Thầy trò mồ côi nơi cửa chùa

Thứ tư - 24/11/2010 20:05
Mồ côi cha mẹ từ năm lên sáu, thầy giáo Nguyễn Thanh Vân đã trải qua những năm tháng tuổi thơ khốn khó trong sự đùm bọc yêu thương của bà ngoại. Và cậu bé Vân mồ côi ngày ấy chưa bao giờ từ bỏ ước mơ được đứng trên bục giảng...

Bài học đầu tiên…

Thầy Vân tâm sự: “Ngày còn bé, tôi thường tủi thân vì nhà nghèo không có được đôi giày để mang, bà ngoại luôn an ủi tôi đừng buồn… vì rằng, có nhiều người còn bất hạnh hơn khi mà họ không có cả đôi chân để đi đứng hay di chuyển”.

Bài học đầu đời về nghị lực mà người bà ngày nào của cậu bé Vân đã dành cho đứa cháu côi cút của mình, giờ đã thành hành trang quý báu để thầy giáo Nguyễn Thanh Vân chia sẻ với những đứa học trò nghèo khó và kém may mắn ở lớp học tình thương của chùa Từ Hạnh, quận Bình Tân, TP.HCM.

Những đứa trẻ mà từ chúng, thầy Vân như tìm lại hình ảnh của những ngày thơ bé. Ký ức của cậu bé Vân ngày nào là khoảng thời gian nắm níu tình thương của ngoại để lớn lên và vững vàng hơn bằng những câu chuyện kể về các tấm gương nghị lực.

Năm 1980, chàng trai Nguyễn Thanh Vân bắt đầu những giờ giảng đầu tiên ở trường tiểu học Hoà Hưng, tỉnh Kiên Giang. Trong suốt những năm giảng dạy tại Kiên Giang, thầy Vân luôn là giáo viên giỏi, nhiệt huyết, thương trẻ quê nghèo không có điều kiện học chữ, thầy đã đứng ra vận động mở lớp phổ cập cấp 1, lớp xoá mù chữ cho bà con.

Không chỉ tận tâm trên bục giảng, thầy Vân còn thành lập hội từ thiện kênh Bà Xéo để kêu gọi mọi người tương thân tương ái lẫn nhau, kẻ góp công, người bỏ của để bắc cầu cho bọn trẻ đi học dễ dàng và xây nhà cho những gia đình khó khăn.

Hơn 20 năm làm ông giáo làng ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình, và rồi duyên nghiệp đã đưa thầy gặp những đứa trẻ mồ côi ở chùa Từ Hạnh.

… Đến lớp học tình thương

Hè năm 2000, thầy Vân tranh thủ thời gian rảnh để lên Sài Gòn phụ giúp việc kinh doanh cho một người em họ có cơ sở gần chùa Từ Hạnh. Chứng kiến cảnh những trẻ mồ côi, trẻ đường phố tụ tập chơi đùa rồi chửi thề và đánh nhau, lương tâm nhà giáo khiến thầy Vân ray rứt và không thể làm ngơ để mặc các em lớn lên như cây cỏ. Lúc đầu thầy Vân chỉ tìm cách tiếp cận bọn trẻ và mua bánh kẹo để tập hợp các em lại dạy ca hát, kể chuyện và dạy các em phải biết lễ phép và thương yêu nhau.

Về sau, khi các em dần đi vào nề nếp, thầy kiếm những tấm ván cũ thay cho bảng đen để dạy các em tập viết. Cái lớp học nhỏ bé cứ như thế được nhen nhóm bởi tình thương và tấm lòng rộng mở của thầy Vân.

Phòng học được sư trụ trì chùa Từ Hạnh sắp xếp cho một nhà kho của chùa, không bục giảng, không bảng đen, bàn ghế học trò thì cái mục chân, cái sứt đinh, có cái thì lắp ghép từ những mảnh ván cũ. “Con không chê cha mẹ khó”, học trò nghèo cứ thế mà quây quần bên thầy Vân ê a học bài.

Học trò nghèo, lớp học nghèo, chỉ có tấm lòng người thầy là luôn rộng mở. Sau gần chục năm bám trụ với đám trẻ, mới đây sư trụ trì chùa Từ Hạnh cố gắng sắp xếp cho lớp học được hai phòng trong khu vực mới xây của chùa để thầy trò có điều kiện dạy và học tốt hơn.

Hiện tại, lớp học có trên 100 em học sinh ở độ tuổi tiểu học, để đảm bảo cho các em có đủ kiến thức cho kỳ thi cuối cấp, thầy Vân sắp xếp các em học riêng từng khối lớp. Vì thế, mỗi ngày thầy phải lên lớp đến ba ca học ở ba khối lớp khác nhau.

Học trò của thầy Vân được học theo chương trình sách giáo khoa và thi theo đề của phòng giáo dục. Thầy Vân còn phối hợp với trường trung học cơ sở An Lạc tổ chức thi tốt nghiệp tiểu học cho các em. Tính đến nay đã có ba lứa tốt nghiệp tiểu học và tỷ lệ đậu tốt nghiệp của các em là 100%.

Bao mùa mưa nắng đi qua, những đứa trẻ nghèo tưởng chừng đã đánh rơi con chữ trên đường mưu sinh, thì từ lớp học nhỏ bé này đã có em trở thành học sinh giỏi ở trường công lập. Niềm hạnh phúc đó các em luôn dành tặng cho người thầy của mình, người đã mang đến cho trẻ nghèo, trẻ mồ côi không chỉ là bài học trong giáo án, mà trên tất cả đó là tình thương yêu.

Nguồn tin: SGTT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây