Nguyễn Đinh Khoa hiện là một kiến trúc sư. Năm 2018, anh đoạt giải Văn học tuổi 20 lần 6 với truyện dài Độc hành. Trở về một đứa trẻ là cuốn sách thứ hai của anh ra mắt vào tháng 12-2021.
Trong những chia sẻ tâm đắc về công việc viết lách, qua tác phẩm mới của mình, Nguyễn Đinh Khoa cho biết:
- Tôi mong cuốn sách này có thể ở bên bạn đọc vào những lúc cảm thấy lạc lõng hay bất an, để những vết thương đã khô cứng có thể được xoa dịu. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất để đi qua được nỗi buồn là thành thật đối diện với nó, cũng như cách tôi thành thật với mình. Khi bạn không cố thúc ép mình phải xua nó đi, lại càng không tìm quên nỗi buồn bằng những niềm vui tạm bợ khác, thì đó là lúc bạn có thể nhìn sâu vào bản thân mình, và sống nhiều hơn.
Bạn có thể tự nhủ rằng nhờ nỗi buồn mà bạn có cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn chính mình của ngày hôm qua, và cũng vì thế mà bạn hiểu thêm được cuộc sống và con người xung quanh mình bằng những quy luật tự nhiên.
Tôi nhận ra mình càng yêu thêm con người sau những nỗi buồn đó, vì đã hiểu được họ và bản thân mình. Nỗi buồn, khi không tìm được chỗ dung dưỡng nữa, tự nó sẽ tìm một nơi trú ngụ khác, không phải trong tâm trí của bạn.
Tình thương là linh dược
* Anh có nghĩ rằng những nỗi buồn (như thất tình, người thân rời đi, những biến cố của đại dịch Covid-19…) nhắc ta về những yêu thương?
- Chắc chắn là như vậy. Thành thật mà nói, đến một lúc nào đó, khi mình không còn nhìn thấy nỗi buồn về mặt tiêu cực thường thấy, tôi nhận ra có những nỗi buồn tự thân rất đẹp. Tự nhiên khi đó tôi không thấy nó còn được gọi là “nỗi buồn” nữa. Nó nhắc nhở người ta về những điều chân thành xung quanh mà trước đây mình không để ý. Rồi từ đó, khi hướng bản thân mình vào những giây phút của hiện tại, tôi thấy trân trọng những gì xảy đến với mình. Tôi cũng quý trọng những thời khắc còn ở bên cạnh những người mình thương yêu, được chăm sóc họ cũng như nhận được sự quan tâm của họ.
* Với từng chút kiên nhẫn, anh đã cho phép mình được trải nghiệm lại những nỗi đau từng bị đè nén và được quyền đau khổ, dần dần giải phóng bản thân khỏi những mâu thuẫn nội tâm chưa được giải quyết. Nhưng thật khó khi ai đó đang ở trong cơn bão cảm xúc thấy được. Vậy cách anh rèn luyện để mình có thể chấp nhận nó là một trải nghiệm về cảm xúc như thế nào?
- Thật ra tôi nghĩ chắc không ai muốn trải nghiệm cùng một nỗi đau hết lần này sang lần khác đâu (cười). Quả thật khi viết lại những gì đã trải qua, và sau đó đọc lại chúng cũng hết lần này đến lần khác; thì đúng như bạn nói, tôi đã tự “cho phép” mình ôn lại những kỷ niệm đó. Những lần đầu quả thật cảm xúc đó như quả núi đè nặng trong lòng mình vậy. Thật ra những bài viết trong “Trở về một đứa trẻ” không hoàn toàn là phiên bản đầu tiên của nó. Tôi đã viết đi viết lại một bài viết nhiều lần. Và mỗi lần ở một thời điểm khác nhau, và với một tâm thế khác nhau. Ở những phiên bản đầu tiên, nó là sự tuyệt vọng.
Nhưng sau này, tìm đến những giáo lý của Phật, tôi tìm thấy cách để gỡ ra những nút thắt trong lòng mình. Khi đã chín chắn hơn, tôi viết lại những bài viết cũ, để tự an ủi và động viên mình, mà quan trọng hơn để hướng bản thân mình về những điều tốt đẹp khác ẩn chứa đằng sau những sự kiện tưởng chừng không vượt qua được. Quả núi trong lòng mình không còn nữa, nó đã biến thành một hạt đậu để tôi gieo vào đất, và ươm dưỡng nó bằng những điều tốt đẹp khác. Tôi không có bí quyết gì đặc biệt cả, tôi nghĩ là mình đã dũng cảm để đối diện với nỗi đau và đi qua nó. Điều tôi có thể làm là viết.
Tìm đến những giáo lý của Phật, tôi tìm thấy cách để gỡ ra những nút thắt trong lòng mình. Khi đã chín chắn hơn, tôi viết lại những bài viết cũ, để tự an ủi và động viên mình, mà quan trọng hơn để hướng bản thân mình về những điều tốt đẹp khác ẩn chứa đằng sau những sự kiện tưởng chừng không vượt qua được.
* “Bên trong mỗi người lớn luôn có một đứa trẻ hồn nhiên, thích chơi đùa, và yêu đời tha thiết. Nhưng trong quá trình trưởng thành, vì nhiều lý do, đa số chúng ta mất dần kết nối với đứa trẻ kỳ diệu ấy”. Có lẽ với anh, nhờ viết đã giúp gột rửa đi lớp bụi mờ, giúp chữa lành những vết thương, để lại sống tỉnh thức rộn ràng. Anh có thấy vậy không?
- Đúng như vậy. Cảm ơn bạn vì đã truyền đạt chính xác tinh thần và thông điệp của cuốn sách. Tôi nghĩ con người chúng ta vì quá bận rộn tìm kiếm những thứ bên ngoài mà hay quên mất rằng bên trong mình có một đứa trẻ kỳ diệu như thế. Chúng ta hay tìm vui trong những điều kiện vật chất bên ngoài, nhưng hiếm khi về hỏi han đứa trẻ đó. Nếu hôm nào đó thành thật nói chuyện với nó, tôi nghĩ hẳn đứa trẻ đó sẽ dành cho bạn nhiều điều bất ngờ lắm.
* Khi nói về mẹ trong những bài viết anh chia sẻ, nó hiện lên những vất vả nhọc nhằn, những yêu thương vô bờ. Mẹ với anh có phải là một vị Bụt dạy anh về tình thương, là nhà để mình về khi yếu lòng?
- Mẹ dạy tôi nhiều lắm. Mẹ không dạy tôi bằng những giáo điều lý lẽ mà bằng cách mẹ đã sống. Nên tôi cũng gắng sống ngay thẳng để không phụ lòng mẹ, để mẹ cảm nhận được tình cảm của tôi với mẹ qua cách mà tôi đang sống thật tốt. Đi đâu bước ra khỏi nhà, tôi cũng biết có mẹ chờ mình ở nhà. Tôi may mắn hạnh phúc có được vị Bụt của riêng mình.
Hạt giống niềm vui có sẵn trong mỗi cá nhân
* Là một kiến trúc sư đang giữ vị trí giám đốc dự án, có lẽ thỉnh thoảng anh cũng sẽ rất căng thẳng khi dự án không kịp đúng tiến độ, trong những lúc áp lực như vậy, anh thường làm gì?
-Thật khó tránh khỏi áp lực trong công việc, một trong những cách tôi làm để cân bằng giữa cuộc sống và công việc là đặt chúng vào hai trạng thái riêng biệt. Tôi không đặt cảm xúc của cuộc sống riêng vào công việc cũng như không mang cảm xúc từ công việc về áp vào cuộc sống của mình. Bạn cũng có thể tập trung vào những sở thích của mình khác, như viết lách chẳng hạn.
* Trong những bài viết của anh, thấp thoáng tiếng chuông chùa, và những chuyến đi đến vùng đất Phật. Anh có phải là một Phật tử? Cách anh thực tập lời Phật như thế nào trong công việc, cuộc sống để an lạc?
- Tôi không phải là một Phật tử, càng không dám nói mình am hiểu nhiều về Phật pháp. Cách tôi tiếp cận Phật giáo thật ra khá đơn giản. Tôi đọc sách về Phật giáo, nhận ra sự mầu nhiệm từ những giáo lý mà Phật dạy. Bằng thế giới quan (còn hạn chế) của mình, tôi cố gắng quan sát và dần nhận ra những điều chân lý đó. Mỗi ngày một ít, tôi lại tiếp tục quan sát, suy ngẫm, quán chiếu về những sự việc hiện tượng xảy ra với mình. Khi đã hiểu được một phần, tôi cố gắng áp dụng trong cách mình ứng xử với mọi người xung quanh và những điều bất như ý. Quá trình đó ban đầu cần phải được “nhắc nhở” nhưng sau dần trở thành thói quen. Bằng cách tự quán chiếu bản thân mình hàng ngày, tôi nuôi dưỡng sự vững chãi.
* Mọi người thường có thói quen khi kết thúc một năm sẽ chọn viết tổng kết những việc làm được và chưa làm được; có người chọn một chuyến đi; có người sẽ chọn làm một chuyến từ thiện... Còn anh, có thường làm gì đặc biệt không?
-Tôi không tiếc những gì mình không làm được, lại càng không xem những gì mình đạt được là thành tựu. Tôi nghĩ mình vẫn đang sống và còn thấy hạnh phúc được sống mỗi ngày, được chia sẻ và đón nhận những điều tốt đẹp xung quanh. Điều đó mới thật đặc biệt.
* Anh có muốn chia sẻ thêm điều gì không?
- Cảm ơn bạn và độc giả đã trao cho tôi cơ hội để được chia sẻ những câu chuyện của mình. Tôi mong bạn sẽ luôn mỉm cười và mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự