Sư thầy trẻ thích ở rừng: chồi non trên đất hoang!

Thứ bảy - 15/08/2015 09:45
Con có duyên được biết đến ĐĐ. Thích Nhựt Hải vào năm 2010 khi tham dự khóa tu người trẻ tại Tu Viện Bát Nhã - Đambri - Bảo Lộc - Lâm Đồng.
Hồi đó con ấn tượng với vẻ ngoài nhỏ con nhưng nghiêm nghị của một thầy quản chúng, cứ mỗi lần họp chúng thầy luôn là người đến sớm nhất theo sát chúng con từng li tí một, từ việc xếp hàng, để dép có ngay hàng thẳng lối, tới lúc ăn cơm phải đi đúng giờ nghiêm chỉnh đâu ra đó, giờ tụng kinh ngồi thiền bạn nào ngủ gật thầy gõ đầu tỉnh dậy ngay. Khóa tu năm ấy trôi qua với bao ấn tượng về thầy.

Am Cỏ Thơm


Tới ngày về thây trò bịn rịn phút chia tay, thầy nói : “Thầy không làm khó các con đâu, vì tụi con còn trẻ nên phải uốn nắn nhiều, tham gia khóa tu thì phải tập để thay đổi bản thân cho tích cực. Thầy có la có đánh cũng đừng giận thầy nghe”. Rồi cũng không hiểu cơ duyên nào mà thầy nhận tôi làm đệ tử của thầy. Hồi đó thầy học ngữ văn trường ĐH Đà Lạt và  lớp trung cấp Phật học, đã có lần tôi được ghé qua thăm nơi ở của thầy. Đó là một căn nhà sàn nhỏ phía dưới lũng ngọn đồi ngay đầu con đường đèo dẫn vào thành phố Đà Lạt, thầy gọi đó là “Am Cỏ Thơm”.

Am cỏ thơm nằm giữa thung lũng, xung quang là rừng thông bạt ngàn cùng cỏ cây. Muốn đi xuống tới nơi chỉ duy nhất là đi bộ, vì con dốc quá cao và hiểm trở, xung quanh lại toàn cây cối, con đường mòn chỉ rộng khoảng nửa mét không thể đi xe xuống được. Trước cửa Am cỏ thơm có một câu thông cao đã chết khô còn trọi lại thân cây, chim làm tổ trên thân cây sáng nào cũng đua nhau hót chào bình mình. Cảnh vật đúng chất rừng núi, khi được hỏi thầy còn trẻ vậy ở đây có buồn không thầy vừa cười hiền vừa nói: “Cảnh đẹp thế này, lại có chim hót hoa thơm với người tu hành thì còn gì hơn nữa mà phải buồn hả con”. Theo lời kể của thầy thì đã có vài lần mùa bão gió, cây đổ gãy nhưng chưa bao giờ đụng vào Am nhỏ của thầy, có lần cây đổ chắn cả lối đi nhưng Am thầy ở vẫn không việc gì, thầy bảo là do có hộ pháp bảo vệ.

Ở phố lại nhớ đến rừng

Thầy Nhựt Hải học khoa triết tại học viện Phật Giáo Vạn Hạnh Tp. HCM khóa IX. Những ngày ở thành phố, đi học thầy sinh hoạt tại chùa Giác Hoa q.Bình Thạnh. Những ngày ấy không nguôi nhớ về hình ảnh của Am cỏ thơm, nhớ về sứ sở sương mù, nơi có những cánh rừng thông bạt ngàn và cả những người Phật tử thuần thành được thầy yểm trợ trên con đường đạo. Thầy ước mong lại đươc quay về rừng núi, được đi sâu hơn vào những bản làng để thực hiện con đường giáo hóa, mang ánh sáng Phật pháp tới cho bà con. Cứ mỗi chiều thầy lại ngồi uống trà phía ngoài mái ban công của chùa và nguyện chuyện học hành chóng thành để lại được quay trở về núi rừng Tây Nguyên.

Khi con hỏi vì sao trước đây thầy lại chọn học ngành sư phạm ngữ văn tại ĐH Đà Lạt? Thầy trả lời: “Ước nguyện lớn nhất của thầy là được hành đạo, mang những gì mình học được tới cho nhiều người nữa và con đường sư phạm chắc chắn sẽ có ích sau này. Thầy cũng muốn mở lớp dạy học cho các em nhỏ ở vùng sâu vùng xa nữa, biết đâu sau này thầy làm hiệu trưởng thì cũng phải cần có kiến thức sư phạm và bằng cấp chứ con” nói rồi thầy cười.

Mở thêm rộng lớn con đường

Ngay sau khi học xong tại học viện, thầy trở về Lâm Đồng để thực hiện tâm nguyện của mình. Thầy kể: “Năm 2012 thầy đi tìm mua đất, mà trong túi vỏn vẹn chỉ 50.000 đồng nói ra thì không ai tin nhưng mà đó là sự thực, huynh đệ bạn bè trong lớp hồi đó ai cũng nghĩ là chuyện không thể, cũng có người khuyên ngăn, nhưng nghĩ có chí nguyện thì phải  quyết tâm còn nhân duyên thì phải đi mới biết được”. Khi chọn được mảnh đất ưng ý ở thôn Păng Tiêng xã Lát huyện Lạc Dương nhưng chưa đủ tiền mua, thầy chia sẻ với Phật tử về tâm nguyện của mình. Có nhiều người ủng hộ và giúp đỡ thầy, nhưng cũng không ít người ái ngại, vì đất quá xa thành phố, ít dân cư sinh sống, lại ở địa bàn hiểm trở khó khăn đi lại. Nhưng thầy vẫn quyết tâm và mua được mảnh đất nhờ sự trợ giúp của anh huynh đệ và quý Phật tử.

Con đường dẫn tới mảnh đất của thầy cách tp. Đà Lạt hơn 30km hầu hết là đường đất đỏ, phương tiện di chuyển chủ yếu là xe máy vì đường hiểm trở khó đi, mùa mưa thì trơn trượt nên ôtô không thể vào được. Trong thôn cũng chỉ có khoảng hơn 10 hộ gia đình sinh sống, có cả người đồng bào dân tộc.

Thầy chia sẻ: “Hiện tại thì vẫn chưa có giấy phép chính thức cho xây dựng cơ sở tôn giáo, nhưng trước mắt mình cần phải có nơi nương thân để tu học, gần gũi bà con bản làng”. Người dân ở đây lần đầu tiên thấy một vị sư trẻ tuổi dám đến nơi này, còn có chí nguyện muốn ở cùng thôn làng lâu dài nên rất quý mến thầy. Ngày thầy khởi công xây dựng mọi người trong thôn đều tới giúp đỡ mỗi người một tay.

Cô Trần Thị Huệ, phật tử chùa Quan Âm tp. Đà Lạt biết đến thầy từ ngày còn học trung cấp chia sẻ: “Thầy Hải còn trẻ nhưng có chí nguyện rất lớn, từ ngày còn đi học đã thấy thầy là người chịu thương chịu khó. Khi biết thầy quyết định về trong thôn thì Phật tử rất ủng hộ thầy vì hiểu tính thầy. Người tu hành ưa những nơi thanh tịnh, về ở xa dù mới đầu có gặp nhiều khó khăn, nhưng quý Phật tử vẫn luôn ủng hộ giúp đỡ thầy hết khả năng có thể, mong cho nhân duyên và đạo hạnh của thầy sớm đến được với nhiều người”.

Sư cô Thích Nữ Huệ Hòa, cùng lớp học viện với thầy Nhựt Hải cũng cho biết thêm: “Thầy Hải ở lớp học rất giỏi, thầy có những suy nghĩ khiến nhiều người phải nể phục, tính tình thầy lại chân thật nên mọi người rất quý mến. Khi thầy  chia sẻ muốn về vùng sâu để thực hiện con đường hành đạo thì anh em huynh đệ cũng ủng hộ thầy mong cho mọi việc thầy làm được viên mãn”.

Con đường từ tu học đến hoằng pháp

ĐĐ. Thích Nhựt Hải sinh năm 1987 trong một gia đình có đông anh chị em, thầy phát nguyện xuất gia năm 12 tuổi, con đường tu của thầy trải qua nhiều thăng trầm khăn khó, nhưng những điều đó không làm thầy nản chí. Sau khi thầy xuất gia đã động viên gia đình đến chùa và quy y tam bảo.  Về sau 2 người em trai cũng phát nguyện xuất gia vào chùa tu học.

Bắt đầu từ năm 2006 thầy học trung cấp Phật học tại Đà Lạt và ngành ngữ văn trường ĐH Đà Lạt. Tới năm 2011 thầy bắt đầu theo học học viện Phật giáo tại tp. Hồ Chí Minh.

Những năm tháng đi học thầy đúc rút cho mình được nhiều kinh nghiệm trên con đường đạo pháp, cùng với ước nguyện mong được hoàng hóa cho nhiều người biết đến đạo, biết đến sự tu học và lấy đó làm niềm vui trong cuộc sống. Tôi may mắn được là đệ tử của thầy, mỗi lần gặp chuyện khúc mắc, mỗi lần chông chênh trước nhiều ngã rẽ tôi đều tìm đến thầy để xin lời khuyên hữu ích. Lần nào cũng vậy, thầy đón tôi bằng tách trà thơm và một câu chuyện mới, chưa bao giờ thầy nói tôi rằng con phải làm thế này hay thế khác, nhưng trong câu chuyện của thầy tôi luôn tự biết mình phải đi hướng nào cho đúng.

Với kiến thức triết học khi học tại học viện, cùng với niềm đam mê với sách thầy luôn đam mê tìm hiểu và học hỏi từ những kiến thức giáo lý Phật giáo từ nguyên thủy tới hiện đại, cộng với khối kiến thức xã hội. Thầy kể về niềm đam mê sách: “Không biết làm sao mà thầy mê sách lắm, mỗi lần hội chợ sách ở đâu mở là thầy phải đi ngay, mà đi không phải một lần, cứ đi rồi muốn ở luôn, về rồi nghĩ lại muốn quay lại. Thầy mua sách quen mặt tới nỗi nhà sách cho thầy kí nợ luôn”. Chính vì thế mà hiện nay thầy sở hữu rất nhiều sách đông tây kim cổ về triết lý Phật giáo.

Mong muốn lớn nhất của thầy là mang những kiến thức mình đã học được bao nhiêu năm qua để hoằng hóa, thầy bảo: “Những thứ trên lý thuyết dù có hay cỡ nào đi nữa mà mình không biết vận dụng nó ra đời sống thực tế thì nó cứ mãi là lý thuyết suông”. Vậy nên những kiến thức thầy đã học được sẽ là sự tiếp nối cho hành trì trong hiện tại và tương lai.
Chú thích

Một số hình ảnh của ĐĐ. Thích Nhựt Hải và mảnh đất đang thực hiện xây cất ngôi Am thờ mới tại thôn Păng Tiêng xã Lát huyện Lạc Dương.








Tác giả bài viết: Hồ Đức

Nguồn tin: Vuonhoaphatgiao.com

 Từ khóa: tham dự, tu viện, bảo lộc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây