Một buổi trưa ngày chủ nhật, dưới bóng mát cây xanh một góc công viên Lê Văn Tám bỗng rộn ràng gần 20 bạn trẻ mang theo đàn tranh, đàn guitar phím lõm, đàn sến… gặp gỡ nhau như đã hẹn.
Sau giây phút trò chuyện, cười nói vui vẻ, họ chia thành từng nhóm nhỏ, cùng đàn, hát những trích đoạn cải lương, ca cổ, tân cổ giao duyên, nhạc quê hương… thu hút sự quan tâm của nhiều người. Dù không phải ai cũng là "dân chuyên nghiệp", những người trẻ ở đây đều thể hiện tình yêu, niềm đam mê với âm nhạc dân tộc.
Các bạn trẻ này đa phần là thành viên của CLB Giai điệu phương Nam, thuộc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM. Bên cạnh đó, nhiều người khác không thuộc CLB, nhưng vì tình yêu với cải lương, ca cổ cũng hẹn nhau đến giao lưu.
Một góc công viên Lê Văn Tám (Q.1) là địa điểm hội ngộ quen thuộc của nhiều người trẻ đam mê ca cổ, cải lương ngày cuối tuần.
Hồ Thanh Trinh (25 tuổi), Chủ nhiệm CLB Giai điệu phương Nam, cho biết nhiều năm qua, đều đặn cứ mỗi dịp cuối tuần, các thành viên sẽ hẹn nhau ở khu vực công viên này để giao lưu, học hỏi và thể hiện đam mê với cổ nhạc. Hầu hết, họ là sinh viên thuộc nhiều trường đại học ở TP.HCM.
"Có bạn đang đi học, có bạn đã ra trường, làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng vì yêu ca cổ, cải lương mà đến. Đặc biệt, có những bạn ở rất xa, tận Đồng Tháp, An Giang, Long An… vẫn tranh thủ lên TP.HCM để giao lưu cùng nhau khiến mình cảm thấy rất vui. Chính tình yêu âm nhạc đã gắn kết tụi mình lại với nhau", Trinh bày tỏ.
Trinh cho biết CLB được thành lập năm 2016, hiện tại có hơn 40 thành viên. Họ được chia ra thành nhiều nhóm như đàn, hát, hậu cần, truyền thông và nhóm nghiên cứu, có cả "dân chuyên" lẫn người không chuyên, nhưng tất cả đều có điểm chung là dành tình yêu cho âm nhạc dân tộc. Bên cạnh việc sinh hoạt mỗi cuối tuần, các thành viên của CLB cũng biểu diễn ở nhiều sự kiện, địa điểm của TP.HCM.
Lê Tấn Phát (22 tuổi) cho biết mình là thành viên của CLB nhiều năm nay, từ khi ở quê An Giang lên TP.HCM học tập. Sau đó, Phát không tiếp tục việc học mà về Đức Hòa (Long An) đi làm. Tuy nhiên, mỗi tuần cậu bạn vẫn đều đặn lên TP.HCM để giao lưu với mọi người.
"Mình chơi guitar phím lõm. Mình mới học mấy năm nay thôi, cũng chưa phải là chuyên nghiệp nhưng mình có tình cảm đặc biệt với cải lương, ca cổ và các dòng nhạc quê hương, bolero nên cứ rèn luyện từng ngày để tiến bộ. Đến đây cuối tuần, mình không chỉ được hết mình với đam mê, mà còn được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm từ các bạn khác", Phát chia sẻ.
Vừa trình bày xong một trích đoạn cải lương trong tiếng vỗ tay của mọi người, Nguyễn Nhật Tiến (21 tuổi, quê Cà Mau) kể mình thích hát vọng cổ. Tiến thuộc nhiều bài hát tân cổ như Lý ngựa ô, Lý chim quyên, một số trích đoạn trong vở cải lương Đời cô Lựu… nên thường hát những bài này giao lưu với mọi người.
Còn anh Đỗ Thanh Phong, ngụ H.Nhà Bè (TP.HCM), cho hay mình không phải là thành viên của CLB Giai điệu phương Nam.
Tuy nhiên, anh cũng có tình yêu đặc biệt với thể loại âm nhạc này nên vẫn thường cùng mọi người đến đây. Thời điểm Covid-19, vì có nhiều thời gian nên anh quyết tâm học đàn tranh.
"Tôi làm về dược, bận rộn với công việc nhưng vẫn thường đến đây cùng mọi người đàn, hát để thỏa đam mê. Tôi hay chia sẻ những clip các bạn trẻ ở đây hát cải lương, ca cổ và được mọi người yêu thích, nhiều người nhắn tin hỏi địa điểm để đến giao lưu. Thật vui khi có thể lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc tới mọi người, nhất là các bạn trẻ", anh bày tỏ.
(Theo Thanh Niên)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự