Bây giờ tìm vui trong đạo Phật
là thế nào? Phật dạy người tu có nhiều thứ vui, nhưng ở đây tôi nói giản lược
hai thứ thôi. Thứ nhất là vui trong sanh tử, thứ hai là vui trong vĩnh cửu,
nghĩa là thoát ly sanh tử.
Vui trong sanh tử là vui thế nào? Với cái nhìn của
Phật, Ngài thấy trong vòng luân hồi sanh tử có sáu đường: địa ngục, ngạ quỷ,
súc sanh, người, a-tu-la, trời. Ba đường khổ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ba
đường lành là người, a-tu-la, trời. Người là vui bậc hạ, a-tu-la vui bậc trung,
trời vui bậc thượng. Cho nên ai tu nhân đi theo ba đường này là tìm vui trong lục
đạo.
Khi quy y Tam bảo, kết quả
thế này: “Quy y Phật khỏi đọa địa ngục, qui y Pháp khỏi đọa ngạ quỷ, quy y Tăng
khỏi đọa súc sanh”. Đó là chúng ta tìm ra một lối để khỏi đọa ba đường khổ địa
ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Muốn ra khỏi ba đường khổ đó không gì hơn là hướng về
Phật, hướng về Pháp, hướng về Tăng. Nhưng muốn được làm người, Phật dạy phải giữ
gìn năm giới cấm. Giữ năm giới là tư cách một con người tốt, con người sống vui
tươi.
Phật chế giới cấm là vì lợi
ích của chúng ta, chớ không phải của Ngài. Đức Phật là Bậc Toàn giác, tâm hoàn
toàn thanh tịnh, thoát khỏi ba cõi đâu cần phải giữ giới làm gì. Phật tử giữ giới
không giết hại, không trộm cướp thì khỏi ở tù. Không tà dâm thì gia đình được hạnh
phúc. Không dối gạt người thì mọi người tin tưởng, quý trọng mình.
Không uống
rượu say thì trí tuệ thông minh sáng suốt, được mọi người kính nể. Như vậy vì
tư cách của mình, sống xứng đáng là một con người nên chúng ta phải giữ năm giới
cấm. Giữ được năm giới thì bản thân mình bình an, láng giềng cũng bình an. Đó
là cách tu để đem lại sự an vui cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hiện tại Phật tử giữ tròn
năm giới thì khi sắp ra đi có sợ không? Thật ra nếu chúng ta giữ tròn năm giới
thì khi ra đi không có gì phải sợ. Tại sao? Vì giữ giới không sát sanh, đời sau
sanh ra tuổi thọ dài lâu.
Giữ giới không trộm cướp, đời sau sanh ra có nhiều của
cải, không bị hao mất. Giữ giới không tà dâm, đời sau sanh ra gia đình đầm ấm
vui tươi, bản thân được đẹp đẽ nữa. Giữ giới không nói dối, đời sau sanh ra nói
năng lưu loát, ai nghe cũng tin quý. Giữ giới không uống rượu, đời sau sanh ra
trí tuệ sáng suốt. Năm giới này giữ đủ, khi chết rồi sanh trở lại được làm người
rất tốt đẹp, rất hoàn hảo. Đó là kế tìm an vui lâu dài. Nhưng lâu dài này chỉ
là lâu dài trong cuộc sanh tử, theo ba đường lành.
Bây giờ nói đến cái vui siêu
thoát hơn, vui mãi mãi, vui vĩnh viễn, không bao giờ khổ. Tiến lên chỗ này hơi
khó một chút, nhưng ai khéo tu vẫn có thể tiến được. Nhà Phật nói vui ra khỏi
sanh tử là cái vui siêu thoát mà người đời ít ai biết đến. Trước khi nói cái
vui đó, tôi xin hỏi “Tất cả quý vị thấy thân này phải thật là mình không?”.
Không. Nếu không thật, có ai bẻ ngón tay mình nổi giận không? Điều này thật khó
nói.
Nhà Phật phân tích thân này
do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp lại thành. Tuy nó có hình tướng, có bao
nhiêu thứ tế bào nhưng thật ra cũng không ngoài bốn thứ đất, nước, gió, lửa. Chất
cứng trong người là đất, chất ướt là nước, thở ra thở vào động là gió, hơi ấm
là lửa. Trong bốn thứ không thể thiếu thứ nào hết, nếu thiếu một thứ thì chết
ngay.
Thân này đã do bốn thứ hợp thành, khi đủ duyên nó còn, thiếu duyên nó hoại.
Còn và hoại là theo duyên chớ không phải quyền của chúng ta. Có ai muốn thân này
hoại đâu, nhưng hết duyên nó phải hoại. Như vậy chúng ta sống chỉ bằng sự vay
mượn.
Thế thì quý vị định nghĩa hạnh
phúc của thân này là gì? Mượn vô tốt trả lại dễ dàng, đó là hạnh phúc. Nếu trả
lại trục trặc thì chở vô bệnh viện liền. Rõ ràng có cái gì là thật mình đâu. Nếu
thật thì không mượn, đã mượn thì không thật.
Thế mà người thế gian không hiểu,
cứ ngỡ thân này là thật, không ngờ chúng ta đang vay mượn để tồn tại trong từng
phút giây. Khi sự vay mượn đó dừng, tất cả chúng ta phải ra đi. Cho nên hạnh
phúc của cuộc đời như người ta thường mơ ước chỉ là sự tưởng tượng mà thôi. Nếu
nói thẳng hạnh phúc của cuộc đời là mượn vô tốt, trả ra dễ dàng.
Thân này không thật, đến tâm
có thật không? Ở đây tôi chỉ nói hai thứ tâm. Một là tâm tạm bợ giả dối, hai là
tâm chân thật, danh từ chuyên môn là vọng tâm và chân tâm. Tất cả chúng ta đều
có hai thứ tâm, nhưng mình chỉ biết vọng tâm sanh diệt, còn tâm chân thật thì
quên mất tiêu. Bởi vậy trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói ví dụ, có anh nhà
nghèo đi xin ăn gặp người bạn giàu. Sau khi tiệc rượu say sưa rồi, anh bạn giàu
lấy một hòn ngọc nhét trong túi áo anh nhà nghèo, nghĩ rằng qua cơn say, anh ta
sờ vào túi thấy hòn ngọc, đem đi bán sẽ được giàu sang, hết một kiếp nghèo.
Anh
bạn nghèo hết say, không thấy chủ nhà cũng từ giã đi luôn và tiếp tục lang
thang ăn mày nữa. Qua một thời gian khá dài, anh nhà giàu bất chợt gặp lại người
bạn cũ, thấy vẫn đi ăn mày, tức quá anh hỏi: “Trước tôi đã tặng cho anh viên ngọc
nhét trong túi áo, sao tới giờ vẫn còn lang thang vậy?”. Nghe thế, anh nhà
nghèo mò vô túi được viên ngọc, lấy ra xài, từ đó hết nghèo.
Viên ngọc dụ cho cái chân thật,
quý như ngọc báu mà mình quên nên cứ sống lang thang theo tâm sanh diệt, tạo
nghiệp luân hồi muôn kiếp. Chúng ta cứ luôn luôn đuổi theo buồn thương giận
ghét, đời này khổ đời khác khổ, không biết bao giờ hết.
Đó là nghiệp luân hồi
sanh tử. Muốn ra khỏi nghiệp luân hồi sanh tử chỉ có tu thôi. Tu bằng cách nào?
Là dừng hết những tâm sanh diệt, để tâm chân thật hiện ra, chừng đó mới ra khỏi
vòng sanh tử nghiệp báo.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma sang Trung
Hoa, có bốn câu châm ngôn dạy tu thế này:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền.
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Nghĩa là:
Không lập văn tự,
Truyền ngoài giáo lý.
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.
Ngài không nói Sơ thiền, Nhị
thiền, Tam thiền, Tứ thiền gì hết. Như vậy con đường của Ngài thế nào? Ở đây
Ngài chỉ thẳng một con đường để ra khỏi sanh tử, chấm dứt mọi khổ đau. Giải
thoát sanh tử là nguồn an vui vĩnh cửu, không còn phiền lụy nữa. Đó là con đường
đốn giáo hay nói cách khác là con đường Thiền tông.
Con đường Thiền tông được
truyền từ Tổ Ca Diếp dài xuống mãi cho tới Tổ Đạt Ma. Đó là chư Tổ ở Ấn Độ. Đến
Tổ Đạt Ma, Thiền tông được truyền sang Trung Hoa, rồi tới Việt Nam. Chư Tổ ở Việt
Nam nhận được yếu chỉ tu hành, các ngài cũng ngộ đạo, cũng được làm Tổ. Thế nên
con đường thiền này rất thiết yếu.
Lâu nay chúng ta mê lầm nhận
cái hư ảo là tâm mình thật. Từ nhận lầm nên cứ theo nó tạo nghiệp. Nó buồn, nó
thương, nó ghét, nó giận, đủ thứ chuyện để tạo nghiệp. Tạo nghiệp thì đi trong
luân hồi sanh tử.
Bây giờ quay lại tìm xem nó ở đâu, có thật hay không? Quả
tang nó mất tăm mất tích, tức là không thật, không thật thì có gì đâu phải an. Nhà
thiền sau này dùng từ “Phản quan tự kỷ”, tức xem xét lại chính tâm mình. Tìm là
chiếu soi lại, xem tâm bất an đang chạy đi đâu? Quay lại tìm tức là xem xét lại
chính mình. Khi xem xét lại thì nó mất.
Chúng ta vì mê lầm chấp thân
hư giả làm thân thật, chấp tâm hư giả làm tâm thật của chính mình. Trọn cuộc đời
đi trong mê lầm, rồi tạo nghiệp hư giả, sanh tử không cùng. Bây giờ tu theo Phật
là phải trở lại, phải thấy đúng như thật thân này hư giả, tâm vọng tưởng không
thật. Phật thường nói thân tạm bợ vô thường, duyên hợp hư giả mà chúng ta thấy
thân này thật nên quý nó, khổ vì nó.
Phật thấy rõ được lẽ thật
nên Ngài là Bậc Giác ngộ. Còn chúng ta thấy mê lầm nên làm chúng sanh hoài. Vì
bảo vệ thân tâm hư giả này mà con người tranh giành với nhau, rốt cuộc cả đời
đau khổ dồn dập.
Người biết thân hư giả, tâm hư giả không thật là tiến được bao
nhiêu bước? Nếu ai thật sự thấy thân này rõ ràng hư giả tạm bợ, sống mượn nó để
làm những điều tốt đẹp, ích lợi cho đời thì được. Dùng tâm hư giả để phương tiện
giúp đỡ người thì được. Ngược lại nếu ai bảo vệ nó vì tưởng nó là mình thật, là
chân lý thì sai lầm.
Chúng ta tu là cốt giác ngộ.
Một khi tâm lăng xăng là hư dối không thật lặng rồi, tâm chân thật hằng ở bên
mình. Nhưng vì chúng ta bỏ quên nó, cứ chạy theo cái giả dối nên khổ. Vì vậy Phật
nói: “Chúng sanh mê lầm chìm trong sanh tử khổ đau”.
Bây giờ trở về với tâm thật
thì hết khổ đau. Sống với tâm chân thật, không còn giành hơn thua, phải quấy thì
ngay đời này hết khổ rồi. Mai sau khi bỏ thân này được giải thoát sanh tử, đó
là vui vĩnh cửu, chớ không phải vui thường.
Phật dạy chúng ta tu là tìm
đến chỗ vui vĩnh cửu, đó mới thật là người biết đạo, biết cầu giải thoát. Cho
nên tìm về với tâm chân thật là gốc của sự tu.
Tác giả bài viết: HT Thanh Từ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự