Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.
Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm về đạo nghĩa vợ chồng:
- Này gia chủ, có năm cách người chồng phải đối xử với người vợ: Kính trọng vợ, không bất kính đối với vợ, trung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ.
Này gia chủ, được chồng đối xử như vậy, người vợ có lòng thương tưởng chồng theo năm cách: Thi hành tốt bổn phận của mình, khéo tiếp đón bà con, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.
Này gia chủ, người vợ được chồng đối xử theo năm cách và người vợ tỏ lòng thương tưởng chồng theo năm cách như vậy gia đình sẽ an ổn và thoát khỏi các sợ hãi.
(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [lược], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.543)
Lời bàn:
Trong lễ thành hôn, người ta thường chúc nhau trăm năm hạnh phúc, mong cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau đến ngày đầu bạc răng long. Sở dĩ ai cũng mong cầu hạnh phúc vì điều ấy tuy có đấy nhưng khó đạt được. Mỗi người phải phấn đấu và nỗ lực không ngừng để kiện toàn tự thân thì mới có thể hy vọng tạo dựng hạnh phúc hôn nhân bền vững, lâu dài. Ngoài tình yêu, hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc, mỗi người phải làm tròn bổn phận làm vợ, làm chồng của mình.
Theo Thế Tôn, một người chồng tốt, trước hết phải kính trọng người bạn đời của mình. Nguyên tắc này, ngày nay chúng ta thấy bình thường nhưng ở thời đại của Thế Tôn, nhất là trong một xã hội cổ đại trọng nam khinh nữ, khi phụ nữ là “ngọn đuốc sáng soi đường đến địa ngục” thì phải kính trọng vợ là điều hết sức cách mạng. Không chỉ tôn trọng mà người chồng còn phải chung thủy, tin tưởng hoàn toàn nơi người bạn đời; và điều quan trọng là tất cả những tính cách tốt đẹp ấy của người chồng phải được biểu hiện ra bằng hành động cụ thể săn sóc, ân cần.
Trong lễ thành hôn, người ta thường chúc nhau trăm năm hạnh phúc, mong cho đôi vợ chồng trẻ sống với nhau đến ngày đầu bạc răng long.
Cùng với người chồng tốt, người vợ phải thực sự ngoan hiền, chung thủy, đảm đang và tháo vát. Mặc dù phụ nữ thời nay có thể nói bình đẳng hoàn toàn với nam giới trên mọi phương diện song không ai trong gia đình có thể đảm nhiệm tốt vai trò “nội tướng” hơn người vợ, người mẹ. Thực hiện tốt vai trò này, người vợ đã góp phần cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng sự ổn định, phát triển vững chắc cho gia đình.
Thế Tôn đã khẳng định, nếu vợ chồng biết chung sống với đầy đủ trách nhiệm và bổn phận theo năm cách đã nói ở trên thì chắc chắn sẽ đạt được hạnh phúc. Đây cũng là điều mà mỗi người con Phật cần suy gẫm, thực hành trong đời sống hôn nhân để xây dựng gia đình hạnh phúc.
Trích "Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya" - HT. Thích Quảng Tánh