Thời xưa, khi Đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên) của Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc) gần thành Savatthi Xá Vệ. Lúc bấy giờ, đêm về khuya, có một vị trời hào quang chiếu diệu sáng tỏa toàn khu Kỳ Viên, đến hầu Phật, lại gần nơi Phật ngực, đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi đứng sang một bên. Khi đã đứng yên, vị trời cung kính bạch với Đức Thế Tôn bằng lời kệ:
- Chư Thiên và nhân loại đều cầu mong được an lành, và ai cũng suy tìm Hạnh Phúc. Kính Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài hoan hỷ chỉ dạy chúng con về Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
Đức Thế Tôn nói rằng:
1. Không kết giao với người ác, thân cận với bậc hiền trí, và tôn kính bậc đáng kính - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
2. Cư ngụ nơi thích nghi, đã có tạo công đức trong quá khứ, và hướng tâm về chánh đạo - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
3. Học nhiều hiểu rộng, lão luyện tinh thông thủ công nghiệp, giới hạnh thuần thục trang nghiêm, có lời nói thanh nhã – là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
4. Hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ, thương yêu tiếp độ vợ con, và hành nghề an lạc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
5. Rộng lượng bố thí, tâm tánh trực giác, giúp đỡ họ hàng, và tạo nghiệp chân chánh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
6. Loại trừ và ngăn ngừa nghiệp ác, thận trọng kiêng cữ các chất say, vững vàng giữ gìn phẩm hạnh - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
7. Đức hạnh biết tôn kính, khiêm tốn, biết đủ, biết ơn và đúng lúc, lắng nghe Giáo Pháp (Dhamma) - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
8. Nhẫn nhục, biết vâng lời, thường gặp gỡ bậc Sa Môn(Samanas) và tùy thời, luận đàm về Giáo Pháp - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
9. Tự kiểm soát, sống đời Thánh Thiện, quán tri Tứ Đế, liễu ngộ Niết Bàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
10. Người mà tâm không giao động khi tiếp xúc với thế gian pháp, Không Sầu Muộn, Vô Nhiễm và An Toàn - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
Đối với những ai đã viên mãn hoàn thành các pháp trên, ở mọi nơi đều không thể bị thất bại, đi khắp nơi đều được Hạnh Phúc - là Phúc Lành Cao Thượng Nhất.
Nguồn tin: Phatgiao.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự