Hỏi: Tôi được biết trong kinh Châu báu có nói đến việc Đức Phật đã hóa giải dịch bệnh thành công ở thành Tỳ-xá-ly (Vesali), giúp dân chúng xứ này thoát khỏi tai ách và dịch bệnh. Liên hệ với đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay, người Phật tử có thể ứng dụng điều gì từ kinh Châu báu để hóa giải dịch bệnh?
(DIỆU THÁI, tndthai…@gmail.com)
Bạn Diệu Thái thân mến!
Kinh Châu báu (thuộc Tiểu bộ kinh) là một trong những bản kinh cầu an nổi tiếng trong truyền thống Phật giáo Theravada. Duyên khởi để Đức Phật nói kinh Châu báu như sau:
“Lúc Đức Phật đang trú tại tinh xá Trúc Lâm (Veluvana), thành Vương Xá (Rajagaha), xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), bấy giờ nhân dân thành Vesali (Tỳ-xá-ly), kinh đô xứ Vajji (Bạt-kỳ) chịu một lúc cả ba tai ương: Đó là nạn đói hoành hành, nạn ma quỷ (Phi nhơn, Dạ xoa…) quấy phá, và bị bệnh dịch lây lan khiến cho rất nhiều người chết.
Bộ tộc Licchavi - những người cai trị xứ Vajji sau khi đã nỗ lực cùng toàn dân chống dịch bệnh, diệt tai ách mà kết quả không mấy khả quan, người chết ngày càng nhiều, nhà nhà đều đóng cửa, tử khí tanh hôi trùm khắp… liền gửi một phái bộ đến Magadha thỉnh cầu Đức Phật về Vesali để cứu giúp, giải trừ tai ương dịch bệnh.
Khi Đức Phật và chư Tăng đến thành Vesali, Ngài quán sát biết rõ tai ương này do các loài Phi nhơn tạo ra. Đức Phật liền nói kinh Châu báu, bảo Tôn giả Ananda cùng chư Tăng ghi nhớ rồi đi vòng quanh thành phố, vừa đi vừa rải nước chứa trong bình bát và đọc tụng bài kinh này.
Nhờ sự tán thán ân đức Tam bảo với những lời chân thật đã khiến cho chư Thiên hoan hỷ và các Phi nhơn cũng được hoan hỷ. Hơn nữa, nhờ uy lực của Đức Phật, uy quang của Giáo pháp, uy đức của Tăng chúng đã thuần phục được các loài Phi nhơn, khiến cho chúng phần lớn bỏ chạy hoặc không hiện ra để quấy nhiễu dân chúng thành Vesali nữa”
Theo chú giải, dân chúng thành Vesali bấy giờ bị đến ba tai ách. Nạn đói có nguyên nhân sâu xa từ đường lối sai lầm của những người lãnh đạo thuộc bộ tộc Licchavi. Nạn ma quỷ quấy phá do bấy giờ đạo đức của dân chúng Vesali bị xuống cấp (không giữ giới) nên chư Thiên và các vị thiện thần không ủng hộ, bảo vệ. Vì thế Phi nhơn thừa cơ hội xâm nhập quấy nhiễu, gây bệnh tật. Khi số lượng người chết tăng lên không kịp chôn cất, quăng bỏ bên ngoài thành phố, các loài Dạ-xoa kéo đến ăn xác chết, tử khí bao trùm, dịch bệnh lan truyền nhanh chóng, khiến người chết nhiều hơn.
Điểm cần chú ý trong kinh Châu báu là, Đức Phật xác định nguyên nhân chính gây tai ách và dịch bệnh cho Vesali là do loài Phi nhơn gây ra. Vì vậy Thế Tôn dạy Tôn giả Ananda xưng tán ân đức Tam bảo. Nhờ oai lực Tam bảo mà chư Thiên hoan hỷ hộ trì, nhiếp phục loài Phi nhơn không bức hại và quấy nhiễu dân chúng Vesali nữa. Kế đến, vua trời Đế Thích cũng hoan hỷ hộ trì làm mưa lớn rửa sạch thành phố Vesali khiến cho dịch bệnh chấm dứt.
Liên hệ đến đại dịch Covid-19 hiện nay, điều người Phật tử cần học theo Đức Phật trong kinh Châu báu là xác định đúng nguyên nhân. Không xác định đúng nguyên nhân thì sẽ không hóa giải được dịch bệnh. Nguyên nhân của dịch bệnh hiện nay do virus Corona - với các biến thể gây ra thì tiêm vắc-xin và tuân thủ các nguyên tắc an toàn (5K) của ngành y tế cùng các chỉ đạo của Nhà nước để phòng chống dịch chính là liệu pháp hóa giải dịch bệnh đúng đắn nhất.
Điều lưu tâm tiếp theo mà hàng Phật tử có thể rút ra từ kinh Châu báu đó là giáo lý nghiệp, nhất là cộng nghiệp. Theo thuyết nghiệp của Phật giáo thì mọi biểu hiện bất lợi (thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh) đe dọa sự sống của cá nhân và cộng đồng có liên hệ mật thiết với đạo đức. Khi đạo đức bị sa sút thì phước báo bị suy giảm, khi phước đã cạn thì tai họa sẽ phát sinh. Do vậy, cần thức tỉnh để trau dồi đạo đức (giữ giới) nhằm nâng cao phước báo mới có thể mong cầu bình an.
Tóm lại, kinh Châu báu mặc dù rất linh thiêng trong việc cầu an nhưng cần vận dụng linh hoạt, nhất là trong trường hợp bị Phi nhơn quấy phá. Với đại dịch Covid-19 hiện nay, người Phật tử nên tuân thủ phòng trị bệnh theo y học, kết hợp với trì tụng kinh Châu báu lại càng hay.
Chúc bạn tinh tấn!
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự