Căn bản của đạo Phật là trí tuệ. Muốn phá được mê lầm cám dỗ, tất yếu phải có trí tuệ. Việc xây dựng trí tuệ cần trải qua ba giai đoạn khác nhau. Giai đoạn một, Phật khuyên chúng ta nên học rộng nghe nhiều để tương đối có cái nhìn chính xác giúp chúng ta có thể tránh được sai lầm khi lòng tham nổi dậy.
Thuở nhỏ, đọc chuyện này, thầy nghĩ rằng Đức Phật tu hành, Ngài đã bỏ danh vọng, địa vị, quyền lợi vật chất. Bảy vương tử và Ưu Ba Ly theo Phật tu cũng từ bỏ tất cả sự nghiệp thế gian. Các ngài đã đắc Thánh quả. Ngày nay, chúng ta may mắn được xuất gia, sao không quyết tâm tu, dù không gặp Phật và Thánh Tăng, nhưng thầy trực nhận sâu sắc rằng các Ngài vẫn hiện hữu, nên cố đi tìm.
Để từ bỏ địa vị, tham vọng và nhiều thứ cám dỗ, đương nhiên các Phật tử có đối tượng để hướng tâm tới là Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng. Vì vậy, học các vị này, mà quan trọng nhất Phật dạy là huệ bắt đầu phát sanh, đó là do học kinh Phật, học hành trạng của các Thánh Tăng mà chúng ta biết được những gì thực sự quý giá trong cuộc sống này và muôn kiếp về sau.
Mạng người ngắn ngủi, vô thường, sao chúng ta không tinh tấn thể hiện pháp Phật để ra khỏi thế giới mộng ảo này, mà còn sống với si mê. Đương nhiên chúng ta chạm trán với nhiều cám dỗ, nhưng chúng ta cũng có bản lĩnh để không bị rơi vào cạm bẫy.
Thái tử Sĩ Đạt Ta ở cung vàng điện ngọc, nghe trong đêm tiếng nhắc nhở rằng:
Ngày nay tuổi đã lớn rồi
Sao không nhớ lại những lời nguyện xưa
Xin tu chứng đạo chơn thừa
Trần gian cảnh tục say sưa làm gì
Ngày còn lần lựa thế thì
Chúng sanh ngu dại ai vì bảo ban
Mau mau mở lối Niết-bàn
Khêu đèn trí tuệ, vén màn vô minh.
Đêm thanh vắng, mọi người ngủ mà Ngài lại nghe được âm thanh khơi dậy đạo mầu. Thực tế cho thấy ban ngày chúng ta bận rộn nhiều việc, nên không nghe được âm thanh vượt ngoài ngôn ngữ trần gian; nhưng trong cảnh thanh vắng ban đêm, có thể nghe tiếng chư Thiên, hay âm thanh vang vọng của trời đất. Riêng thầy, lúc mới tu, thầy làm hương đăng, ba giờ khuya thầy thức dậy, nhúm lửa, nấu nước cúng Phật, sau đó mới công phu. Chúng Tăng còn ngủ, thầy dậy sớm nhứt, nghe tiếng tụng kinh trên chùa. Thầy thưa với Hòa thượng rằng sao con tìm không thấy ai, mà lại nghe tiếng tụng kinh trên chánh điện. Hòa thượng nói đó là Tổ tụng kinh, con nghe được tiếng tụng kinh của Tổ là con có căn lành. Thật vậy, khi trần duyên chúng ta lắng yên, con người thật của chúng ta hiện ra, mới nghe được ngôn ngữ chân thật. Tổ sư đã tịch diệt mấy trăm năm, làm sao nghe được tiếng của ngài, nhưng khi tâm thanh tịnh, phiền não, danh vọng, ham muốn lắng xuống, chúng ta có thể nghe âm thanh kỳ diệu.
Từ góc độ nghe Tổ tụng kinh Pháp hoa, khi thầy sang tổ đình Huê Nghiêm thấy câu liễn viết rằng:
Khô mộc lý long ngân
Bằng quân hội đạo khứ.
Nghĩa là trong cội cây khô có tiếng rồng gầm, ai nghe được như vậy thì ngộ đạo. Điều này làm thầy suy nghĩ.
Chúng ta lễ lạy tượng Phật bằng gỗ trên bàn thờ, nhưng cảm được đó là Phật thật và nghe được pháp âm Phật là pháp chân thật. Còn người vô chùa nghĩ tượng Phật là tác phẩm, nên họ đánh giá tượng đẹp hay xấu, vì họ chỉ nhìn được bề ngoài mà thôi. Trong khi Phật tử nhìn tượng Phật, lạy tượng Phật, nghĩ là Phật thì kinh Pháp hoa nói rằng người đó có căn lành mới thấy Phật trong khúc gỗ. Và cũng do căn lành của chúng ta, tuy đọc kinh bằng giấy trắng mực đen, nhưng chúng ta nhận ra tiếng nói chân thật của Phật, hay nói cách khác, tâm thanh tịnh của chúng ta nhận được tâm thanh tịnh của Phật; như vậy là thấy đạo, ngộ đạo.
Từ độ cảm này bước lên một bước, mới đọc bài nguyện hương:
Đốt nén tâm hương trước Phật đài
Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai
Cầu xin nhân loại lên bờ giác
Hạnh phúc bình an khắp muôn loài.
Với tất cả tấm lòng thành của chúng ta, độ cảm tâm sâu sắc của chúng ta mới nghĩ ra như vậy. Lòng thành của chúng ta là tâm hương cùng với khói hương bên ngoài, cả hai quyện lại, kết hợp với nhau để hướng về Phật. Chư vị Tổ sư có độ cảm Phật sâu dày, nên các ngài thể nghiệm pháp chân thật một cách dễ dàng và thành Tổ. Chúng ta cũng có độ cảm Phật, nên cũng tiến tu theo lộ trình Phật dạy.
Ban đầu, Phật dạy chúng ta học rộng nghe nhiều và có đọc tụng kinh điển, lòng chúng ta mới sáng ra và nghe được điều vi diệu. Vì vậy, chỉ mới có chút xíu huệ phát đã giúp ta xa lìa cám dỗ, vì khi tâm chúng ta hướng về Phật thì chuyện trần tục thế gian, tham vọng không lôi cuốn mình được. Người vì quá tham lam, không thấy, không biết gì, chắc chắn dễ bị cám dỗ. Nghe lợi danh mà ham là ham chết. Người hiểu đạo sợ lợi danh. Người ham muốn nhiều là ác ma, cho nên kẹt vô đây là ta phải đấu với ác ma, nó có đầy đủ thủ đoạn mưu mô, tất nhiên đối đầu với nó thì bị phiền não bao vây, cho đến mất mạng.
Thực tế cho thấy những người chạy theo lợi danh suốt đời, họ được cái gì. Thầy quen những người có nhiều tài sản, địa vị cao, nhưng họ than khổ lắm. Sự nghiệp trong tay cả ngàn tỷ mà khổ quá. Chúng ta chưa có nhiều của cải thì ham muốn, không thấy khổ. Phật dạy rằng người chưa có của cải vật chất hay địa vị thì ham, dốc toàn lực để làm, chịu cực khổ lắm, nhưng có rồi mà phải giữ để không mất còn khổ hơn nữa. Vì người muốn tranh địa vị của mình, muốn cướp tài sản của mình, nên họ tìm cách nói xấu, tìm cách hại mình. Đối đầu với họ để bảo vệ địa vị, tài sản, chắc chắn là khổ cùng cực.
Còn Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng thì sao. Chúng ta thấy rõ Phật bỏ hết, không giữ bất cứ của cải gì, nhưng người ta thường nói của vua thua của Phật. Chính phủ Mỹ giàu nhất thế giới, nhưng năm 2013, thầy sang Mỹ, nước này rơi vào tình trạng khủng hoảng đáng sợ, Chính phủ Mỹ không có tiền trả lương cho nhân viên. Như vậy có phải là giàu hay không. Và sau Mỹ, kéo theo một loạt các nước châu Âu, chính phủ mắc nợ. Của vua thua của Phật là vậy. Của Phật thì sao. Khi thành phố giao chùa Phổ Quang cho Thành hội, chùa này điêu tàn. Chúng ta không làm ra tiền, nhưng ngôi chùa này tự phát triển lần cho đến nay khá khang trang; đó là của Phật. Đức Phật nhập diệt đã mấy ngàn năm, nhưng từ ngôi chùa Phổ Quang ọp ẹp trở thành trang nghiêm và chúng ta sắp có chùa Việt Nam Quốc Tự, một ngôi chùa lớn ở giữa trung tâm thành phố, dự kiến tầng hầm có sức chứa một ngàn xe máy và một trăm xe hơi. Chúng ta thấy Phật không tiền, nhưng chùa cứ mọc lên và cứ lớn lần. Những ông vua giàu có ở Trung Đông, có ông nào chết một trăm năm mà còn sự nghiệp. Đức Phật Niết-bàn mấy ngàn năm rồi, nhưng sự nghiệp vĩ đại của Ngài để lại cho loài người vẫn được trân trọng là quý báu vô giá. Chúng ta bước vào chùa nào đều có Đức Phật ngự ở đó. Các thầy chỉ quản lý chùa cho Phật, không phải của thầy. Chúng ta hiểu công đức trang nghiêm, công đức tu hành là vậy.
Và nhận thấy như vậy rồi thì còn ham muốn cái giả hay không. Vì vậy, chúng ta hướng tâm về cái thật, về cái lâu dài, bỏ cái tạm bợ. Cuộc sống chúng ta là giấc mộng phù du, không biết ngày nào chết. Mạng người rất mong manh, nhưng lâu dài của chúng ta là con người chân thật tiêu biểu qua sức sống vĩnh hằng của Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng mà chúng ta nên học theo.
Bước đầu học để mở mang kiến thức của con người, biết cái sai thì không làm, nên họ không thể cám dỗ mình. Thầy nhớ khi ở Nhật về, có người đến bảo thầy hãy mạo danh là Thanh Sĩ thì họ sẽ đưa thầy lên lãnh đạo. Nếu háo danh, sẽ bị rơi vào cám dỗ này. Thầy trả lời rằng tôi cũng biết vị này và nhỏ tuổi hơn ngài nhiều thì làm sao mạo nhận được. Họ bảo thầy mạo danh bằng cách nói mình tu đắc đạo có thể chuyển lão hoàn đồng, nghĩa là từ người già chuyển thành trẻ con. Rõ ràng là mê tín. Đức Phật 80 tuổi còn phải nhập diệt, quy luật là như vậy, không thể trở lại thành trẻ con. Nghe theo là rơi vô cái bẫy dẫn mình vô con đường nguy hiểm.
Chuyển lão hoàn đồng trong đạo Phật có ý nghĩa khác. Phổ Hiền chuyển thành đồng tử. Đồng tử là tuổi nhỏ đi tu, thân tâm đều trong sạch giống trẻ con, không phải ông già biến thành con nít. Nếu chúng ta hiểu thì thoát được sự mê hoặc, dụ dỗ. Họ đưa mình lên thì hạ mình xuống được. Lao vào danh lợi cuộc đời dễ chết.
Phật dạy phải tu đắc Thánh quả La-hán có trí tuệ mới nhìn đời chính xác, biết việc nên làm, người nên hợp tác. Họ dụ mà nghe theo là chết. Thầy nhớ khi Hòa thượng Trí Thủ làm Viện trưởng Viện Hóa đạo, có người đến xúi Hòa thượng làm việc này việc kia. Hòa thượng trả lời ngài đã 70 tuổi, đừng xúi bẩy. Ngài không ham gì, đừng dụ cho mất công. Ngài có quyết đoán của ngài.
Có sáng suốt mới quyết định đúng đắn và việc làm có ý nghĩa. Vì vậy, vượt qua danh vọng, địa vị, chúng ta biết tới lúc làm hay chưa. Việc không nên làm mà làm là tự chuốc họa, không nên nói mà nói là tự chết giống như con ếch chết vì cái miệng của nó.
Quả vị thấp nhất là các vị La-hán. Phật nói rằng có vị La-hán không ra làm việc, vì họ biết chưa tới lúc làm. Điển hình như Bồ-tát Di Lặc có đủ điều kiện làm Phật, nhưng ngài không ra đời, vì chưa đến lúc làm Phật, nên ngài vẫn ở cung trời Đâu Suất. Phật và Bồ-tát xuất hiện ở đâu, làm gì lợi lạc cho chúng sanh, các Ngài mới hiện thân trên cuộc đời. Các vị Thánh La-hán xuất hiện chỗ này, biến mất chỗ kia cũng là lý này.
Giai đoạn hai là học hết và biết rồi, cần phải nương theo kinh nghiệm của người trước mà tu tạo đức hạnh cho mình. Nhớ câu chuyện Tây du, Đạt Ma Sư Tổ cho Tề Thiên cái ghè ống nhổ bảo đổ chỗ nào không trời không đất. Làm gì có chỗ nào mà không có trời không có đất, Tề Thiên liền uống ghè ống nhổ. Điều này có ý nghĩa triết học rất sâu sắc. Ghè ống nhổ là gì. Người trước nhổ ra là kinh của Phật, ghè ống nhổ của Thánh, của Tổ là luận, thì đem hết kinh luận vô bụng chúng ta. Kinh Pháp hoa diễn tả ý này rằng Dược Vương Bồ-tát uống dầu thơm. Dầu thơm là tư tưởng cao thượng, hành động đáng quý của người trước. Học hết những gì đáng quý của tiền nhân, dùng mỹ từ là uống dầu thơm tiêu biểu cho đức hạnh. Ở chỗ khác diễn tả rằng không có hương thơm nào bay ngược gió, chỉ có hương đức hạnh ngược gió bay xa.
Đem được hương đức hạnh của người trước vô mình thì việc làm đạo dễ dàng. Thật vậy, khi thầy có độ cảm Phật cao, người trông thấy sanh tâm kính trọng thầy; nhưng nếu quên Phật, chạy theo trần thế vui buồn, người ta sẽ không theo, vì vậy có lúc làm được, lúc mất hết.
Có câu chuyện hai ông tiểu ở chùa, ban đầu đem kinh tụng, nên được hai ông Hộ pháp đứng hầu hai bên. Nhưng tụng kinh xong, hai ông tán gẫu, Hộ pháp bỏ đi thì ác ma kéo tới. Vì các vị Hộ pháp có nguyện hộ trì Chánh pháp Phật, nên chúng ta tụng kinh, tâm hướng đến Phật, họ đến giữ gìn; nhưng không tụng kinh, tâm nghĩ sai lầm, ác ma kéo tới. Có người thưa với thầy rằng khi họ làm ăn thua lỗ, bị người bạn dụ bảo đem nhà cầm ngân hàng để lấy tiền làm lại cuộc đời. Nghe lời đó, cầm nhà và làm ăn bị mất trắng; vì người này nghĩ làm sao kiếm nhiều tiền là không thực tế. Phật dạy phước tới đâu hưởng tới đó.
Khi thầy học ở Nhật, chỉ xài 70 đô mỗi tháng, không cho phép xài vượt mức này. Nếu thích sống cao đến 100 đô thì phải mắc nợ và tự chuốc lấy phiền não. Các bạn sinh viên bảo thầy tu thì để thầy tu, không rủ thầy đi chơi. Còn bạn khác bị rủ đi chơi, xài hết tiền, đến vay thầy. Thầy nói có tiền nhưng không cho mượn, vì một đêm mà anh xài hết 100 đô, đưa thêm cho anh thì thấm vào đâu, làm sao đưa được. Chỉ có chút xíu trí tuệ là mình sáng ra, không nghe lời xúi bẩy. Nếu khởi ý niệm xấu, ác ma tự kéo tới dụ dỗ, cuối cùng mình lọt vào bẫy của nó, không có lối thoát, gọi là quỷ dẫn lối, ma đưa đường. Chúng ta cố tránh bằng cách đọc tụng kinh, tâm sáng lần, biết được đúng sai.
Vượt qua giai đoạn một, gom kinh luật để vô lòng, lòng chúng ta sáng là suy nghĩ của chúng ta tương đối chính xác. Nếu còn tham vọng, không thể thấy biết chính xác. Năm 1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo giao cho thầy đến động viên Hòa thượng Trí Tịnh tham gia đấu tranh. Hòa thượng nói đơn giản rằng ông có nghĩ mình thương chúng sanh hơn Phật, Bồ-tát hay không. Đương nhiên Phật và Bồ-tát thương chúng sanh hơn, nhưng các Ngài không cứu là chưa phải lúc.
Người có trí tuệ nhìn sự việc chính xác. Mình bực tức và nhiều ham muốn thì không thể thấy biết đúng đắn, lại còn bị kích động sanh tâm bực tức hơn thì cái thấy càng không chính xác. Lúc tranh đấu, có bạn rủ thầy tự thiêu, nhưng may mắn gặp Hòa thượng khai thị rằng thầy tự thiêu thì được gì. Thầy còn sống còn làm được cho đạo, thầy chết không được gì mà đạo cũng không được lợi lạc. Hòa thượng Quảng Đức tự thiêu thì tốt, nhưng thầy không nên tự thiêu, còn nhỏ phải đi học để sau này làm được việc cho đạo. Nhờ thiện tri thức khai ngộ, thầy sáng ra.
Bước thứ hai, bình tĩnh, sáng suốt, thấy việc lợi mình và lợi cho người thì làm, như vậy vượt qua cám dỗ và lấy kinh nghiệm của người trước mà tự quyết định đúng đắn việc của mình.
Qua giai đoạn ba cao hơn là đắc đạo. Hòa thượng Trí Tịnh khai ngộ rằng khi nào các thầy hỏi mà ngài suy nghĩ, trả lời thì chỉ đúng 40%, không suy nghĩ mà trả lời thì chính xác đến 70%, 80%, vì tâm hoàn toàn thanh tịnh và trí tuệ vô lậu phát sanh. Hòa thượng không rời chùa, vì ở chùa, ngài thấy yên, trụ tâm được. Ra ngoài thì bất an, có thể bị cuốn theo vòng xoáy cuộc sống.
Tóm lại, để vượt qua cám dỗ, cần học hiểu thấu đáo hành trạng của Phật, Bồ-tát, Thánh Tăng để rút kinh nghiệm, lấy đó làm hành trang cho việc tu hành của mình. Từ học ở sách vở và có suy tư yếu nghĩa giúp ta có hiểu biết tương đối đúng. Sau cùng tu hành có được trực giác thì quyết định mọi việc chính xác hơn. Cầu cho tất cả đệ tử Phật tâm an, trí sáng và làm được nhiều việc có ý nghĩa làm sáng danh đạo pháp, làm lợi ích cho đời.
Tác giả bài viết: HT Thích Trí Quảng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự