Câu chuyện đặc biệt của 2 nữ thực tập sinh

Thứ tư - 31/12/2014 14:06
Một bạn sau khi thực tập ở Giác Ngộ, ra trường đã xuất gia tại chùa Vĩnh Long (Q.10, TP.HCM) còn một bạn đang mưu sinh, phụ ba nuôi mẹ ở Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2...

“Thực tập ở Giác Ngộ học được cách thở và cười”

Đó là chia sẻ của cô Nguyên Thiện (thực tập sinh Huyền Trang vài năm trước). Rồi cô giải thích thêm, “dĩ nhiên đó là nụ cười an lạc và hơi thở đầy sức sống bởi vì môi trường làm việc ở báo Giác Ngộ giống như sinh hoạt của một ngôi chùa. Nơi đó, người và người đối xử với nhau như tình thân, rất chân thành, ấm áp”.

5 CTV.JPG
CTV - thực tập sinh Huyền Trang nay đã xuất gia - Ảnh: Hạnh Ý

Theo hẹn, tôi đến chùa Vĩnh Long (242D, Sư Vạn Hạnh, P.2, Q.10) để gặp cô. Đón từ ngoài cổng, cô chào tôi với nụ cười thật tươi. Tôi đùa, “sao cô chẳng mập tẹo nào”, nhoẻn cười, cô bảo: “Nguyên Thiện vẫn là bé Huyền Trang thực tập ở báo Giác Ngộ ngày nào. Có điều, giờ tôi không có tóc thôi chứ không mập nổi đâu. Không lên cân thôi chứ ở đây tu an lạc lắm ạ”.

Trò chuyện một lúc, cô dẫn lên chánh điện giới thiệu nơi cô thường học bài. Nhìn thấy bàn xếp và tập, giấy bày trên bàn, hỏi hoài, cô mới nói thiệt: “Mấy hôm nay Nguyên Thiện bận làm tiểu luận nộp cho thầy vì đang học lớp sơ cấp Phật học. Thời gian tu, học rất quý nên Nguyên Thiện tận dụng tối đa, không dám để lãng phí”.

Rồi cô khoe: “Thực tập ở báo Giác Ngộ rồi thi tốt nghiệp xong, tôi xuất gia luôn. Lúc tôi đến Báo Giác Ngộ thực tập là có mong muốn thông qua báo Giác Ngộ để học thêm kiến thức Phật học; rồi đi lấy tin, viết bài ở các chùa để có cơ hội hiểu thêm về môi trường tu học của người xuất gia. Trong quá trình đi thực tế viết bài, tôi học được rất nhiều điều và rút ra được rất nhiều bài học mà bây giờ đang áp dụng, giúp mình tinh tấn tu tập hàng ngày”.

Rồi cô nói, ví dụ như ngày xưa rất nhát, đi lấy tin lần đầu xin thông tin từ Ban Tổ chức rất sợ; hễ Ban Tổ chức không cho thì... đi về. Mà về rồi thì không có tin để nộp theo kế hoạch. Rút kinh nghiệm một lần, lần sau cô tìm đủ mọi cách để làm được, vừa chụp hình, vừa ghi lại nội dung chính để viết cái tin đạt yêu cầu. Cô ngộ ra một điều, nếu muốn làm việc gì đó, dù khó đi chăng nữa nhưng chỉ cần nỗ lực hết mình là làm được; có những việc bản thân mình vượt qua thì mới trưởng thành. Giờ tu học cũng vậy, có nhiều lúc kinh rất khó học nhưng không bỏ cuộc, cô luôn nỗ lực, phát nguyện và tinh tấn hành trì.

“Báo Giác Ngộ đã cho tôi nền tảng, sự trải nghiệm rất hữu ích cho bản thân. Thế nên, tôi rất trân quý hai tháng thực tập ở Báo. Ngày xưa, khi bước chân vào báo Giác Ngộ thực tập, tôi có cảm giác rất an tâm; còn bây giờ báo Giác Ngộ là “người thầy”, kho tin tức vô vàn bổ ích cho tôi tu học, hành trì theo bậc chân tu”, cô Nguyên Thiện chia sẻ.

“Có những điều mà tôi chỉ có thể học ở Giác Ngộ”

Thực tập tại báo năm 2013, Nguyễn Thị Vân ra trường cùng năm đó rồi chọn cho mình công việc ở công ty nước ngoài, lĩnh vực kinh doanh tại tỉnh Bình Dương để có tiền lo cho mẹ đang bị bệnh. Công việc nhiều áp lực, mà theo Vân nói thì “khi ra ca, về nhà là em chỉ muốn đi ngủ” nên không có thời gian viết bài cộng tác cho báo Giác Ngộ, mặc dù “em rất nhớ”.

Vân kể, “em nhớ từng chi tiết ngày đi viết cái tin đầu tiên vất vả, hồi hộp như thế nào, rồi hạnh phúc vỡ òa khi nhìn thấy tin được đăng. Em nhớ từng lời góp ý, chia sẻ của Ban Biên tập; chỉ ba tháng thực tập ngắn ngủi nhưng em đã học được rất nhiều điều, nhất là sự nhẫn nhục, vượt khó trong mọi hoàn cảnh và tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Nhờ có báo Giác Ngộ mà những ngày này, em mới có đủ nghị lực để đối diện, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống…”.

Hỏi ra mới biết, mẹ của Vân đang bệnh và phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2. Sáng đi làm, chiều vừa ra ca Vân phải chạy xe một chặng đường gần 60km để xuống bệnh viện phụ ba chăm mẹ. “Hôm nào thấy gương mặt của mẹ tươi hồng, không la hét là em mừng lắm”, Vân tâm sự.

6 CTV.JPG
CTV Nguyễn Thị Vân bên mẹ - Ảnh: Hạnh Ý

Mặc dù không cộng tác bài vở với báo Giác Ngộ một thời gian dài nhưng giờ nghỉ trưa ở công ty, Nguyễn Thị Vân thường lướt web xem tin tức trên báo. Những điều hay, lẽ phải, giáo lý Phật pháp luôn được Vân tham khảo. Vân bảo, em tâm đắc nhất ý trong một bài viết trên Giác Ngộ: “Đi tu hay làm gì đi nữa, trước hết và sau cùng vẫn là con người. Theo Phật cũng là để làm người, học Phật và thực hành Phật pháp cũng để làm người. Đạo Phật xem làm người là một trong những điều khó nhất. Thân người là quý, bởi đó là căn bản cho sự tu hành, có được giải thoát, tự tại các ràng buộc. Mà con người thì ai sinh ra cũng bởi mẹ cha” - trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, em mới thấm thía.

Cũng từ những giáo lý căn bản làm người chỉ có trên báo Giác Ngộ mà những ngày qua, em đã bao dung, yêu thương, chăm sóc mẹ hết lòng. Và triết lý: “Cha mẹ dù sao đi chăng nữa cũng là cha mẹ của mình, phải hiếu thảo với cha mẹ trong mọi hoàn cảnh”, em bảo “em chỉ có thể học ở báo Giác Ngộ, trường đời chưa ai dạy cho em điều thiêng liêng này cả”.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây