Nhưng sống trên đời, cái gì đã qua sẽ trở thành quá khứ, có tiếc nuối thì cũng có thể quên, có chấp niệm cũng có thể buông. Do vậy chúng ta cũng không cần phải ngưỡng vọng, cũng chớ mong cầu. Bởi vì, suy cho cùng thì nhìn xa đều là phong cảnh, nhìn gần mới là thực tế cuộc sống.
Tôi từng xem bộ phim ngắn: “Cửa sổ nhà hàng xóm”. Nhân vật chính trong phim là một cặp đôi. Những lo toan cơm áo gạo tiền, những thứ vụn vặt trong cuộc sống khiến họ mệt mỏi và thất vọng về người bạn đời của mình.
Một ngày nọ, qua cửa sổ ngôi nhà, họ nhìn thấy cuộc sống hạnh phúc của cặp đôi nhà đối diện – họ còn trẻ và tràn đầy đam mê, giống như một cặp tình nhân.
Cứ như vậy, hai người bên này vừa “nhìn trộm” hạnh phúc của người khác, vừa to tiếng cãi vã, oán trách nhau vì những thứ vụn vặt trong cuộc sống.
Cho đến một ngày, nhân vật nữ chính phát hiện ra người phụ nữ trẻ nhà đối diện vì coi thường chồng mà bị đuổi ra khỏi nhà. Lúc này cô mới nhìn thấy cuộc sống đích thực sau cuộc hôn nhân hoàn mỹ.
Người chồng mắc phải bệnh hiểm nghèo, thời gian sống trên đời đã không còn nhiều nữa. Hạnh phúc mà cặp đôi nhân vật chính nhìn thấy cũng chỉ là đoạn mở đầu trước khi đến hồi chia tay vĩnh viễn mà thôi. Lúc này, nhân vật nữ chính mới nhận ra rằng cuộc sống hàng ngày mà cô coi thường lại đáng trân quý biết bao.
Chồng cô mặc dù chí không lớn nhưng lại rất chăm chỉ nỗ lực làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình. Cô có ba đứa con xinh xắn, tuy rằng chúng khá nghịch ngợm nhưng tâm địa rất lương thiện.
Tôi rất thích lời của một tác giả từng nói rằng, nhân loại phạm phải một sai lầm ngu ngốc nhất, chính là một mặt thì ao ước cuộc sống của người khác, một mặt nhắm mắt làm ngơ đối với những thứ xung quanh mình.
Người đến tuổi trung niên mới hiểu được rằng nhà ai cũng có ‘hũ mắm thối’. Người giàu có chưa chắc đã hạnh phúc, có tự do chưa chắc đã khỏe mạnh. Nếu nhân sinh không tồn tại sự hoàn hảo, tại sao chúng ta lại tìm kiếm đáp án cho mình trong cuộc sống của người khác.
Như Carnegie đã nói: “Hạnh phúc không phụ thuộc vào việc bạn là ai hay bạn có gì, nó chỉ phụ thuộc vào những gì bạn muốn”.
Nếu như đã không thể làm lại, vậy chi bằng buông xuống và học lấy cách biết quý trọng những thứ xung quanh mình. Ổn định tâm và sống thật tốt ở hiện tại chính là viên mãn lớn nhất của đời người.
Tôi có một người bạn là một doanh nhân tài năng nổi tiếng. Anh đi đây đi đó liên tục nên hiếm khi ở nhà.
Ngoài 40 tuổi, tiền bạc rủng rỉnh nhưng gia đình lại đối diện với sự sụp đổ. Cuộc sống gần nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều, điều này khiến cho tình cảm vợ chồng ngày một nhạt đi, con cái cũng giữ khoảng cách với anh.
Mấy năm trước, mẫu thân bị bệnh mà anh cũng không thể ở bên chăm sóc, thậm chí còn vì một cuộc họp quan trọng mà bỏ lỡ cơ hội gặp bà lần cuối. Sự việc này khiến anh bị ám ảnh trong suốt cuộc đời còn lại đến nỗi không thể tự thoát ra được.
Trong một lần đi nhậu cùng bạn, kể lại chuyện xưa, mắt anh đỏ hoe, trong tâm tiếc nuối khôn nguôi.
Khi còn trẻ, ai cũng muốn bản thân có thể tỏa sáng rực rỡ, chiếu rọi tứ phương. Thế nhưng, khi đã đi hết nửa đời người, chúng ta mới phát hiện ra những thứ bản thân theo đuổi ấy lại không phải là chiếc giường ấm áp trong nhà.
Gần đây, sau khi xem lại cuốn “Cuộc đời này chưa hoàn thành” của Vu Quyên, tôi mới cảm thấy tiếc nuối sâu sắc. Cô là người phong nhã hào hoa, gia đình hạnh phúc, bản thân từng đi du học và có học vị tiến sĩ. Nhưng bởi nhiều năm tiêu hao sức lực, cuối cùng mắc phải bệnh ung thư, sau 1 năm 4 tháng chống chọi với bệnh tật, cô đã qua đời.
Khi cận kề cái chết, cô nhớ lại quá khứ và viết xuống dòng chữ đau lòng như sau: “Nếu còn có ngày mai, tôi không muốn đi quản việc lớn việc nhỏ, càng không muốn quan tâm xem ai hơn ai kém. Dù là môn học hay công việc thì cũng tạm gác lại, tôi chỉ muốn được nhìn bố mẹ nắm tay con gái tung tăng từ nhà trẻ về nhà mỗi ngày…”
Khi còn trẻ, chúng ta thường xem việc theo đuổi địa vị và sự giàu có là chuyện hiển nhiên.
Nhưng mà, có nhiều người đi được rất xa, xa đến mức quên mất lý do ban đầu bản thân cất bước.
Trước đây chúng ta luôn cảm thấy rằng nhà cao cửa rộng, sở hữu xe sang mới là hạnh phúc, nhưng khi bước vào tuổi trung niên mới nhận ra rằng, những thứ hào nhoáng bên ngoài đó chẳng bằng bữa cơm ấm áp bên gia đình.
Tôi rất thích câu nói này: Nếu cuộc đời là một cuộc chạy Marathon dài thì thứ ta yêu chính là nguồn năng lượng không bao giờ cạn kiệt của chính mình.
Khi về già, nhìn lại cuộc đời, chúng ta sẽ thấy điều thực sự quan trọng không phải là giàu sang hay địa vị, mà là những khoảnh khắc bên gia đình đã bị chôn vùi theo năm tháng.
Nếu như nửa đầu đời người, chúng ta cứ rong ruổi chạy theo danh lợi, thì nửa đời sau chúng ta phải học cách đóng dần cánh cửa dục vọng và trở về bên gia đình của mình.
Thời gian sống trên đời không còn nhiều nữa, những ai đã bỏ lỡ, xin hãy bù đắp bằng những tháng ngày còn lại.
Khi còn nhỏ, chúng ta đều được học một bài văn ‘Ếch ngồi đáy giếng’.
Chúng ta thường cười người khác rằng đúng là ếch ngồi đáy giếng, cho rằng họ thiển cận, không dám nghĩ dám làm.
Về sau tôi mới hiểu rõ, mỗi người sống trên đời quả thực không tránh được ‘ếch ngồi đáy giếng’, điểm khác biệt chỉ là kích thước miệng giếng to hay nhỏ mà thôi.
Khi còn trẻ, tôi cảm thấy thế giới này thật rộng lớn, đủ lớn để lấp đầy mọi ước mơ.
Bây giờ tôi cảm thấy rằng thế giới kỳ thực rất nhỏ bé, và mỗi chúng ta đang coi miệng giếng của mình rộng hơn của người khác.
Khi cha của nhà văn Thập Di còn trẻ, ông có một hộp đựng tiền tiết kiệm. Mỗi ngày ông dành dụm 20 đồng bỏ vào hộp, “sau 5 năm, số tiền tiết kiệm được sẽ đủ dùng mua một cây đàn dương cầm”. Nhưng đáng tiếc là, thời hạn 5 năm còn chưa tới, ông đã trở thành một người cha. Vì vậy mà tiền tiết kiệm mua đàn trở thành tiền mua sữa và đóng học cho con và mua gạo, dầu và muối cho gia đình.
Thời gian trôi qua giống như là một tên trộm, lặng lẽ cướp đi sự lựa chọn của người cha, nhưng cha chỉ mỉm cười nói: “Đây là cuộc sống”.
Trong năm từ ngắn ngủi, chẳng những mộng tưởng nho nhỏ không muốn theo đuổi nữa mà càng thấy ông bình thản và nhẹ nhàng hơn.
Trong thế giới tuổi teen có rất nhiều từ ngữ hoa mỹ như “phi thường, tỏa sáng, mộng tưởng”.
Sau khi trưởng thành, những từ này đã bị thời gian bí mật thay thế từ lâu.
Hầu hết mọi người trên thế giới đều cố gắng hết sức để sống một cuộc sống bình thường.
Một người cha phải vất vả làm lụng một nắng hai sương mới có thể che chở được cho vợ con, một người mẹ nếm đủ mưa gió mới trở thành bến đỗ sau lưng con.
Lĩnh ngộ sâu sắc ở tuổi trung niên chính là cần thản nhiên tiếp nhận cuộc sống bình thường. Giống như lời hội thoại trong cuốn ‘Kỳ ba thuyết’: “Đừng nghĩ rằng những kỳ vọng không được đáp ứng là một lời nguyền. Có một số ngọn núi là không thể với tới, vì vậy bạn chỉ có thể nhìn chúng từ xa”.
Phong cảnh bên đường lỡ bỏ qua thì hãy xem nhẹ, sự việc không thể cưỡng cầu thì hãy buông.
Ở những thời khắc phi thường mà chấp nhận sự thật bình thường thì mới có thể tận hưởng sự bình yên và tĩnh lặng trong thế giới phức tạp này.
Nhà văn Diệc Thư từng nói: “Khi 40 tuổi, tôi có sức khỏe tốt, có một chút tiền tiết kiệm, một người chồng chu đáo, những đứa con ngoan ngoãn và một công việc tôi thực sự yêu thích. Đây là thành công”.
Khi còn trẻ, chúng ta sợ nhất là không được mọi người biết đến, sợ bị bỏ lại phía sau, sợ cuộc đời ngắn ngủi và sợ không kịp thực hiện ước mơ của mình.
Thế nhưng năm tháng về sau sẽ dần dần cho chúng ta thấy được diện mạo chân thực nhất của cuộc sống.
Sinh mệnh dù mạnh mẽ rộng lớn đến đâu thì đến cuối cùng cũng không thể thoát ra khỏi những sự việc vụn vặt thường ngày.
Nửa đời trước vội vội vàng vàng, những cảnh tượng hiện ra trước mắt vụt qua giống như cưỡi ngựa xem hoa.
Ở nửa sau cuộc đời, hãy học cách trân trọng và quản lý thật tốt cuộc sống của chính mình. Dựa vào tâm thái bình thản mà vượt qua vạn ngọn núi, trân trọng hạnh phúc bên bếp lửa hồng, tận hưởng sự yên bình trong tâm.
Nguồn Dkn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự