Đời người họa phúc luân chuyển, gặp chuyện bất hạnh đừng vội đau lòng

Thứ ba - 20/06/2023 00:33
Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Họa tùng phúc sở ỷ, phúc tùng họa sở phục”, tạm hiểu là: Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của tai họa. Đời người đôi khi có những chuyện, tưởng là họa nhưng kỳ thực lại là phúc, tưởng là phúc nhưng thực ra lại là họa.
Đời người họa phúc luân chuyển, gặp chuyện bất hạnh đừng vội đau lòng

Mọi chuyện trên đời, không có điều gì là tốt tuyệt đối, cũng không có điều gì xấu tuyệt đối, vấn đề chỉ nằm ở việc ta nhìn có theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng như chúng ta mong đợi. Chúng ta không bao giờ thực sự biết được những điều còn ở phía trước sẽ xảy ra như thế nào. Cho nên, khi gặp chuyện xấu đừng nên bi quan, thống khổ, khi gặp chuyện vui cũng đừng vui mừng quá đỗi, “mất không ưu phiền, được không đắc ý”, bởi vì: “Trong phúc có họa, trong họa có phúc, biến hóa vô cùng, sâu xa không thể lường được”. Chỉ cần chúng ta hồi tưởng cẩn thận từng mỗi sự kiện xảy đến trong cuộc đời, đều có thể tự nói với bản thân rằng: “Tất cả đều là sự an bài tốt nhất”, cũng như 4 câu chuyện dưới đây:

Câu chuyện 1: Tái Ông thất mã

Xưa có ông lão tên sống ở vùng biên giới phía bắc Trung Quốc, người đời gọi ông là “Tái Ông”. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Ngày kia ngựa của Tái Ông xổng chuồng chạy sang nước Hồ lân cận. Hàng xóm láng giềng hay tin đã đến an ủi nhưng Tái Ông lại cười mà nói rằng: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt”.

Vài tháng sau, con ngựa mất tích đột nhiên trở, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Thấy thế, hàng xóm đến chúc mừng, tuy nhiên Tái Ông cau mày nói: “Tôi được ngựa quý, sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành”.

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, nhưng một hôm anh ta chẳng may ngã ngựa gãy chân. Hàng xóm đến khuyên nhủ ông đừng quá thương tâm, Tái Ông điềm nhiên nói: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may”. Khi đó hàng xóm nghĩ rằng ông lão quá đau buồn và đã bị quẫn trí.

Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược. Tất cả thanh niên trai tráng đều bị bắt phải tòng quân và hầu hết đều bị tử trận. Con trai ông bị què nên được ở nhà và thoát chết. Lúc này hàng xóm láng giềng mới thấy rằng những lời của Tái Ông quả thật rất thâm thúy.

Câu chuyện 2: Chuyện nhà vua và cận thần

Ngày xưa, có một ông vua có rất nhiều cận thần thân tín. Tuy nhiên, ông ta tỏ ra đặc biệt yêu mến một người trong số họ bởi người này rất thông minh, giỏi giang và luôn luôn đưa ra những lời khuyên hữu ích.

Một ngày nọ, nhà vua bị một con chó cắn vào ngón tay và vết thương ngày càng trở nên trầm trọng. Nhà vua liền hỏi người cận thần rằng đó có phải một điềm xấu hay không. Người cận thần trả lời: “Đó là điều tốt hay xấu thì khó mà có thể nói trước được, thưa đức vua”.

Cuối cùng, ngón tay của nhà vua bị hoại tử nặng và cần phải cắt bỏ. Nhà vua liền hỏi lại người cận thần: “Hẳn đây là một điềm xấu?”.

Một lần nữa, người cận thần vẫn trả lời như cũ: “Tốt hay xấu rất khó để nói, thưa đức vua”. Nhà vua tức giận tống giam người cận thần của mình.

Vào một ngày nhà vua đi săn trong rừng. Ông khấp khởi mừng thầm khi mải mê đuổi theo một con nai rồi ngày càng dấn sâu hơn vào rừng rậm. Cuối cùng nhà vua nhận thấy mình bị lạc. Điều tồi tệ hơn là ông bị thổ dân bắt lại làm vật tế thần. Nhưng họ bất ngờ nhận ra rằng nhà vua thiếu mất một ngón tay. Ngay lập tức, họ thả nhà vua ra vì ông ta không phải là một người đàn ông hoàn hảo và không phù hợp để dâng cúng – tế Thần.

Sau đó nhà vua đã tìm được đường về cung điện. Nhà vua hiểu ra câu nói của cận thần. Nếu không bị mất một ngón tay, nhà vua có thể đã bị giết.

Ngay lập tức, nhà vua truyền lệnh thả người cận thần của mình và xin lỗi anh ta. Nhưng người cận thần không có vẻ gì oán trách nhà vua khi bị tù đày. Trái lại, người cận thần nói: “Đó không hẳn là điều tồi tệ khi đức vua giam thần lại”.

“Tại sao?”, nhà vua hỏi.

“Bởi nếu đức vua không giam thần lại, thể nào thần cũng đi theo đức vua trong chuyến đi săn. Nếu người dân bản địa nhận ra rằng ngài không thích hợp cho việc cúng tế, tất nhiên họ sẽ sử dụng thần để dâng lên vị Thần của họ”.

Câu chuyện 3: Hai người đàn ông cùng bị rơi xuống nước

Hai người đàn ông, một người có thị lực rất tốt, một người bị cận nặng, chẳng may cùng bị rơi xuống nước. Trong con sông rộng lớn, họ ra sức vùng vẫy khiến sức lực dần cạn kiệt.

Đúng lúc tưởng chừng như vô vọng, đột nhiên người có thị lực tốt nhìn thấy phía trước có một chiếc thuyền nhỏ đang di chuyển hướng dần về phía họ, người bị cận nặng cũng nhìn thấy lờ mờ. Cả hai vui mừng khôn xiết, cố lấy hết sức bình sinh, nỗ lực bơi về phía thuyền nhỏ.

Khi bơi gần tới nơi, người có thị lực tốt đột nhiên dừng lại bởi anh đã thấy rõ đó không phải thuyền nhỏ nào cả, mà chỉ là một khúc gỗ mục nát trôi nổi giữa dòng.

Vậy nhưng người cận thị lại không hề hay biết điều đó, anh vẫn ra sức, miệt mài bơi lên. Cuối cùng anh cũng bơi đến chỗ ‘thuyền nhỏ’, rồi phát hiện ra ‘chiếc thuyền nhỏ’ này căn bản không phải là thuyền gì cả, tuy vậy lúc ấy anh lại cách bờ không xa…

Khi người bị cận bơi được vào bờ, thì người có thị lực tốt đã bị chìm dần xuống nước.

Người bị cận thị vì mắt nhìn không rõ mà may mắn thoát nạn, có một cuộc sống mới. Còn người có thị lực tốt vì tin vào điều đôi mắt nhìn được mà kết thúc sinh mệnh của bản thân.

Câu chuyện thứ 4: Hai bệnh nhân bị ung thư

Tại một bệnh viện nọ có 2 bệnh nhân bị ung thư. Một lần nọ, một người vô tình nghe được cuộc trò chuyện của bác sĩ, nói rằng cả 2 người họ chỉ còn sống được không quá 3 tháng.

Người còn lại bị lãng tai, cho dù có đứng trước mặt nói trực tiếp thì anh cũng nghe không rõ chứ đừng nói đến việc nghe được nội dung cuộc nói chuyện từ đằng xa của bác sĩ.

Người có thính lực bình thường kia, sau khi nghe được lời của bác sĩ, tâm tình bị ảnh hưởng, 2 tháng sau thì bệnh tình trở nặng rồi qua đời. Còn người bệnh bị lãng tai kia chẳng những đã sống hơn 3 tháng, mà hiện đã hơn 2 năm trôi qua, anh vẫn sống rất khỏe mạnh.


Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta luôn cảm thấy thất vọng, đau buồn khi mọi thứ không suôn sẻ như mong đợi. Cũng có khi cảm giác như cả thế giới đang sụp đổ. Khi điều đó xảy ra, không có gì là sai khi chúng ta khóc hoặc cảm thấy thất vọng. Nhưng một khi bạn bình tĩnh và kiểm soát bản thân trở lại, hãy thử nhìn chúng dưới một góc độ khác, có thể bạn sẽ nhận ra rằng chúng không tồi tệ như bạn nghĩ, và đôi khi đó lại là cơ hội để bạn có được điều tốt hơn.

Có những điều tưởng chừng như thuận lợi ban đầu lại có kết thúc tồi tệ và ngược lại. Không có gì thực sự xác định được là xấu hay tốt. Hay chăng chỉ là vấn đề chúng ta nhìn nó theo chiều hướng tích cực hay bi quan mà thôi.

Trong cái rủi có cái may, và điều quan trọng nhất là không bao giờ được từ bỏ hy vọng. Vì nơi nào có sự sống, nơi đó có hy vọng. Thế giới này vẫn luôn có một nơi tốt đẹp và cuộc sống vẫn muôn màu. Trái lại, ở vào thời điểm thất ý, chán nản thì phải có tầm nhìn lâu dài, tin tưởng rằng sẽ có những điều tốt đẹp ở trong tương lai. Đừng để những thất bại, khó khăn trước mắt hù dọa mà đau buồn thống khổ, bi thương.

“Trong phúc có họa, trong họa có phúc”, họa và phúc chuyển hóa không ngừng, luân phiên như ngày và đêm, Mặt trăng và Mặt trời vậy!

Khi chúng ta ở trong nghịch cảnh, cảm thấy mọi việc đều không thuận lợi, tình yêu, công việc, sự nghiệp, lý tưởng đều trở thành mây khói, lòng sinh ra ý niệm tuyệt vọng… hãy thay đổi góc độ để xem xét vấn đề, tự nhủ với bản thân mình: Tất cả đều là sự an bài tốt nhất, ai biết rằng tương lai sẽ có những thay đổi kinh ngạc? Điều quan trọng là hãy giữ vững thiện lương, và cảm ơn hết thảy những gì chúng ta đã gặp trong cuộc đời này!.

Nguồn Dkn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây