Hỏi: Kính bạch thầy, con có cha mẹ già, nhưng ông bà không tin Phật pháp và cũng không biết tu hành. Nay con muốn khuyên cho cha mẹ con lo tu hành để mai sau ông bà gặp Phật pháp tu hành để khỏi phải đau khổ. Nhưng con không biết phải khuyên và làm như thế nào cho cha mẹ con tin và nghe theo. Kính xin thầy hoan hỷ chỉ cách thức cho con. Kính cám ơn thầy.
Đáp: Qua câu hỏi của Phật tử, chúng tôi biết Phật tử là người con có hiếu. Phật tử đã hết lòng tin tưởng Phật pháp và cũng đã có ứng dụng tu hành thấy có lợi ích thiết thiệt trong đời sống, nên mới phát tâm muốn cho cha mẹ của mình cũng được tin tưởng Phật pháp để tu hành được lợi ích như mình. Nhưng không biết phải khuyên cha mẹ bằng cách nào để cho cha mẹ được tin tưởng và làm theo.
Vấn đề nầy, thiết nghĩ, Phật tử không nên nóng vội gấp gáp lắm. Bởi vì khuyên một người phát tín tâm nơi Tam bảo, phải tùy thời tùy cơ. Và nhất là phải tự người đó ý thức tin tưởng thì mới tốt. Còn vấn đề khuyên bảo thì phải xem căn tánh của người đó như thế nào mới được. Và cần phải hợp thời đúng lúc, thì họ mới phát khởi tín tâm. Đối với một người mà họ không có niềm tin nơi Tam bảo, mà khuyên bảo họ phải tin, điều đó là trái với tôn chỉ chủ trương của đạo Phật. Bởi đạo Phật rất tôn trọng quyền tự do quyết định của mỗi người. Nhất là đối với sự đặt định niềm tin. Đức Phật không bao giờ bắt buộc ai phải tin theo Ngài cả. Đức Phật chỉ trình bày giáo lý qua sự kinh nghiệm thân chứng của Ngài, rồi để mọi người tự do chọn lựa quyết định lấy. Trường hợp của ông bà như lời Phật tử nói, thì có lẽ đời trước ông bà không có gây tạo nhân duyên với Phật pháp. Hoặc là có gây nhưng nhân duyên có thể đến muộn.
Tuy rằng, hiện tại ông bà không tin Phật pháp, nhưng ông bà không có gây tạo nghiệp ác, thì cũng tốt chớ có sao đâu. Chúng ta phải tôn trọng niềm tin của mỗi người. Phật tử nên biết, mỗi người có mỗi biệt nghiệp và cá tánh khác nhau. Đó là do sự huân tập của mỗi hoàn cảnh môi trường sống khác nhau. Mình không thể bắt người ta phải tin theo những gì như ý mình muốn. Ông bà không tin mà Phật tử muốn cho họ phải tin tưởng Phật pháp ngay, thật là cả một vấn đề nan giải khó khăn. Nếu không khéo, coi chừng phản tác dụng và làm cho ông bà lại có thêm ác cảm với Tam bảo. Điều đó càng gây thêm tai hại tội lỗi cho ông bà. Chuyện gì cũng phải từ từ, nhất là chuyện chuyên sâu về đời sống tâm linh. Đây là vấn đề tối ư hệ trọng, vì nó quyết định lý tưởng cho cả một đời người. Vì vậy, nên cần phải có yếu tố thời gian. Tôi thành thật khuyên Phật tử không nên vội gấp lắm.
Dựa vào câu hỏi của Phật tử, tôi nghĩ, ông bà tuy có theo truyền thống đạo Phật, nhưng đối với Phật pháp thì ông bà chưa có phát khởi tín tâm thôi. Chưa phát khởi tín tâm, chớ không có ý kích bác chê bai Phật pháp. Có thể vì một lý do nào đó mà ông bà chưa tin tưởng vào Phật pháp. Vì Phật tử không có trình bày rõ về lý do ông bà không tin, nên chúng tôi cũng khó mà trả lời góp ý cho xác đáng. Nếu xét về nguyên nhân quá khứ, thì hạt giống Phật pháp của ông bà có thể rất là yếu kém. Chính vì thế, nên niềm tin Tam bảo của ông bà chưa có cơ hội phát triển. Tuy không phải là hạt giống ngoại đạo hẳn, nhưng đối với Tam bảo thì ông bà không có niềm tin.
Vấn đề nầy, tuy có phần nan giải, nhưng tôi cũng xin cố gắng góp chút thành ý qua thiển nghĩ của chúng tôi. Rồi tùy ý Phật tử suy xét mà quyết định lấy. Theo tôi, nhân tố quan trọng trước tiên chính là Phật tử. Một mặt, Phật tử phải tỏ ra là nguời con có hiếu, khéo biết vâng lời cha mẹ. Mặt khác, Phật tử nên biểu lộ tấm lòng niềm tin Phật pháp cho ông bà thấy rõ. Việc biểu lộ lòng thành nầy có nhiều phương cách. Nhưng phương cách tốt nhất, nếu như Phật tử còn chung sống với cha mẹ, thì Phật tử nên chọn thời gian nào đó thích hợp, rồi Phật tử mở những đĩa băng kinh do chư Tôn đức Tăng, Ni thuyết giảng. Phật tử mở để Phật tử nghe, nhưng với thâm ý là cũng muốn cho ông bà nghe nữa. Nên nhớ là chỉ mở những băng kinh nào có tác dụng thiết thực trong đời sống. Nghĩa là những bài giảng dễ hiểu và mang tính nhân quả thực tế nhiều hơn.
Đó là phương cách để gieo hạt giống Phật pháp vào trong tâm điền của ông bà. Nhờ sự huân tập đó mà hạt giống Phật pháp của ông bà sẽ tăng trưởng dần, hy vọng một ngày nào đó ông bà sẽ có được niềm tin Phật pháp. Như Phật tử đã biết, thường người ta có gặp hoạn họa gì đó, thì họ mới chịu thức tỉnh hồi đầu. Sách có câu: “Nhơn vô hoạn họa bất hồi đầu”. Đó cũng là một tâm lý thường tình và cũng là một cơ duyên tốt. Mong rằng, khi ông bà nghe thắm hiểu được Phật pháp, chừng đó biết đâu ông bà sẽ phát tín tâm mạnh mẽ hơn Phật tử nữa không chừng. Nhưng điều quan trọng, là Phật tử phải để tâm theo dõi hành động và khuynh hướng nếp nghĩ của ông bà. Xem họ có khuynh hướng ý nghĩ gì và hành động của họ như thế nào trong khi nghe qua Phật pháp.
Đó cũng là cách mà Phật tử tìm thời cơ để đánh mạnh vào tâm thức của ông bà. Đồng thời Phật tử nên khéo léo nhẫn nại chịu đựng một khi ông bà có phản đối la rầy. Vì việc làm của Phật tử có chủ đích, nên cố gắng khắc phục mọi việc và nhất là đừng bao giờ tỏ ra khuyên lơn như có vẻ ta đây dạy khôn ông bà. Lựa thời cơ chín muồi, thì Phật tử có thể thỉnh một vị Tăng, Ni nào đó, đến để làm quen và khuyên giải khai thị cho ông bà. Phật tử thử áp dụng như thế xem sao. Sách nho có câu: “Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”. Mình cứ làm hết sức mình, còn lại là phần nghiệp quả của mỗi người. Vì chính đức Phật còn có “tam năng tam bất năng”, nói chi đến hàng phàm phu tục tử như chúng ta.
Kính chúc Phật tử chóng đạt thành công theo ý nguyện.