Anh là anh Trung đi bộ xuyên Việt phải không? Em biết anh qua mạng xã hội, em đi qua đây nhìn thấy xe của anh nên ghé vào. Em có thể xin chụp ảnh cùng anh không?", cô gái trẻ vui mừng khi gặp thần tượng trong quán nước ven đường.
Cô là một trong rất nhiều người quen với hình ảnh chàng thanh niên nước da ngăm đen, thân hình rắn rỏi đẩy theo chiếc xe 3 bánh treo cờ Tổ quốc, phía dưới gầm xe gắn thanh nam châm dài để hút đinh dọc từ Nam ra Bắc.
Những ngày này, anh Trung đang tăng tốc trên các cung đường ở Quảng Ninh để sớm đặt chân tới mũi Sa Vĩ (TP Móng Cái) - nơi địa đầu Tổ quốc, hoàn thành chặng đường xuyên Việt kéo dài gần 20 tháng qua.
Vốn là người ưa chủ nghĩa xê dịch, muốn khám phá đất nước và con người trên khắp mảnh đất hình chữ S, anh Trung ấp ủ một hành trình xuyên Việt, dù bằng bất cứ phương tiện nào nhưng phải theo cách mà xưa nay chưa ai làm.
Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Trung nuôi ước mơ học ngành y để giúp đỡ nhiều người. Nhưng sau “chí lớn không thành”, học hết lớp 12, anh ở nhà phụ giúp công việc gia đình, bắt đầu những ngày giấu bố mẹ làm thiện nguyện.
Đi bộ qua 63 tỉnh, thành, "ông vua đi bộ" luôn nhận được tình cảm yêu mến từ những người chưa từng quen biết.
Đi bộ xuyên Việt là đam mê, ước mơ từ những ngày anh còn học cấp 2. Để hiện thực hoá ước mơ ấy, anh đã đi bằng xe máy, ô tô qua khoảng 35 tỉnh, thành. Nhưng sau mỗi chuyến đi như thế anh nhận ra bản thân không thể đi sâu hơn nữa để khám phá ẩm thực, nét đẹp về văn hoá, truyền thống của các vùng miền Việt Nam. Cuối cùng, anh quyết định chuyển sang đi bộ xuyên Việt.
Để không bị lạ lẫm trên những cung đường, chàng trai ấy dành 10 tháng đi xe máy qua 21 tỉnh, thành phố, khảo sát những khu vực mình dự định đi qua. Anh còn trang bị cho mình những kiến thức về địa lý, văn hoá lịch sử và phong tục tập quán của từng địa phương; cách xử lý tình huống gặp trên đường đi như mưa ngập, dông bão hay gặp kẻ trộm, cướp, nghiện ngập...
Mẹ anh từng khóc phản đối quyết định của con trai nhưng không làm lung lay được ý chí quyết tâm của anh. Cũng có người nói ra nói vào, cho rằng việc đi bộ không khả thi và có phần gàn dở nhưng anh đều bỏ ngoài tai.
Ngày 18/9/2022, đúng sinh nhật tuổi 33, Trần Đức Trung mang theo đồ đạc, ít lộ phí cùng “người bạn đồng hành” là chiếc xe 3 bánh, bắt đầu hành trình đi bộ xuyên Việt, xuất phát từ đất mũi Cà Mau. Anh bảo, ngày đi trùng với sinh nhật nhưng anh không chọn trước, đó là sự tình cờ.
Từ mũi Cà Mau, anh đã trải qua gần 2 năm để đặt chân tới mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh).
Hai tháng sau, trên trang Facebook cá nhân, anh bắt đầu cập nhật hành trình đi bộ gần 15.000km, dự kiến kéo dài hơn 3 năm. “Ông Vua đi bộ” cũng là dòng tự giới thiệu được Trần Đức Trung cập nhật trên Facebook.
“Ngày đầu tiên tôi đi được khoảng 10km, đôi chân đau nhức, phỏng rộp nhưng tôi không chút nản chí vì từ lâu tôi đã ước mơ sẽ đi hết đất nước Việt Nam, dù bằng bất cứ phương tiện nào. Khi chọn cho mình hành trình đi bộ xuyên Việt, tôi sẽ thực hiện đến cùng.
Ngày thứ 2 tôi đi được 17km, ngày thứ 3 khoảng 20km. Quãng đường đi bộ trong ngày cứ thế tăng dần. Bây giờ mỗi ngày, tôi đi bộ khoảng 50km và sẽ về đích sớm hơn dự định ban đầu. Tôi đang cố gắng tăng tốc để sớm đặt chân tới mũi Sa Vĩ”, anh Trung tâm sự.
Ngày đầu tiên rời mũi Cà Mau cho hành trình đi bộ dài gần 20 tháng với Trần Đức Trung cũng là ngày khó quên nhất. Không chỉ trùng với sinh nhật, anh còn cảm nhận được tình cảm mà những người xa lạ dành cho mình.
Trung nhớ lại, khi đẩy xe tới một quán nước, anh gặp người phụ nữ lớn tuổi quê ngoài Bắc, nhầm tưởng anh là người mua ve chai. Từ những câu chuyện kể qua lại giữa hai người ở hai thế hệ, anh dần nhận được sự yêu mến từ người phụ nữ ấy cùng gia đình.
Hành trình của anh luôn có "người bạn đồng hành" là chiếc xe 3 bánh gắn nam châm để hút đinh dọc đường.
Khi anh Trung tiếp tục hành trình đi bộ xuyên Việt, hai bác còn gọi điện hỏi thăm. Lúc cả hai đi lấy thuốc vô tình gặp anh đang đẩy chiếc xe 3 bánh đi trên đường, họ khóc vì vui.
Cũng có người đàn ông gọi điện hỏi vị trí anh đang di chuyển rồi chạy xe máy quãng đường 5-6km, tìm bằng được để gửi anh suất cơm...
“Ông Vua đi bộ” tự ví mình như chú dế mèn phiêu lưu ký. Trên hành trình qua mỗi tỉnh, thành, mặc dù đối diện không ít thử thách, đặc biệt là sự khắc nghiệt của thời tiết - những ngày mưa không ngớt ở miền Nam, cái nắng rát mặt nơi miền Trung hay thời tiết lạnh thấu xương tại miền Bắc - nhưng chàng trai xứ Nghệ ấy lại kết thêm được những người bạn mới và lan toả hành động đẹp vì cộng đồng.
Trải qua 63 tỉnh, thành phố, không ít cung đường đèo hay tuyến đường thưa dân, đi cả tuyến đường dài không tìm được nhà nghỉ, anh Trung chọn khu đất trống cắm trại ngủ qua đêm, thậm chí có hôm cắm trại trong nghĩa trang.
“Nguyên tắc của tôi là không xin, không nhờ. Lúc đấy tôi sẽ thấy chỗ đứng của mình trong xã hội”, anh Trung trải lòng.
Anh Trung nói hành trình anh chọn không đơn độc vì luôn có “bạn đồng hành” - chiếc xe 3 bánh được chính anh lên ý tưởng thiết kế rồi nhờ người bạn làm.
Chia sẻ về ý tưởng đi bộ xuyên Việt để hút đinh, anh Trung cho biết, anh từng quản lý một trạm dừng chân nhỏ cho các tài xế, vá xe cho người dân.
Tận mắt chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân do lốp xe cán phải đinh, kim loại sắc nhọn rơi vãi trên đường..., chàng trai đau đáu và ấp ủ ý tưởng thiết kế chiếc xe hút đinh để góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông.
Mỗi lần dỡ thanh nam châm dưới gầm xe, Trung thu được khoảng 1,5-2kg đinh, kim loại sắc nhọn.
Chiếc xe đặc biệt đã ra đời sau gần 1 tháng từ lúc lên ý tưởng. Anh Trung tìm mua thanh nam châm dài chừng 60cm, nặng khoảng 10kg, dùng dây treo phía trước xe, cách mặt đất khoảng 10-15cm. Bên ngoài thanh nam châm, anh bọc lớp vải mỏng để tiện tách kim loại.
Dỡ chiếc đinh nhọn dài khoảng 3cm ra khỏi thanh nam châm, anh Trung nhớ lại những ngày nam châm “no” đinh, mỗi lần dỡ ra cũng được khoảng 1,5-2kg.
Các tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Đồng Nai hay các huyện, thị xã ở ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Sơn Tây... là những khu vực có nhiều đinh, kim loại sắc nhọn dễ làm thủng săm, lốp của các phương tiện.
“Đoạn đường mật độ dân cư cao, người tham gia giao thông càng nhiều thì thanh nam châm gắn trên xe càng nhanh đầy”, anh Trung đúc rút từ kinh nghiệm thực tế.
Sau mỗi lần dỡ đinh, kim loại sắc nhọn, anh cất gọn vào túi nilon mang theo rồi để vào xe, buộc thanh nam châm trở lại. Dọc đường gặp người thu mua ve chai, anh vui vẻ tặng số kim loại ấy cho họ. Nhiều người trả tiền nhưng anh từ chối. Họ còn ví anh là “khắc tinh” của đinh tặc.
Trên đường, không ít lần anh còn bị nhầm tưởng là người chuyên bán ve chai. Những lúc ấy anh chỉ mỉm cười rồi chỉ cho họ dòng chữ "Trần Đức Trung - hành trình đi bộ xuyên Việt 63 tỉnh, thành” được gắn ở phía trước chiếc xe 3 bánh và dòng chữ “Đi bộ vì một Việt Nam tươi đẹp” gắn sau xe.
Dọc hành trình, anh Trung gặp nhiều tài xế mồ hôi ướt đẫm áo khi phải dắt bộ xe máy vì xe dính đinh. Những lúc ấy, anh luôn đi thật nhanh để giúp đỡ họ.
Không chỉ hút đinh, kim loại, chiếc xe 3 bánh còn như tiệm tạp hoá thu nhỏ. Có ngày, xe “cõng” đủ loại đồ dùng cá nhân, nước uống, nhu yếu phẩm mọi người tặng. Anh Trung nhận và chia sẻ lại cho những hoàn cảnh khó khăn mình gặp trên đường.
Cùng anh Trung đi qua những ngày mưa dầm gió rét, nắng nóng 42 độ C, vượt qua hàng trăm con dốc, đoạn đường đèo..., chiếc xe đã 3 lần thay vành, hỏng 7 chiếc lốp và khoảng 20 chiếc săm.
Chàng trai xứ Nghệ cẩn thận giữ lại chiếc lốp trong lần thay gần nhất để làm kỷ niệm, để nhắc anh luôn nhớ về những ngày cùng “người bạn” rong ruổi bất chấp nắng, mưa.
Quê miền Trung nên chàng trai 35 tuổi không sợ nắng, chỉ sợ mưa bẩn phải dừng chân. Dịp đi qua khu vực Hà Tĩnh, Nghệ An, thời tiết nắng nóng 42 độ C, nhựa đường như sắp chảy, điện thoại giơ lên quay chụp 2 phút đã nóng ran nhưng anh vẫn đi.
“Đi trong điều kiện thời tiết ấy, tôi chỉ sợ xe hỏng, không sợ người bị ốm vì trong hành trình xuyên Việt, tôi chỉ ốm duy nhất một lần. Đó là lần bị sốc nhiệt đợt tháng 11/2022 khi di chuyển từ nơi nắng nóng 33 độ C ở Ninh Thuận, vượt qua 2 con đèo dài hơn 30km để lên Đà Lạt, trong đó phần lớn là dốc lên. Mồ hôi chưa kịp ráo, gió lạnh tràn về, nhiệt độ Đà Lạt giảm còn 8 độ C”, anh Trung nhớ lại.
Ở tuổi 35, anh Trần Đức Trung đã hiện thực hoá ước mơ đi hết mảnh đất hình chữ S bằng hành trình đi bộ qua 63 tỉnh, thành.
“Ông vua đi bộ” không đặt nặng vấn đề tiền bạc, khi hết tiền anh sẽ tự xoay xở hoặc nhờ bạn bè tìm việc giúp. Anh nhận làm bất cứ công việc gì miễn có thể kiếm được tiền trang trải trên suốt hành trình.
Cũng không đặt nặng vấn đề thời gian, anh khá thong thả trên suốt hành trình, lúc cần sẽ nghỉ ngơi để lấy lại sức. Đi qua mỗi tỉnh, thành, chàng trai xứ Nghệ dành thời gian giao lưu cùng bạn bè, người quen và cả những người bạn mới, đi tham quan, khám phá những địa danh nổi tiếng ở từng địa phương.
Vốn thích cà phê, anh đã dừng chân gần 2 tháng ở Đắk Lắk để tìm hiểu về loại nông sản này. Lúc lên Sơn La, gặp bà con dân tộc Thái quý người, đến điểm du lịch Mộc Châu - nơi được mệnh danh là viên ngọc giữa núi rừng Tây Bắc, anh Trung cũng dừng bước hơn 2 tháng để tìm hiểu về con người và địa danh nơi đây. Đến Sa Pa (Lào Cai), anh cũng có 22 ngày ở lại khám phá xứ sở sương mù...
Nhật ký hành trình chính là những bức ảnh, đoạn video ngắn được anh đăng tải trên trang cá nhân thành album, cẩn thận chia ra các tỉnh, thành và đánh số thứ tự.
“Tôi luôn xác định, hành trình mình đi phải tạo được giá trị đối với bản thân và gửi gắm những điều thiết thực nhất tới cộng đồng để không lãng phí thời gian, sức khoẻ. Cũng như việc hút đinh, hành động tuy nhỏ nhưng góp tiếng nói nâng cao ý thức người dân.
Có đi tôi mới cảm nhận được tình người trên khắp mảnh đất hình chữ S, đặc biệt từ sau đại dịch COVID-19”, anh Trung trải lòng.
Mô hình xe hút đinh hiện đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, anh Trung hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều mô hình hút đinh hoạt động hơn nữa, nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Nguồn Vtcnews.vn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự