Chuyện của Lâm Ống Húc

Thứ tư - 23/02/2022 02:46
Trong suốt những tháng COVID-19 tấn công TP HCM, Lâm Ống Húc trở thành người nổi tiếng trên mạng xã hội với hình ảnh “kinh điển”: quần soóc, áo jean bụi bặm, rong ruổi trên chiếc xe cub đi phát quà cho người nghèo.
Chàng trai Lâm Ống Húc.
Chàng trai Lâm Ống Húc.
Cách anh gọi bà con đầy hài hước và ấm lòng như một đứa con cháu hiếu thuận trong nhà, với những thân phận xa lạ trên hè phố…
 

Thiện lương từ sẻ chia

Lâm Ống Húc tên thật là Phạm Tùng Lâm (30 tuổi), hiện là chủ một xưởng thiết kế đồ gỗ ở TP Thủ Đức (TP HCM). Kể về biệt danh đặc biệt của mình, Lâm cho biết, ngày nhỏ anh thích làm đồ thủ công nhưng không có tiền mua vật liệu để làm. Khi thấy mọi người dùng ống hút một lần xong vứt đi rất phí, anh đã dùng ống hút nhựa để tái chế thành những con côn trùng, ngôi nhà, chiếc xe… Từ đó, mọi người gọi anh là Lâm Ống Húc, nhưng sau thấy cái tên Ống Húc mạnh mẽ hơn nên anh gắn bó với cái tên này từ đó.

Câu chuyện của Lâm được kể lại trong chương trình “Gõ cửa thăm nhà” tập 84. Anh nói, anh rất vui vì sự mộc mạc, chân thành của anh được mọi người yêu quý. Anh sẽ xem quãng thời gian ròng rã “tấu hài hè phố” trong đại dịch như một kỷ niệm không thể quên trong tuổi trẻ của mình. Và câu chuyện về Lâm Ống Húc kỳ lạ, được bắt nguồn không phải trong sự bột phát, nhất thời, mà bởi anh đã là những người “cùng khổ” thuở ấu thơ với những thân phận và những mảnh đời khó nhọc.

Lâm sinh ra trong một xóm lao động nghèo, ba mất năm anh 11 tuổi. Ngày đó, mẹ anh là công nhân may, phải đi làm tăng ca tối ngày để có tiền nuôi con. Lâm được gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. Có thời điểm cả tháng hai mẹ con không gặp nhau cũng chỉ vì vất vả mưu sinh. Bà ngoại bán vé số, ông ngoại đạp xích lô. Khi Lâm lớn hơn, cũng chính chiếc xích lô của ông đã đưa Lâm tới trường mỗi ngày.

Ba mất, mẹ Lâm đi bước nữa và sinh được 2 em. Dượng Lâm cũng vất vả với nghề phụ hồ nhưng may mắn hai cha con gần gũi, yêu thương nhau không khác gì ruột thịt.

Ba mẹ mưu sinh quá vất vả, Lâm không được đến trường học như những đứa trẻ khác. Mẹ nén nước mắt cho cậu tới trường xóa mù chữ mang tên Ánh Sáng. Ở đó, Lâm học chung với cả những người lớn bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong. Có người ác miệng đã bảo mẹ Lâm rằng: “Thằng Lâm học ở đó rồi cũng chẳng có tương lai đâu, rồi nó lại đi bán vé số thôi”! Đó cũng chính là động lực để anh luôn cố gắng vươn lên, để mẹ không phải tủi thân và bị người ta khinh rẻ.

Lâm học ở trường xóa mù chữ suốt những năm tiểu học. Mỗi lần đi qua ngôi Trường Tiểu học Kỳ Đồng gần đó, là một lần mẹ anh xúc động, “không biết làm sao có tiền để cho con mình vô đây học”.

Lên đến cấp 2, Lâm mới chính thức được học ở một ngôi trường đúng nghĩa. Ngày dắt tay con tới trường, mẹ anh đứng ngoài khóc ròng vì mừng quá. Bà gom góp mua cho Lâm một chiếc xe đạp cũ để con đạp đi học.

Tự lập từ nhỏ nên Lâm dọn ra ở riêng từ năm học cấp 3. Sau này ra trường đi làm, thỉnh thoảng anh ghé qua thăm mẹ. Nhưng mỗi lần thấy con qua, mẹ anh lại vừa mừng vừa lo. “Mừng là con về nhà. Lo là vì con không có tiền mới phải về nhà ăn cơm của mẹ”. Lâm bảo, dù không sống chung nhưng đi đâu, làm gì anh cũng nghĩ về mẹ, lấy mẹ làm động lực để sống tốt.

Nhớ về ba, anh kể: “Ba từng bảo “nếu sau này ba không ở cạnh con, con ráng lo cho má. Con nhớ học giỏi, sau này ba chở con đi thật xa”. Anh hiểu, ước nguyện của một người cha không được học hành nhiều, không được đi đây đi đó đã gửi gắm hết cả vào con trai. Vậy nên, nhiều năm về trước Lâm từng một mình đạp xe đạp xuyên Việt hai chiều từ Cà Mau đến Hà Giang và ngược lại trong ba tháng. Hồi ấy, khi là sinh viên năm hai của Khoa Mỹ thuật công nghiệp (Trường ĐH Văn Lang), anh đã tự mình thực hiện ước nguyện ấy.

Dẫu mơ hồ về lời nói của cha, không biết cụ thể là sẽ đi đâu nên anh đã có cuộc hành trình dài để chắc chắn một điều rằng: “Đó có thể là khắp nơi”. Khi đến chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng cũng vừa đúng ngày giỗ ba. Anh đã vào chùa thắp một nén hương, và thầm nói với ba rằng: “Con không biết ba nói muốn đưa con đi thật xa là đi những đâu, nhưng hôm nay con đi được khắp Việt Nam rồi. Con mong ba vui vì con đã tự đứng được trên đôi chân của mình”.

Chuyện của Lâm Ống Húc ảnh 1
Chiếc xe Cub gắn bó với Lâm trong nhiều chuyến đi, có người trả 250 triệu nhưng anh không bán.

Đi đền đáp những ân tình

Những ngày Sài Gòn trọng bệnh, không quản nắng hay mưa, Lâm luôn ra khỏi nhà vào lúc 9h sáng trên con xe anh gọi là “chiến mã” cà tàng. Sau và trước xe buộc chặt chiếc giỏ to đùng chứa đầy bánh mì, bánh tét, hộp khẩu trang, sữa tươi… rồi rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm để tìm người nghèo.

Lâu lâu Lâm dừng xe gọi lớn: “Chú ơi, chú bốn bánh ơi, chú đậu lại đi, tấp vào lề con gởi ít quà”; “Con tặng chú ít bánh ăn nghen”. Hay, “Ông ơi con tặng bánh cho ông nha, ông lại đây...”; “Còn nữa, còn nữa nè, lấy hộp khẩu trang đeo luôn”… Kèm đó là những câu dặn dò, trêu ghẹo đầy hài hước, thân mật tựa như Lâm và họ đã quen biết nhau từ lâu lắm. Với những người già tội nghiệp, anh thường dúi thêm 500 nghìn -1 triệu đồng. Nhiều người ái ngại, bởi nom anh cũng không khác họ là mấy. Anh động viên đầy hài hước: “ Yên tâm, nhà con buôn vàng! Con không còn vàng để cầm đi cho, nên con mới cho tiền đó. Cất đi, giấu đi để có tiền ăn vài ngày tới nha!”…

Hồi nhỏ, học chung với những người lao động chân chất, Lâm được đùm bọc, học hỏi từ chính họ. “Từ khi học cấp 1, tôi đã đi lượm ve chai kiếm tiền. Mọi người giúp tôi hiểu về vật liệu, những kiến thức đó giúp cho công việc của tôi bây giờ. Tôi đã nhận sự cưu mang từ những người không giàu có gì cả. Có những chú chạy xe ba gác, xe ôm sẵn sàng bẻ đôi ổ bánh mỳ cho tôi. Sau này, tôi chạy xe ngoài đường, gặp họ, tôi không cần cải trang gì để giống như họ, mà bản thân tôi đã như vậy rồi”...

Cơ duyên khiến Lâm bắt đầu và nối dài những hoạt động thiện nguyện của Lâm vào một đêm Noel cách đây nhiều năm. Lâm tạt vào lề đường mua ổ bánh mỳ thì có một bà cụ bán vé số tới mời mua. Lâm và nhóm bạn từ chối nhưng vẫn thấy bà cụ đứng tần ngần, nhìn chằm chằm vào giỏ bánh. Nhóm bạn quyết định mua ổ bánh mỳ tặng cụ và nhanh chóng đưa ra ý tưởng gom hết tiền trong túi mua cả xe bánh mỳ để phát tặng những người lao động vẫn còn lang thang trên đường phố Sài Gòn đêm Noel hôm đó. Từ sau đêm đó, cứ đến đêm Noel, Lâm và các bạn trẻ lại cùng nhau đi phát quà khắp các ngõ ngách thành phố. Đến nay, Noel bụi đã hoạt động được 10 năm với khẩu hiệu: Đi để nhận.

Bởi không chỉ trao tặng những món quà ấm lòng, Lâm còn dành thời gian trò chuyện, lắng nghe những câu chuyện cuộc đời họ. Những câu chuyện chỉ vài phút nhưng là gói ghém tâm tư của cả đời. Với Lâm, tặng quà cũng là một cái cớ để mình có cơ hội ngồi lại nói chuyện, lắng nghe tâm sự, an ủi họ, hiểu được những hoàn cảnh khó khăn tại Sài Gòn. Cũng như Lâm coi chuyện mình sinh ra trong một gia đình nghèo khó là một sự may mắn. Từ người Lâm yêu nhất là mẹ cho đến ông bà, các cậu các mợ, ai cũng phải đổ mồ hôi, lăn lộn mới kiếm được đồng tiền. Mọi người rất hiểu giá trị của đồng tiền, hiểu được giá trị của sự trải nghiệm trong cuộc đời.

Trước khi TP HCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, do cao tuổi và bị lẫn, ông ngoại 93 tuổi của Lâm đã ra khỏi nhà 4-5 ngày trời mới được tìm thấy. Lâm đã rất cảm kích khi ông nói rằng suốt những ngày đó, người đi đường cho ông ăn uống, thậm chí còn cho cả tiền để ông dắt túi. “Tôi mang ơn những tấm lòng hảo tâm ở thành phố này, không chỉ riêng tôi mà cả gia đình tôi”. Vừa tìm được ông xong thì thành phố thực hiện Chỉ thị 16, Lâm đã nghĩ ngay đến việc “vậy những người không có nhà, họ sẽ ở đâu?”.

Thế rồi Lâm đi tìm những hoàn cảnh người lao động khó khăn, đăng lên mạng xã hội kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm. Nhiều hoàn cảnh đã nhận được sự đồng cảm của cộng đồng và được giúp đỡ kịp thời. “Chúng tôi hóa thân thành con cháu họ để nghe câu chuyện cuộc đời họ, cùng khóc cùng cười với họ”…

Lâm nói, thời gian qua, anh làm nhiều việc không phải là để nổi tiếng, mà là để “trả ơn” Sài Gòn. Hiện tại, mẹ và ông bà anh vẫn đang phải ở nhà thuê. Buổi sáng, mẹ bán hủ tiếu, bánh canh; buổi chiều bán bánh khọt, bánh xèo. Mục tiêu trong tương lai của Lâm là lo cho mẹ được một ngôi nhà để ở, không còn phải đến tháng là lo tiền nhà nữa.

Hơn thế, Lâm mong muốn qua những việc làm của Lâm, truyền đi những năng lượng tích cực tới các bạn trẻ! Rằng trong cuộc đời luôn có những điều đẹp đẽ khi chúng ta biết cho đi, biết chia sẻ, để tâm hồn luôn là những rung cảm về tình người trong hoạn nạn. Sắp tới đây, Lâm cũng hướng tới sẽ đi xa hơn, và làm những việc lâu dài, thiết thực hơn. Và cũng mong muốn các bạn trẻ, khi xem những clip của Lâm, sẽ viết tiếp những rực rỡ trong tuổi trẻ của mình, bằng nhiều con đường khác nhau, trên hành trình thiện lương của cuộc đời mỗi người…

Những ngày cuối năm, Lâm đang trên hành trình xuyên Việt, rong ruổi Tây Bắc. Gặp những hoàn cảnh vất vả, anh vẫn tiếp tục dừng lại chia sẻ, tặng đồ, tặng tiền. Anh nói, quỹ của anh được gọi đùa là “quỹ đen” do anh và bạn bè quen thân trực tiếp gây dựng. Chứ anh không cho số tài khoản để phải chịu áp lực trao quà hộ người khác, anh thẳng thắn bày tỏ. Vậy nên, với những ai nhận ra Lâm trên đường trường, gửi gắm ít nhiều, anh đều nói “ không có sao kê” nhé!...

Theo Baophapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây