Sáng cuối tuần, bếp ăn tình thương 2.000 đồng nằm trong hẻm 14, đường Ngô Quyền, Q.10 (TP.HCM), trở nên nhộn nhịp hơn thường ngày. Hôm nay có khoảng 20 sinh viên đến phụ giúp nấu những suất ăn trưa cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Trong số các bạn, có người lần đầu đi tình nguyện, còn bỡ ngỡ với công việc bếp núc, nhưng ai nấy đều phấn khởi, không ngại việc, xắn tay vào làm rất nhiệt tình. Người lặt rau, cắt củ quả và sơ chế thực phẩm, số khác dọn dẹp bàn ghế, rửa, lau những khay cơm… Chỉ sau chốc lát, số thực phẩm chuẩn bị nấu 250 suất cơm trưa đã sẵn sàng lên bếp.
Nguyễn Đỗ Như Ý, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, cho biết dù bản thân không khéo tay, nhưng mong muốn giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn nên đã đăng ký tham gia tình nguyện. "Mình đến từ lúc 7 giờ để phụ cắt rau củ, xong sẽ đi rửa chén để mọi người có khay đựng cơm phục vụ cô chú", Ý nói.
Đúng 10 giờ, những suất cơm đầu tiên được bán ra. Trong gian bếp, bạn nào cũng tất bật lấy thức ăn cho vào các khay để phục vụ khách tại chỗ. Cũng có người xới cơm vào các hộp cho khách mang về. Một số bạn khác sẽ túc trực ngoài bàn để mang cơm, canh thêm đến từng người...
Những khách hàng của quán cơm 2.000 đồng đa số là người lao động lớn tuổi, người bán vé số hoặc nhặt ve chai. Một số khác là thân nhân của người bệnh...
Lê Minh Khánh Duy, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, rất hạnh phúc khi thấy công sức của mình bỏ ra có thể giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, lớn tuổi.
"Mình thấy có cô chú ở quê lên thành phố nuôi người nhà bị bệnh, họ rất quý những suất ăn 2.000 đồng như thế này. Ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, có những quán cơm tình thương thế này sẽ giúp mọi người đỡ bớt một phần chi phí nào đó", Duy nói.
Nguyễn Hoàng Việt, sinh viên Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cho biết đã dậy từ 5 giờ sáng, chạy xe từ H.Hóc Môn đến bếp ăn tình thương ở Q.10.
"Mình thích vào bếp chuẩn bị phần ăn cho mọi người, như một cách trao gửi yêu thương", Việt bày tỏ.
Anh Lê Tuấn Tú (33 tuổi), quản lý quán cơm 2.000 đồng trong hẻm 14, đường Ngô Quyền, Q.10 (TP.HCM), cho biết hằng tuần quán phục vụ 3 ngày là thứ ba, năm và bảy. Trong Tháng Thanh niên, nhiều bạn trẻ đã đăng ký phụ giúp quán xuyên suốt 1 tháng, ngày đông nhất lên đến 20 bạn, còn bình thường khoảng 10 bạn.
"Ở đây nhân lực phục vụ quán cơm cũng ít, chừng 3 - 4 người và đa phần là cô chú 50 - 60 tuổi, những ngày không có các bạn sinh viên đến phụ thì hơi vất vả vì phần việc nhiều", anh Tú nói.
Anh cũng cho biết có một số bạn khi đến tình nguyện không thạo việc bếp núc nên anh và mọi người hướng dẫn lại. Tuy nhiên, điều làm anh ấn tượng là các bạn trẻ rất có tinh thần, còn nhỏ tuổi nhưng hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, biết chia sẻ với người khó khăn là điều rất đáng trân trọng.
(Theo Thanh Niên)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự