Trong thâm tâm chúng ta đều biết rằng tha thứ và lãng quên sẽ mang đến sự thăng hoa tư tưởng, khiến cuộc sống suôn sẻ và tích cực hơn. Nhưng đôi khi, có những sự việc và cảnh ngộ vẫn cứ mãi lởn vởn trong tâm trí khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Khi tha thứ và lãng quên dường như là điều không thể, làm sao chúng ta mới có thể làm chủ cảm xúc của mình?

1. Tha thứ cho người khác kỳ thực là tha thứ cho chính mình

Định nghĩa của sự tha thứ chính là “bỏ qua cảm giác bực bội và tức giận về thiếu sót hoặc lỗi lầm của người khác”. Muốn tha thứ cho người khác đòi hỏi sự can đảm về cảm xúc và tinh thần. Người khác tổn thương bạn như thế nào không quan trọng, quan trọng là ngay chính khoảnh khắc bạn quyết định tha thứ cho ai đó, bạn đã buông xuống tảng đá đang đè nặng trong tâm.

Khi tha thứ cho ai đó, không phải bạn đang làm ơn cho họ, mà bạn đang làm ơn cho chính mình. Hận thù là sự mất mát lớn nhất đối với chính mình. Việc oán hận người khác cũng giống như uống thuốc độc mãn tính vậy, hầu hết mọi người thường bỏ qua điểm này và để mình rơi vào bẫy mà không hề hay biết.

Bạn cần phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Giống như khi ai đó giẫm lên chân bạn, bạn hãy thử “thấu hiểu” cho người kia, ví như “có thể do anh ta đang vội”, hoặc “anh ấy không chú ý”. Nói thì dễ, làm được mới khó, đặc biệt là khi những người bạn đang rất tin tưởng, hoặc các thành viên trong gia đình làm bạn tan nát cõi lòng, hoặc đồng nghiệp làm điều gì đó quá đáng với bạn. Là con người, khi bị người khác dẫm mạnh lên chân, chúng ta thường nổi giận với đối phương một cách vô thức.

Để thực sự tha thứ cho người khác, nếu không ngại, bạn hãy thử làm như sau:

1. Bình tĩnh và hồi tưởng lại quá trình: Nghĩ về những người đã đối xử tệ với bạn và những điều khiến trái tim bạn tan nát.

2. Chấp nhận một sự thật rằng họ cũng là “con người”: Đã là con người thì sẽ không có ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có lỗi lầm.

3. Giải thoát bản thân khỏi sự việc này: Bạn không cần phải nhấc điện thoại và nói với đối phương rằng bạn đã tha thứ cho anh ta, vấn đề chỉ là ở bạn mà thôi. Bạn có thể nói to với bức tường rằng: “Tôi đã tha thứ cho bạn, tôi cũng bỏ qua cho chính tôi, tôi sẽ không vì lỗi lầm của bạn mà khiến bản thân mình đau khổ thêm nữa! Tôi không liên quan gì đến chuyện này!“. Sau khi đã thật sự buông xuống, bạn sẽ phát hiện rằng “lùi một bước biển rộng trời cao”, tâm trạng ngay lập tức vui vẻ, thoải mái hẳn lên.

2. Lãng quên không có nghĩa là xóa đi ký ức

Định nghĩa của quên chính là “không nhớ”. Hầu hết chúng ta sau khi quyết định tha thứ lại gặp khó khăn trong việc quên đi: Chúng ta không biết làm thế nào để quên đi những điều đã khiến chúng ta đau buồn.

Quên đi không nhất định là phải xóa sự kiện khỏi trí nhớ của bạn, bởi dù bạn có cố gắng thế nào, thường vẫn không hiệu quả. Đại loại là bạn vẫn sẽ ghi nhớ hoặc nhiều hoặc ít, chỉ là bạn không còn đặt mình vào vị trí bị tổn thương mà thôi. Bạn cần phải sáng suốt hơn lên.

Vậy làm sao để quên? Hay nói cách khác, bạn làm sao biết được mình đã buông bỏ những điều sai trái mà người khác đã làm với bạn? Hãy nghĩ thử về điều này: Khi bạn nghĩ đến hoặc nhìn thấy người đã làm điều sai trái đó, niệm đầu đầu tiên của bạn là gì? Bạn có cảm thấy lửa giận bốc lên không sao ngăn lại được? Hoặc là bạn sẽ mỉm cười đáp lại bằng một thái độ tử tế?

Nếu khi vừa nhìn thấy đối phương bạn đã tức giận, thế thì ngay cả bước đầu của sự tha thứ bạn cũng không làm được. Nhưng khi bạn mỉm cười - bạn thậm chí không cần phải mở miệng chào họ, bạn chính là đang lấy đức báo oán, trực tiếp đối diện rồi. Nếu bạn có thể làm được điểm này, bạn đã nắm bắt được nguyên tắc quên đi một cách hiệu quả.

Tóm lại, có câu nói “lòng tốt có khoảng cách”, có thể họ không còn là bạn thân của bạn nữa, nhưng bạn vẫn mỉm cười và tiếp tục “like” họ trên mạng xã hội. Ngay cả khi bạn vẫn còn thân thiết với người này, bạn cũng sẽ giữ vững lý trí, tránh đặt mình vào tình thế bị tổn thương một lần nữa.

Niềm vui và hạnh phúc thật sự là đến từ trái tim, quan trọng mà bạn muốn đặt gì vào trong trái tim mình.

Nguồn Dkn.tv