Giới trẻ lên chùa... học sống thiện

Chủ nhật - 17/10/2010 10:10
Giã từ game online, MP3, và những chuyến bay trắng đêm, giã từ những vũ trường chói lóa đầy tiếng nhạc, dân 9x lại tìm về một cuộc sống chậm, một cuộc sống giản dị tại một ngôi chùa cổ kính.

Lên chùa để sống lại cảm xúc

Ngay từ khi mới bước vào lớp một, Kiều Anh Dũng 23 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội đã chịu một áp lực: ngoan hơn bạn, giỏi hơn bạn, lớn lên phải vào trường chuyên lớp chọn, phải giật giải cao trong những kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Anh đã cố gắng học miệt mài để không làm phụ lòng những kỳ vọng của người lớn. Rồi đến lúc anh bỗng giật mình, hoang mang và muốn phá cách cuộc sống đơn điệu bằng những chuyến bay thâu đêm suốt sáng và quậy tưng bừng trong những buổi offline với các game thủ.

Dũng đến chùa Bồ Đề từ khá sớm. Vừa bước chậm rãi trong khuôn viên yên ả của chùa với cái se se lạnh của mùa thu, đôi mắt thoáng xa xăm anh tâm sự: Hầu như tuần nào tôi cũng lên chùa, khi thì chùa Lý Quốc Sư, khi lên chùa Láng và chùa Bồ Đề. Đến đây tôi không cầu xin thần thánh cho nhà hay ô tô, không cần danh lợi, tôi chỉ cần hai tiếng bình an mà thôi.

Thấy Dũng đến, bọn trẻ con trong chùa ùa ra, đứa trèo đầu đứa cưỡi cổ bá vai. Anh rửa mặt cho từng đứa, không ngại những bàn tay bẩn vấy sang chiếc áo hàng hiệu.

Nụ cười rạng rỡ và ánh mắt nhân từ của bọn trẻ khiến Dũng bỗng quên đi những xô bồ bon chen toan tính  của cuộc sống, những ánh mắt phân biệt sang giàu.

Dũng kể mỗi người có một bất hạnh riêng, người 20 tuổi bị tai nạn, người 30 tuổi bị ung thư, họ là những người bất hạnh nhưng ít ra họ cũng có một khoảng thời gian sung sướng, còn các em ở đây, có em bất hạnh từ khi mới ra đời. Tại sao các em vừa mới ra đời đã bị số phận nghiệt ngã đến vậy?

Nhìn cảnh các em ăn cơm mà đau lòng, rớt nước mắt. Ở đây có nhiều em nhỏ nên nhà chùa không thể chăm sóc từng em được. Sáu đứa ngồi quây quanh với nhau, ở giữa có một tô cơm trộn với rau bắp cải. Đứa thứ nhất xúc một thìa lên ăn rồi đặt xuống đến đứa thứ hai rồi thứ ba lần lượt, từ tốn cho đến khi hết bát cơm ấy.

Đến bát thứ 2 lại tiếp tục ở đứa tiếp theo. Không đứa nào tranh của đứa nào. Nhìn cảnh ấy, ai không mủi lòng? Những lúc ấy cảm xúc yêu thương và trân trọng cuộc sống bỗng trỗi dậy.

Đến đây, tôi dần tìm lại được tình cảm và niềm tin. Có lẽ mình cần sống khác. Dũng cũng tâm sự rằng, trước đây, anh cảm thấy bế tắc, không còn niềm tin vào cuộc sống.

Nhưng khi đến chùa Bồ Đề, được biết đến những số phận còn bất hạnh hơn mình rất nhiều, anh không biết những bế tắc của mình đã được gỡ rối từ bao giờ khiến anh muốn phấn đấu và yêu cuộc sống này hơn rất nhiều.

Giờ đây, tuần nào Dũng cũng đến chùa, nơi bình an sau những thời gian căng thẳng. 

Nơi gieo mầm cho những suy nghĩ tích cực

Tại Thiền viện Sùng Phúc (Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội) chiều thứ 7 tuần trước tôi rất ấn tượng với một cậu bé dáng người thư sinh, có cặp kính dày cộp. Sau khi làm quen tôi được biết cậu bé đó tên Khánh Nam 17 tuổi ở Long Biên - Hà Nội.

Suốt ngày đêm Nam dán mắt vào màn hình vi tính, đầu óc luôn hừng hực tinh thần hiệp sĩ giang hồ sẵn sàng đánh nhau vì một cái nhìn đểu.

 

Đôi khi Dũng cùng các bạn tham gia giúp đỡ các cháu bé ở chùa Bồ Đề

Bố mẹ, ông bà của Nam rót vào tai không biết bao nhiêu lời hay ý đẹp từ năm này đến năm khác nhưng kết quả học tập vẫn lẹt đẹt mà thành tích mời phụ huynh lên gặp ban giám hiệu nhà trường thì không ai địch nổi.

Không còn cách nào khác, bố mẹ đành đưa Nam lên chùa những mong tâm tính của Nam thay đổi. Cũng từ ấy, bố mẹ Namngạc nhiên thấy con tuần nào cũng lên chùa.

Bố mẹ cứ nghĩ do Phật giữ linh hồn em nên em mới thay đổi và ngoan như bây giờ. Thấy em thường xuyên lên chùa lại lo em muốn theo nghiệp tu.

Nhưng không phải, ngay từ lần đầu tiên lên chùa cùng bố mẹ em thấy không khí nơi cửa chùa thật thoáng đãng, tĩnh mịch và trong lành. Em bỗng cảm thấy tĩnh tâm và thư giãn hơn rất nhiều.

Cứ ở nhà nghe bố mẹ giảng giải, nghe cãi nhau, em lại bị căng thẳng. Lên chùa, ít ra cũng được yên tĩnh để nghĩ về những dự định sắp tới.

Những năm trước, em học kém  nên giờ phải học bù lại thì sang năm mới có thể đỗ được đại học.

Các nhà sư ở đây cũng rất ân cần, nhân từ nên em cảm thấy ấm áp  mà trước đó em dường như không thể định nghĩa được.

Nam tâm sự, khi lên chùa Nam thấy rất vui vì gặp được những bạn ở cùng trường cũng có suy nghĩ giống mình.  Những lúc ngồi một mình trước những đấng tối cao, em chợt nghĩ, tại sao trước kia em lại có thể đánh nhau vì những chuyện vặt như thế, thậm chí ghét một bạn nào đó chỉ vì bạn ấy ăn mặc quê...

Cô Vân  (Hoàng Mai - Hà Nội) có con từng tham gia một khóa đi tu bài bản tại một ngôi chùa ở Sóc Sơn nói: Giờ đây bọn trẻ lên chùa ngày càng nhiều, chúng đã có ý thức tĩnh tâm, có ý thức về việc dành thời gian để nhìn lại chính bản thân mình và mối quan hệ với những người xung quanh. Không hẳn nhà chùa có thể thay đổi hoàn toàn tâm tính của chúng, nhưng ít ra cũng sẽ gieo mầm cho những suy nghĩ tích cực hơn đối với cuộc sống.

Mỗi bạn trẻ tìm đến nhà chùa đều có một lý do riêng, có những bạn tìm đến nơi cửa chùa linh thiêng sau quãng thời gian dài bị lạc đường, có những bạn tìm đến đó chỉ là để trốn tránh những đau đớn mà cuộc sống phũ phàng mang lại và còn vô vàn lý do khác.

Họ đã từng lao động cật lực, từng cố gắng phấn đấu, học đến điên khùng, hoặc họ cũng đã từng buông thả bản thân, từng bị phần con lấn át phần người. Nhưng cuối cùng cái chung mà họ nhận được là sự bình an, tĩnh tâm để rồi từ đó những mầm sống thiện bắt đầu nẩy chồi.    

Nguồn tin: Đời sống và Pháp luật

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây