Tôi không có đủ trình độ để làm những nghề càng làm càng có phước như thầy thuốc, thầy giáo, chỉ mong làm nghề nuôi sống gia đình và không mang tội nên tôi muốn hỏi, nghề làm bánh ngọt này có tà mạng, có phạm tội gây bệnh tiểu đường cho người dùng không? Nếu không thì nghề này có phước gì không? (KHANG AN, hungkhang...@gmail.com)
Bạn Khang An thân mến!
Về các nghề tà mạng, Đức Phật dạy: “Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm. Thế nào là năm? Buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. Có năm nghề buôn bán này, này các Tỷ-kheo, một nam cư sĩ không nên làm” (Kinh Tăng chi bộ, chương 5, phẩm Nam cư sĩ, phần Người buôn bán).
Đây là nguyên văn lời Đức Phật dạy cho người cư sĩ về những nghề không nên làm trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Ngày nay chúng ta có thể nhận thức linh động hơn như: Không buôn bán đao kiếm (không buôn bán các loại vũ khí), không buôn bán người (không buôn bán nô lệ, không tham gia vào các loại hình mại dâm), không buôn bán thịt (không làm nghề đồ tể, vì ngày xưa người bán thịt kiêm luôn giết mổ), không buôn bán rượu (không buôn bán các chất gây say, nghiện như rượu bia, ma túy), không buôn bán thuốc độc (ngoài việc không buôn bán các loại thuốc độc, còn có các hành vi đưa các chất gây ngộ độc và có hại cho người tiêu dùng vào thực phẩm vì lợi nhuận).
Riêng nghề sản xuất và kinh doanh bánh ngọt, đây là nghề nghiệp có từ lâu đời, nếu người sản xuất tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành, là một nghề chánh mạng, đúng đắn và nên làm. Luận về mối liên hệ trách nhiệm giữa người sản xuất và tiêu dùng bánh ngọt để gây ra bệnh tiểu đường, chủ yếu là do nhận thức của người tiêu dùng chứ không phải do lỗi của người sản xuất. Bởi bánh ngọt là thực phẩm, có lợi ích cho sức khỏe nếu dùng đúng lượng và phù hợp với thể trạng. Trong trường hợp dùng sai cách và không phù hợp với thể trạng thì các loại thực phẩm nói chung đều không có lợi cho sức khỏe. Ngay cả các loại thuốc chữa bệnh hoặc thuốc bổ, dù tốt đến mấy cũng đều có tác dụng phụ, có thể gây biến chứng hoặc sinh ra các bệnh khác nếu sử dụng không đúng.
Mặt khác, bạn nghĩ “những nghề càng làm càng có phước như thầy thuốc, thầy giáo” cũng chưa hẳn đúng. Thầy thuốc mà sơ suất cũng có thể làm chết người; thầy giáo mà sai lầm, tà kiến cũng có thể làm hư cả một thế hệ. Nói chung, nghề nào cũng có nghiệp nấy. Nên làm bất cứ nghề nào cũng cần có thiện tâm, luôn hướng đến lợi ích cho mình và người, trong hiện tại và cả vị lai thì mới bền vững và được phước.
Vì thế, bạn hãy yên tâm với kế hoạch sản xuất và kinh doanh bánh ngọt của mình. Mưu sinh bằng nghề nghiệp này là chánh mạng, được pháp luật cho phép, và không hề phạm tội gây bệnh tiểu đường cho người tiêu dùng. Còn người nào lạm dụng các thực phẩm có nhiều đường dẫn đến mang bệnh liên quan đến rối loạn đường huyết là do ý thức tiêu dùng của chính họ. Trong đời sống hiện đại, các thực phẩm ăn uống rất đa dạng, dồi dào, người tiêu dùng cần cân nhắc, lựa chọn những thực phẩm phù hợp với thể trạng của mình để nâng cao sức khỏe. Người xưa đã đúc kết kinh nghiệm quý báu “bệnh tùng khẩu nhập” (bệnh từ nơi ăn uống mà vào) để cảnh tỉnh chúng ta có ý thức trong ăn uống nhằm nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.
Đối với vấn đề nghề làm bánh có tạo ra phước đức hay không? Như đã nói, người sản xuất bằng trí tuệ, công sức và lương tâm làm ra một sản phẩm đạt chuẩn là đã góp phần đa dạng hóa thị trường, tạo ra các việc làm, nộp thuế cho xã hội, phục vụ cộng đồng, cuối cùng là lợi ích cho bản thân và gia đình. Làm được như vậy chính là đã tạo ra phước đức.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự