra to hay không”.
2. Việc này có đòi hỏi một cơn thịnh nộ lớn như vậy không? Tức giận có ích lợi gì không?
Câu hỏi này có thể giúp bạn tiêu giảm cơn giận, hoặc dập tức cơn giận ngay và luôn.
3. Những điều ý nghĩa bạn có thể làm bây giờ?
Bạn có thể ra ngoài chạy mấy vòng, chơi một trận bóng rổ, dọn dẹp nhà cửa, nghe nhạc, đọc truyện vui nhộn, hoặc biến sự tức giận thành động lực, phấn đấu để đạt được thành tích cao hơn và đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi sắp tới.
Theo Dkn