Xung quanh Thầy, trên báo chí cũng như dư luận, trong
đạo ngoài đời có nhiều ý kiến khác nhau. Song một sự thật, nếu vắng Thầy trong
những sự kiện Phật giáo lớn ở Hải Phòng cũng như các vùng phụ cận, thì dù hoàn
mãn đến mấy, sự kiện ấy vẫn thiêu thiếu, nhơ nhớ một cái gì đó…
Thầy Bản Hoan vốn yêu nghệ thuật biểu diễn, là cây văn
nghệ từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Học lớp 8, tranh thủ thời gian nghỉ hè,
thầy xin đi theo đoàn cải lương Thành phố, nuôi ý định sau này sẽ theo nghiệp
sân khấu điện ảnh. Nhưng 17 tuổi, Thầy lại bỏ tất cả, quy y cửa Phật.
Năm 2001, Thầy Hoan về chùa Phúc Linh để cùng nhân dân
khôi phục ngôi chùa gần như bị bỏ hoang. Từ đó tới nay, chùa từng bước được tu tạo
khang trang, trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Gần 4 năm trước, Thầy thành lập CLBTTN Phật tử, tập hợp
những bạn trẻ có tín ngưỡng hoặc có cảm tình với Phật giáo cùng tụng kinh, nghe
giảng triết lý đạo Phật.
Thầy mời chuyên gia tâm lý giảng giải cho thanh niên về
kỹ năng giao tiếp, ứng xử, cả về sức khỏe sinh sản vị thành niên…
Thậm chí Thầy còn mời cả vũ sư về dạy nhảy cho thanh
niên. Nhờ những thay đổi trong phương thức sinh hoạt, CLB ngày càng thu hút
đông đảo thanh thiếu niên tham gia. Thầy tâm niệm: “Đâu chúng sinh cần ta đến,
đâu Phật pháp gọi ta đi”.
Tuy Thầy Bản Hoan thường xuất hiện với tư cách là một
MC Phật giáo, nhưng tâm nguyện lớn nhất của Thầy vẫn là dùng âm nhạc để truyền
tải đạo đức, triết lý Phật. Thầy thường hát những bài “tủ” như: Cúc ơi, Chuyện
ngày xưa của mẹ, Công thầy ví tựa biển khơi, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tâm sự
người cài hoa trắng, Vu lan nhớ mẹ, v,v, trong các sự kiện Phật giáo và trong
những buổi thuyết giảng.
Lên sân khấu, bao giờ Thầy cũng giảng giải giáo lý
thông qua nội dung bài hát, rồi mới trình diễn.
Thầy tâm tâm niệm niệm lời Phật dạy “Nhân tu vạn hạnh”
- mỗi người có cách tu khác nhau, miễn là không vi phạm đạo đức, pháp luật, giới
luật nhà Phật; tùy theo khả năng, trình độ của mình mà cống hiến cho Phật pháp,
cho xã hội.
Trước các luồng ý kiến, dư luận khác nhau, thậm chí
trái ngược nhau, Thầy kiên trì lập trường, bản lĩnh của mình, Thầy nói: “Mình đi
tu chỉ cần mình biết mình, Phật hiểu mình, còn thiên hạ thì trăm người trăm ý
kiến, nếu mình dao động ngả nghiêng thì không khéo thành ra đẽo cày giữa đường”.
Thầy quen và thân với không ít ca sỹ nổi tiếng cũng bởi
nhân duyên và “đồng thanh tương ứng”. Thầy thường vận động để một số anh chị em
ca sỹ thành danh của làng nhạc đến hát cúng dàng công đức trong các sự kiện Phật
giáo.
Điểm lại một số sự kiện văn nghệ Phật giáo gần đây,
chúng tôi thấy không thể không ghi nhận sự nỗ lực hết mình và hiệu quả vượt trội
của Thầy với vai trò là người tổ chức sự kiện và trực tiếp tham gia biểu diễn
cùng các ca sĩ Phật tử như Tùng Dương, Hoàng Hải, Phi Hùng, Lô Thủy… ở các
chương trình văn nghệ trong các Phật sự: Hội thảo hoằng pháp các tỉnh thành
phía Bắc tại Cung Việt - Tiệp Hải Phòng, cuối năm 2009; Đại lễ tốt nghiệp khóa
VI Học viện Phật giáo Việt Nam tại Cung Hữu Nghị Hà Nội, giữa năm 2010; Đại Lễ
Phật giáo Hải Phòng chào mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội tại Công viên hồ
Tam Bạc Hải Phòng, tháng Chín vừa qua, v,v.
Các chương trình do Thầy và các cộng sự thực hiện ngày
càng chuyên nghiệp có chất lượng cao, mang đậm bản sắc và phong cách Phật giáo
mà lại rất hiện đại, hòa đồng xã hội.
Quả thật, sự có mặt của các nghệ sỹ nổi tiếng trong
các sự kiện Phật giáo là một động lực thu hút, sức hấp dẫn quần chúng rất lớn.
Tuy nhiên, để mời được nghệ sỹ nổi tiếng còn phụ thuộc vào tâm đức và sự hiểu
biết của họ. Trả kinh phí như bên ngoài thì nhà chùa không có điều kiện, các Phật
sự luôn không bán vé.
Ngày 16/10/2010 vừa qua, tại đại lễ khánh thành chùa
Thắng Phúc – Tiên Lãng – Hải Phòng, Thầy Bản Hoan cùng ca sỹ Lô Thủy và Hoàng Hải
– 2 trong số rất nhiều các đệ tử của Thầy – đã có một chương trình biểu diễn ca
nhạc và phỏng vẫn nhanh gây ấn tượng đặc biệt cho hàng nghìn Phật tử và các bậc
Tôn túc, quan khách. Thầy rất tự tin và hào hứng trong vai trò kép: nhà sư – MC
và ca sĩ của mình.
Cho dù ở đâu đó có ý kiến này ý kiến khác nhưng chúng
tôi, thông qua tham bác ý kiến của các bậc Tôn túc Trưởng lão và các nhà lãnh đạo
Giáo hội và các lĩnh vực xã hội, tin tưởng rằng công việc mà Thầy Bản Hoan đang
làm đã góp phần làm tươi mới phong trào Phật giáo. Đây thực sự là một cửa
phương tiện để hội tụ, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ đến
với Phật giáo.
Nguồn tin: Huệ Minh
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự