ĐÁP: Bạn Nguyên Niệm thân mến!
Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật dạy: “Có năm nghề buôn bán, này các Tỳ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc” (Chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán).
Vấn đề đáng bàn ở đây là lời dạy không buôn bán thịt. Hiện có nhiều luận giải khác nhau về lời dạy này, tựu trung có hai khuynh hướng: 1- Không làm nghề đồ tể (không bán thịt-trực tiếp giết hại), 2- Không những chẳng giết hại mà còn không buôn bán thú vật, không bán thịt sống và cả thịt chín (không bán thịt-dù không trực tiếp giết hại).
Trước hết là vấn đề bán thú vật. Trong bối cảnh xã hội nông nghiệp thời Phật, người nông dân chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi nên việc buôn bán hoặc trao đổi gia súc là đương nhiên. Do đó, không buôn bán thịt không hẳn là Phật cấm buôn bán hoặc trao đổi gia súc, thú vật nói chung.
Đối với vấn đề bán thịt, thời xưa, những người bán thịt hầu hết đều kiêm luôn giết mổ. Muốn có thịt để bán thì người hàng thịt phải sát sanh. Cho nên nghề đồ tể, sát sanh lấy thịt đem bán là chắc chắn không được làm vì tạo nghiệp sát rất nặng nề.
Còn ngày nay, người bán thịt (bán hàng ăn, các loại thực phẩm “mặn”) thì đa phần không trực tiếp sát sanh. Trong trường hợp này, họ tuy có liên hệ nhưng không tạo nghiệp sát hại. Người Phật tử trong những ngày không ăn chay, ra chợ mua các thực phẩm về thọ dụng cũng có liên hệ nhưng không tạo nghiệp sát hại.
Vì vậy, xét theo quan điểm tạo ác nghiệp, không buôn bán thịt là không làm nghề đồ tể (bán thịt-trực tiếp giết hại) hoàn toàn xác đáng. Còn luận giải, không buôn bán thịt là không bán thịt sống và thịt chín (dù không giết hại), về ngữ nghĩa thì rất chính xác nhưng xét về bản chất tạo ác nghiệp thì không xác đáng bằng.
Dĩ nhiên người Phật tử thì không nên mở cửa hàng, tiệm sạp chuyên bán thịt tươi sống. Vì những hình ảnh thịt xương máu huyết ngổn ngang ám ảnh lâu ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm thức. Nhưng “kinh doanh buôn bán thực phẩm có sử dụng thịt”, trong chừng mực nào đó, nếu chưa tìm được nghề khác để mưu sinh thì có thể tạm chấp nhận. Vì như đã nói, nếu không trực tiếp giết hại thì họ chỉ có liên hệ mà không tạo nghiệp sát.
Trong cuộc sống, mỗi nghề mỗi nghiệp, không ai mà không tạo nghiệp. Người Phật tử nguyện sống theo tinh thần Chánh mạng (nuôi mạng chơn chánh) có thể tránh được hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các biệt nghiệp xấu ác nhưng cũng không thể tránh hết các liên hệ cộng nghiệp. Do đó, thành tâm sám hối nghiệp chướng hàng ngày, trong mỗi nửa tháng là việc cần làm. Song hành với sám hối là nỗ lực làm mọi việc phước thiện, tốt lành trong khả năng có thể để vun bồi phước đức.
Người Phật tử luôn phát huy trí tuệ và từ bi để tìm một nghề mưu sinh thích hợp với hoàn cảnh của mình. Không chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả nhưng cũng không quá cứng nhắc, không dám làm gì vì thấy nghề nào cũng có tội. Vì thế trung đạo là tinh thần căn bản mà mỗi người cần suy nghiệm để cân nhắc và quyết định nên và không nên trong việc chọn việc mưu sinh cho chính mình.
Thầy Henepola Gunaratana (người Tích Lan), có đưa ra một vài nguyên tắc mà một người khi thực hành công việc mưu sinh cần nên suy xét. Chúng ta có thể tham khảo thêm những nguyên tắc này để sống theo tinh thần Chánh mạng:
“Xem xét phương tiện kiếm sống có làm cản trở việc phát triển tâm linh của ta hay không. Xem xét một nghề nghiệp được coi là Chánh mạng hay không bằng việc thực hiện một sự khảo sát ba bậc: 1. Xem xét công việc đó có làm hại người và mình hay không. 2. Xem xét công việc đó có khiến ta phạm năm giới cấm hay không. 3. Xem xét những yếu tố khác mà chúng liên quan đến công việc đó có khiến cho tâm ta khó định tĩnh hay không. Nếu không có những ý định gây hại, tâm ta sẽ không bị tổn hại bởi những kết quả tiêu cực của công việc” (Henepola Gunaratana, Eight mindful steps to happiness: Walking the Buddha’s Path, 2001, tr.148).
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự