Tuy nhiên, đời sống hiện đại đang cuốn con người vào guồng quay của nó. Mỗi người có nhiều hơn những mối bận tâm của riêng mình. Quỹ thời gian mỗi ngày của chúng ta đang bị chi phối không chỉ bởi công việc bận rộn, học hành vất vả mà còn là những tin nhắn facebook, những trò chơi điện tử. Và chúng ta thường hay lấy lý do bận rộn để cho phép chính mình vô tâm với gia đình mình, với cha mẹ mình.
Bạn có nhớ về ba mẹ mình?
Chúng ta say mê những giá trị vật chất ảo để rồi bỏ quên những giá trị thực đáng trân quý. Chúng ta dành hàng giờ ngồi trước màn hình vi tính, trước điện thoại thông minh, nhưng ít khi dành năm mười phút để gọi điện cho cha mẹ, hỏi thăm sức khỏe của họ có ổn không.
Lần cuối chúng ta gọi điện cho cha mẹ là khi nào, đã bao lâu rồi chúng ta chưa ngồi ăn cơm cùng cha mẹ?
Hãy hỏi những câu hỏi ấy trước khi quá muộn. Thật ra, chúng ta chỉ đang ngụy biện cho hành động của mình. Áp lực từ công việc, từ cuộc sống thời nào cũng có, quan trọng là chúng ta biết cách cân bằng giữa đời sống gia đình và công việc. Nếu bạn chưa làm được điều đó, hãy học cách điều chỉnh thời gian biểu của mình hợp lý hơn, hãy trở về nhà và hỏi xem cha mẹ hôm nay ăn gì, có ngon miệng hay không, chứ không phải trở về nhà để thu mình vào một góc phòng, chìm vào thế giới ảo.
Cuộc sống dù có hiện đại đến bao nhiêu thì việc chăm sóc và lo lắng cho cha mẹ chưa bao giờ là thừa. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng, việc hiếu thảo với cha mẹ không cần phải là những thứ quá vĩ mô, mà là từ chính những hành động bé nhỏ giản dị hằng ngày.
Việc nấu một bữa cơm cho cha mẹ, việc cùng cha mẹ đi dạo công viên, hay mua cho cha một chiếc áo sơ-mi, cho mẹ một đôi dép mới, những việc như vậy không quá khó với chúng ta, đúng không?
Chúng ta có thể nhớ ngày sinh của rất nhiều người ở bên ngoài xã hội, nhưng chúng ta đã từng tổ chức cho cha mẹ mình một buổi tiệc sinh nhật nho nhỏ hay chưa?
Chúng ta rất dễ cảm kích với sự giúp đỡ của người lạ nhưng lại hay quên đi sự hy sinh của người thân.
Một người lạ cho bạn một chén cơm sẽ làm bạn nhớ rất lâu, nhưng đã bao giờ bạn cảm ơn những bữa cơm cha mẹ cho bạn, cảm ơn những đêm cha mẹ chong đèn lo lắng khi bạn quấy khóc ngày bé?
Bạn đã từng hỏi cha mẹ mình về ước mơ thời trẻ của họ, đã từng biết họ thích mặc quần áo màu gì, size bao nhiêu hay chưa? Hay chúng ta vẫn luôn cho rằng chăm sóc và yêu thương chúng ta là trách nhiệm của những người làm cha, làm mẹ.
Làm sao để báo hiếu?
Sống hiếu đạo với cha mẹ không phải chỉ là yêu thương và chăm sóc cho cha mẹ khi khỏe mạnh lẫn khi đau yếu, mà còn phải biết sống sao để làm cha mẹ vui lòng và an yên. Muốn làm được điều đó, trước tiên chúng ta phải học cách tự yêu thương chính bản thân mình.
Cha mẹ đã ban tặng cho chúng ta hình hài và sinh mệnh này, hãy trân trọng và giữ gìn nó, đừng bao giờ vì một lý do nào mà cho phép mình hủy hoại thân thể và sức khỏe của mình. Không dễ dàng gì để sinh ra và nuôi lớn một đứa trẻ đỏ hỏn thành một cô gái, một chàng trai trưởng thành. Hãy biết ơn những gì mà cha mẹ đã mang đến cho chúng ta trong cuộc đời này.
Tôi cũng luôn tin rằng việc chúng ta sống hạnh phúc và sống có ích là một cách để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ mình, cũng là cách để cha mẹ có thể yên tâm hơn về đứa con khờ dại của mình.
Chúng ta phải sống trọn vẹn trong những mối quan hệ xung quanh mình. Chúng ta phải sống hòa thuận, đoàn kết với anh chị em trong gia đình. Chúng ta chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn hơn mình.
Khi giúp đỡ một ai đó, chúng ta không chỉ làm cho cuộc sống của họ hạnh phúc hơn mà còn đem lại niềm hạnh phúc cho chính mình. Ý nghĩa của việc làm thiện nguyện chính là ở đó. Cho đi và nhận lại đều là hạnh phúc. Những việc thiện chúng ta làm hôm nay, như những bông hoa đẹp đẽ nhất chúng ta cài lên áo mẹ, áo cha mỗi dịp Vu lan về; như những hạt giống tốt lành chúng ta gieo mầm, để cây trái tốt tươi cho con cái chúng ta mai sau.
Yêu thương một ai đó không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Hôm nay có thể chúng ta chưa phải là những người con tốt, hôm nay chúng ta vẫn cãi lời cha mẹ, vẫn nghịch ngợm làm cha mẹ phiền lòng, nhưng từ ngày mai, hãy sống và yêu thương cha mẹ mình, bởi đời người ngắn ngủi lắm.
Người Việt ta thường rất ngại bày tỏ cảm xúc của mình, thế nên tôi mong sau bài viết này, nếu ai có duyên đọc được, xin hãy cầm điện thoại lên và gọi cho cha mẹ mình, nói rằng chúng ta yêu họ như thế nào. Mong rằng chúng ta không chỉ nhớ về cha mẹ mình vào dịp Vu lan hay nhân dịp ngày của Cha, ngày của Mẹ, mà hãy để 365 ngày trong năm đều là những ngày chúng ta sống trọn với chữ Hiếu.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự