1. Mỗi lần tôi nghe bài hát “Chú tiểu ngây thơ” của sư Thích Minh Đạo, tôi lại nhớ đến các chú ở trong chùa của một sư cô. Cứ độ khoảng 3g30 sáng là các chú đã phải rời khỏi “đơn” của mình để chuẩn bị cho việc công phu khuya, dù đã chỉnh tề, có hàng lối trên chánh điện rồi nhưng nếu để ý kỹ tôi vẫn thấy nét buồn ngủ của một số chú vì tối qua phải thức đến tận 12g để học bài.
“Thật là cực cho các chú, nhất là những chú còn trong độ tuổi “miệng còn hôi sữa””, tôi nghĩ thế vì những người ngoài đời như tôi mặc dù trời đã sáng rõ, gần 7g vẫn còn muốn khư khư tấm chăn để hưởng hạnh phúc của giấc ngủ. Thật là một sự khác biệt rõ rệt giữa người tu hành và người ngoài đời. Thế nhưng khi hỏi đến các chú có thấy mệt hay buồn không, thì các chú trả lời rằng “cực mà vui!” rồi lại cười giòn tan làm cho tôi nhiều khi cũng không khỏi vui lây vì sự hồn nhiên, vô tư của các chú.
2. Hừng đông vừa hé sáng các chú mỗi người một việc, chú thì quét sân, chú thì xách nước, chú thì nấu cơm, chú lại lau dọn chánh điện v.v.... Đến trưa thì có một vài chú đi cúng ngọ, sau thời cúng ngọ là giờ ăn cơm. Nếu là người ngoài đời chúng ta chỉ thích cơm ngon, canh ngọt, thì đối với các chú, bát cơm với rau cải, nước tương đã là tốt nhất rồi. Trong bữa cơm hàng ngày của chúng ta nếu người này không mở lời nói chuyện cũng có người kia tiếp lời. Nhưng ở trong chùa giờ ăn cơm cũng xem như là một thời khóa tu tập, không một tiếng nói nào được phát ra sau khi đã niệm danh hiệu của Đức Bổn Sư.
Dường như chúng ta thấy cảnh sinh hoạt như vậy rất ảm đạm, đúng không? Nhưng thưa cùng mọi người, thật ra không ảm đạm chút nào cả. Các chú cũng là con người như chúng ta mà tôi thấy chỉ khác một chỗ là các chú thì ở chùa cùng với các sư thầy để “tầm sư học đạo”. Mà ở trong chùa thì phải có “luật” có “nghi” (oai nghi). Còn chúng ta là những “phàm phu tục tử” - ngoài vòng tu tập nên không thể hiểu được!
Vì là con người và vì là còn nhỏ tuổi nên không thể hoàn hảo được. Có lúc tôi thấy một chú đang thút thít khóc ở phía sau chùa, tiến lại gần hỏi thì mới biết rằng chú mới bị phạt vì tội không nghe lời sư phụ. Tôi hỏi chú có giận sư phụ không, chú bảo: “Không, tại vì chính mình làm sai mà! Nếu giận thầy là mình sai lại càng sai...”. Nghe chú nói mà cảm động và thương quá chừng, vì các chú đã “thấm tương chao”, đã biết nghĩ đến thầy, nhiều người càng lớn khi bị “xúc phạm” thường dễ giận, dễ sân, tu lâu ngày mà tu không đúng thường dễ bị như vậy. Do đó, tôi cảm thấy thương và phục những chú tiểu ở chùa hơn.
Tấm lòng nhân hậu, vị tha học từ lớp người đi trước mà có. Phải chi các em nhỏ ngoài đời bây giờ được tiếp xúc với ngôi chùa như thế này có lẽ cũng có một phần giảm bớt nạn đánh nhau ở học đường mà ngành giáo dục đang lo lắng và quan tâm, tôi trộm nghĩ thế.
3. Sau thời tụng kinh tối có khoảng 30 phút để các chú vui đùa cùng nhau sau một ngày học tập và làm việc mệt nhọc. Chú thì kể chuyện dở khóc dở cười trong lúc làm việc, chú thì kể việc trên trường học cho mọi người nghe v.v... để cùng vui, cũng là động lực tiến đến con đường học đạo ở phía trước.
Khi đến chùa hầu như Phật tử nào thấy chú tiểu cũng rất vui, vì các chú tuy còn nhỏ tuổi nhưng ngây thơ và dễ mến. Và hình tượng chú tiểu cũng đã để cho tôi khá nhiều cảm xúc khi gần các chú, làm cho tôi thấy mình vui vẻ và hạnh phúc hơn mỗi khi về chùa thăm thầy cùng các sư cô.
Cùng quý độc giả:
Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa.
Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm.
Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com.
Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự