Tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Liễu Phàm tứ huấn” là Viên Liễu Phàm (1533-1606) sống vào thời nhà Minh, vốn có tên là Viên Hoàng, tự Khôn Nghi, là người ở huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Tô. Cuộc đời ông từng được một cao nhân xem quẻ cho vô cùng chính xác, nhưng sau đó ông đã thay đổi được vận mệnh của mình.
Viên Liễu Phàm mất cha từ nhỏ, khi ông mới mười mấy tuổi thì mẹ đã buộc ông từ bỏ việc học và hành nghề y để kiếm tiền sinh sống, và cũng có thể cứu giúp người khác. Một lần nọ, ông đến chùa Từ Vân và gặp được một ông lão có tướng mạo phi thường, ông lão có một bộ râu dài, trông như một vị Thần tiên cốt cách thanh tao vô cùng, ông lão đó nói với Liễu Phàm rằng: “Anh là một người thuộc chốn quan trường, năm sau anh có thể tham gia ứng thí để vào trường trong cung, tại sao anh lại không đi học vậy?”.
Viên Liễu Phàm bèn kể cho ông lão biết lý do là mẹ ông bảo thôi học và theo nghề y. Ông lão tự xưng mình họ Khổng, là người Vân Nam, đã nhận được chân truyền tinh thông về “Hoàng cực số” (tên một quyển sách, một phép xem quẻ) của Thiệu Khang Tiết tiên sinh thời nhà Tống truyền lại. Ông lão nói với Viên Liễu Phàm rằng, theo số phận đã an bài thì “Hoàng cực số” này sẽ được truyền lại cho ông.
Thế là Viên Liễu Phàm mời ông lão họ Khổng này về nhà, và kể lại sự việc cho mẹ mình biết. Người mẹ nói: “Nếu ngài đây tinh thông về lý số xem mệnh, thì nhờ ông xem giúp con một quẻ thử xem có linh nghiệm không”. Kết quả, theo như tính toán của Khổng tiên sinh, tuy rằng những chuyện rất nhỏ thôi nhưng cũng đều nói trúng cả.
Khổng tiên sinh cũng đã xem về những hên xui may rủi vào cuối đời cho Viên Liễu Phàm, ngài phán rằng, vào năm nào sẽ thi được thứ hạng bao nhiêu, năm nào được làm lẫm sinh (người được nhà vua trợ cấp cho học), năm nào trở thành cống sinh (người có thành tích học tập ưu tú), vào năm nào sẽ được chọn làm huyện trưởng, và sau 3 năm làm huyện trưởng thì sẽ từ chức trở về quê nhà. Vào giờ sửu, ngày 14/8 lúc ông được 53 tuổi, thì sẽ hưởng hết thọ mạng và ra đi, chỉ tiếc là ông không có con trai.
Viên Liễu Phàm đã ghi lại toàn bộ những lời mà Khổng tiên sinh đã phán, sau đó thì bắt đầu tiếp tục đi học. Từ đó trở đi, hễ khi nào đến lúc thi cử, thì thứ hạng của ông trong các kỳ thi cũng không trật đi đâu so với những điều mà Khổng tiên sinh đã phán.
Có một lần nọ, theo tính toán của Khổng tiên sinh thì khi làm lẫm sinh đến lúc được lãnh số gạo 91 thạch 5 đấu thì mới được xuất cống (trở thành cống sinh). Tuy nhiên, khi ông mới nhận được đến 71 thạch gạo thì Học đài Đồ Tông Sư đã phê chuẩn cho ông thành cống sinh. Viên Liễu Phàm lúc ấy đã thầm nghi ngờ rằng tính toán của Khổng tiên sinh có phải có phần không linh nghiệm rồi chăng.
Sau đó, sự việc này quả nhiên đã bị một vị Học đài khác là Dương Tông Sư phản đối, ông này đã không duyệt cho Viên Liễu Phàm làm cống sinh. Mãi cho đến năm Đinh Mão thì ông mới được duyệt làm cống sinh, trải qua sự trắc trở này, thì lại được dùng lúa gạo ban cấp trong một thời gian, nhẩm tính cộng với 71 thạch trước đó đã dùng, thì đúng là vừa đủ tổng cộng 91 thạch 5 đấu.
Vì sự trắc trở này nên Viên Liễu Phàm càng thêm tin rằng, sự lên xuống thành danh hay thất bại của một người đều đã được số mệnh sắp đặt sẵn cả. Và sự may mắn đến muộn hay sớm đều đã có những thời điểm nhất định, cho nên ông xem nhẹ mọi chuyện, không truy cầu mong muốn gì cả.
Cuộc đời của một người vốn dĩ đã được định sẵn, Viên Liễu Phàm đã giữ thái độ suy nghĩ như thế. Khi ông được chọn làm cống sinh, thì phải đi học tại đại học Quốc gia ở Nam Kinh. Khi chưa nhập học tại đại học Quốc gia, ông từng đến núi Tây Hà để tìm gặp Thiền sư Vân Cốc, đây là một vị cao tăng đắc đạo.
Trong phòng thiền của thiền sư Vân Cốc, ngài đã ngạc nhiên hỏi Viên Liễu Phàm rằng: “Từ khi con bước vào đây, ta không hề thấy con nảy một chút ý niệm mong muốn nào cả, tại sao lại như vậy?”.
Viên Liễu Phàm thành thật nói với thiền sư rằng: “Số phận của con đã được Khổng tiên sinh xem cho rồi, sinh ra khi nào, chết vào lúc nào, khi nào như ý, khi nào thất vọng, đều đã được định sẵn, không có cách nào để thay đổi cả. Vậy thì suy nghĩ này kia thì có được lợi ích chi đâu, cũng sẽ uổng công suy nghĩ cả thôi; vì vậy con thực sự không nghĩ nữa, và trong lòng cũng không khởi lên bất cứ ý niệm mong muốn gì”.
Thiền sư Vân Cốc mỉm cười nói: “Ban đầu ta còn nghĩ rằng con là một vị anh hùng hào kiệt, nào ngờ con chỉ là một kẻ phàm phu tục tử tầm thường mà thôi”.
Viên Liễu Phàm bèn hỏi tại sao? Thiền sư Vân Cốc nói với Viên Liễu Phàm rằng: “Một người bình thường không thể không có trái tim hay suy nghĩ này kia được; nếu đã có một trái tim không phút giây nào ngưng nghỉ vọng tưởng, vậy thì sẽ bị số phận âm dương trói buộc; nếu đã để cho số phận âm dương trói buộc rồi, thì làm sao nói rằng không có số phận được chứ?
Viên Liễu Phàm đến núi Tây Hà để tìm gặp Thiền sư Vân Cốc. (Ảnh minh họa)
Mặc dù nói rằng chắc chắn là có số phận định sẵn, nhưng chỉ những người bình thường mới bị ràng buộc bởi số phận mà thôi. Nếu như một người sống cực kỳ lương thiện, thì số phận sẽ không thể ràng buộc được người đó.
Chương đầu tiên trong sách ‘Dịch’ nói rằng: ‘Nhà mà tích thiện, ắt có dư phước’. Cho nên mệnh có thể tự mình thay đổi được, và Phật gia chính là cho con người nhận thức được chân lý cực thiện cực ác, nếu đã nhận thức được và làm theo, thì mệnh là do bản thân mình tạo, phúc là do bản thân mình cầu được; nếu tạo ác thì tự nhiên sẽ mất phúc, nếu làm thiện thì tất nhiên sẽ được phúc”.
Một tràng câu nói đã đánh thức người còn trong mơ, Viên Liễu Phàm bắt đầu con đường thay đổi vận mệnh của chính mình. Từ đó trở đi, ông luôn thận trọng ngay cả khi đang ở trong một căn phòng tối không người, ông cũng sợ mình sẽ xúc phạm đến trời đất và quỷ thần. Khi gặp phải những người ganh ghét, vu khống, thì ông cũng có thể điềm tĩnh mà chấp nhận và không tranh luận với họ.
Từ năm thứ hai sau khi gặp thiền sư Vân Cốc, đến lúc vào Lễ bộ để thi Khoa cử, theo dự đoán của Khổng tiên sinh thì Viên Liễu Phàm sẽ đỗ hạng ba, nhưng không ngờ rằng ông lại đột nhiên chiếm vị trí đầu bảng, những lời phán của Khổng tiên sinh đã bắt đầu không còn linh nghiệm nữa.
Khổng tiên sinh không nói rằng Viên Liễu Phàm sẽ thi đỗ cử nhân, nhưng đến kỳ thi hương vào mùa thu, ông đã đỗ cử nhân, những chuyện này vốn dĩ đều không nằm trong số phận đã định của Viên Liễu Phàm.
Sau đó, ông phát nguyện rằng mình sẽ làm 3000 việc thiện, sau mười năm nỗ lực, mới có thể hoàn thành 3000 việc thiện đó, kết quả là vợ của ông đã sinh được một đứa con trai, và đặt tên là Thiên Khởi. Sau đó, mỗi khi làm được một việc thiện, ông đều sẽ ghi lại; vợ của ông không biết viết chữ, mỗi khi làm được một việc thiện, đều sẽ dùng ống lông ngỗng, in một dấu tròn màu đỏ lên lịch.
Mỗi khi đưa thức ăn cho người nghèo, hoặc mua con vật còn sống và phóng sinh đều in lại dấu tròn. Đôi khi chỉ trong một ngày mà có hơn một chục dấu tròn màu đỏ! Điều đó có nghĩa là một ngày thực hiện được hơn một chục điều thiện. Đến năm Bính Tuất, ông quả nhiên đã thi đỗ Tiến sĩ, Sử bộ đã cử Viên Liễu Phàm làm chức quan huyện trưởng đang còn trống của huyện Bảo Chỉ, ông lại phát nguyện làm thêm một vạn việc thiện nữa.
Khi làm huyện trưởng huyện Bảo Chỉ, ông đã chuẩn bị một cuốn sách nhỏ có ô trống, và gọi cuốn sách nhỏ này là “Trị tâm biên”, nghĩa là sợ rằng tâm của bản thân mình sẽ khởi lên ý niệm tà ác, cho nên gọi bằng 2 chữ “trị tâm”. Mỗi buổi sáng thức dậy, khi ông lên sảnh đường ngồi ở bàn xử án, đều sai người trong nhà mang quyển sổ trị tâm này đến cho lính gác cổng, đem vào đặt trên bàn làm việc của mình.
Những điều ác, điều thiện mà ông đã làm hàng ngày, tuy rằng chỉ là việc rất nhỏ thì ông cũng viết vào quyển sổ đó. Đến tối, ông đặt một chiếc bàn trong sân vườn, cởi bỏ áo quan, noi theo vị ngự sử Triệu Duyệt Đạo thời nhà Tống, thắp hương và cầu nguyện với Trời cao, mỗi ngày đều cứ làm như vậy.
Vợ ông thấy ông bận rộn với công việc mà làm việc thiện không được nhiều, nên thường cau mày nói với ông rằng: “Trước đây tôi ở nhà, giúp ông làm việc thiện, cho nên 3000 việc thiện mà ông đã phát nguyện mới có thể được hoàn thành. Bây giờ ông đã hứa sẽ làm một vạn việc thiện, trong nha môn không có việc thiện gì để làm cả, phải đợi cho đến khi nào thì mới có thể hoàn thành đây?”.
Sau khi vợ ông nói điều này, đêm đó Viên Liễu Phàm tình cờ đã nằm mơ thấy một vị Thần. Trong mơ, ông bèn nói với vị Thần về lý do mình không dễ thực hiện được một vạn việc thiện, nói xong, vị Thần ấy cũng bảo rằng: “Chỉ cần ngươi làm huyện trưởng mà bớt thu tiền thu lương đi, thì một vạn điều thiện của ngươi đã có thể hoàn thành trọn vẹn rồi”.
Các cánh đồng ở huyện Bảo Chỉ vốn dĩ cứ một mẫu ruộng là huyện thu về hai xu ba lý bảy hào, Viên Liễu Phàm cảm thấy rằng người dân phải trả tiền quá nhiều, cuộc sống quá khổ cực, cho nên đã xóa sạch việc thu tiền cho tất cả ruộng đồng trong huyện; mỗi mẫu ruộng được giảm xuống chỉ còn một xu bốn lý sáu hào.
Cứ như thế, Viên Liễu Phàm đã luôn làm việc thiên trong suốt cuộc đời, Khổng tiên sinh phán rằng ông sẽ qua đời ở tuổi 53, nhưng đến 69 tuổi ông vẫn còn rất khỏe mạnh, và ông còn mang chuyện mình đã tự thân thay đổi vận mệnh như thế nào viết thành một cuốn sách nhỏ gọi là “Liễu Phàm tứ huấn” để truyền lại cho con trai Thiên Khởi của mình và cho người đời sau.