Vào chùa tu thân

Chủ nhật - 10/10/2010 09:26
Nhiều bạn trẻ hiện đang có xu hướng... đi chùa. Đi không chỉ để tĩnh tâm, tìm một chốn bình yên mà còn để “học sống”, học cách thay đổi những thói xấu của mình.

Nơi tu sửa bản thân

Nguyễn Cường (SV Đại học Mỏ, địa chất) vẫn thường hay cùng nhóm bạn tụ tập ăn nhậu. Ban đầu là những lúc rảnh, sau dần thành “nghiện”, uống vào là quậy phá. Sau những cuộc nhậu, Cường luôn day dứt, tự trách bản thân.

 

Làm việc để học cách sống tự lập và có trách nhiệm. (Ảnh chụp tại chùa Hoằng Pháp, TP.HCM).

Trong một lần tình cờ đi chùa Gia Phúc (Đông Anh, Hà Nội) cùng anh bạn học khóa trên, Cường được biết đến một thế giới khác, bầu không khí khác. Tại chùa, mọi cảm giác đều trở nên nhẹ nhõm và khác hẳn với sự ồn ào của những buổi nhậu nhẹt “quên trời đất” với bạn bè.

Từ lần đó, nhóm bạn của Cường đã quyết định phải thay đổi: Bớt nhậu nhẹt và từ từ bỏ hẳn, gắng chuyên tâm vào việc học hành. Thời gian rảnh, lên chùa và giúp nhà chùa làm công quả.

Lần khác, trong một lần tham gia lễ hội Hoa đăng ở chùa Bằng A (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Cường và các bạn lại có thêm những trải nghiệm ý nghĩa khi tiếp xúc với trẻ em khuyết tật, mồ côi, cụ già neo đơn đang nương tựa cửa Phật.

Tâm sự với những số phận bất hạnh, đút từng miếng cơm cho trẻ khuyết tật các bạn trong nhóm Cường mới thấy mình thật may mắn. Cường bảo: “Tu ở đây mang nghĩa tu sửa. Cái gì hỏng thì mình phải sửa, cái gì tốt thì phát huy”.

Tự lập từ những chuyện rất nhỏ

Đang thu dọn những mảng bê tông cạnh những gốc cây trong chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM), Nguyễn Lê Minh Thịnh, 18 tuổi, lau vội những giọt mồ hôi và bảo: “Đến đây làm những việc này thấy quý hơn thời gian của mình. Hồi trước, ở nhà chỉ chơi game, phí lắm”.

Ở chùa, mọi công việc đều dựa trên sự tự giác và tính tự lập nên những cô cậu tú khi đến với nhà chùa đều phải học cách thay đổi. Một thời gian gắn bó với cửa Phật, nhiều bạn đã chín chắn lên trông thấy.

Nhanh tay nhặt rau, rửa rau giúp nhà chùa nấu những món chay kịp bữa trưa, Tiến Dũng, 17 tuổi, nhà ở Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ:

“Những công việc của nhà chùa không hề nặng nhọc nhưng rèn cho mình khả năng độc lập, tính trách nhiệm, những việc mình yêu thích và có thể hoàn thành tốt sẽ khiến mình cảm thấy vui, thấy mình sống có ích hơn”.

Thầy Tâm Khoa, chùa Hoằng Pháp thì tâm sự: “Nhiều em trước giờ chưa từng phải “động chân động tay” vào bất cứ việc gì nhưng sau khi vào đây đã biết làm nhiều việc”.

Thích ăn chay, ngồi thiền và nghe thầy giảng kinh Phật, Võ Thị Thắm, 21 tuổi, quê Khánh Hòa đã từng tham gia khóa tu một ngày dành cho sinh viên do chùa Hoằng Pháp tổ chức. Từ đó, Thắm ghé chùa nhiều hơn mỗi khi rảnh rỗi.

“Mình học được cách lắng lòng từ nhiều xô bồ mà cuộc sống mang lại. Kiên nhẫn và chịu khó suy nghĩ, hiểu những người xung quanh sẽ làm mình thấy thoải mái hơn” - Thắm nói.

Nguồn tin: Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây