Đức Phật đã giác ngộ, thấy rõ nguyên nhân sâu xa của mọi nỗi khổ niềm đau trên thế gian, thấy rõ con đường giải khổ, tận trừ căn nguyên của khổ để có được nguồn chân hạnh phúc. Con đường đó khác với các con đường mà xưa nay thế gian đã trải qua, khác với những gì mà nhân loại đã từng làm. Mục tiêu cuối cùng mà đạo Phật hướng đến là giác ngộ, giải thoát. Muốn đạt đến mục tiêu này phải nhận ra con đường giải thoát và tự thân thực chứng con đường giải thoát đó.
Từ thiện - bố thí chỉ là một phần nhỏ trong hành trình tu tập để đạt mục tiêu giác ngộ, giải thoát nói trên, tức chỉ là một phần của pháp hành Bồ-tát (Bồ-tát đạo), là Lục độ. Ngoài bố thí, Lục độ còn có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Vì thế, chỉ bố thí mà thôi thì không hình thành nên Bồ-tát đạo.
Người hành pháp bố thí không chỉ dừng lại ở tài thí (bố thí, cúng dường, chia sẻ vật chất), mà nhất định phải tiến xa hơn là hành pháp thí, vô úy thí. Vì tài thí chỉ có giá trị cứu giúp tạm thời những khó khăn về vật chất, giải quyết nỗi đau về thể xác (đói, lạnh, bệnh tật...) và đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người ở cấp độ thô, vơi bớt lo lắng và phiền muộn. Pháp thí và vô úy thí mới có năng lực giúp giải quyết những nỗi khổ tinh thần ở mọi cấp độ từ thấp tới cao, từ thô cho đến tế, và quan trọng hơn hết là diệt trừ tận gốc mọi khổ đau. Tuy nhiên, khi hành pháp từ thiện - bố thí phải có trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ trong đó. Điều này hết sức quan trọng nếu muốn thành tựu các pháp lành và tiến xa trên con đường tu tập giải thoát.
Vì không xác định rõ mục đích cứu cánh của đạo Phật, không biết tường tận pháp hành trọng yếu mà Đức Phật đã chỉ dạy, từ lâu có rất nhiều người ngộ nhận mục đích của đạo Phật chỉ là vỗ về, an ủi, giúp đỡ con người vượt qua nỗi khổ niềm đau trước mắt như nghèo khó, thiếu áo đói cơm, tai nạn bệnh tật, chết chóc v.v… Con đường đạo Phật không dừng ở đây. Mục đích của đạo Phật là chấm dứt vĩnh viễn những nỗi khổ đó, nhổ tận gốc rễ, nguyên nhân sinh ra những nỗi khổ đó. Đạo Phật tuyệt đối không phải là liều thuốc an thần hay liều thuốc tê mang tính tạm thời, cũng không phải là phương pháp trị liệu các căn bệnh chưa rõ nguyên nhân.
Chính vì không hiểu biết rõ về đạo Phật mà người ta xem đạo Phật cũng như những tôn giáo, đạo giáo khác và cho rằng: “Đạo nào cũng tốt”, “Đạo nào cũng dạy sống thiện làm lành” trong khi quan niệm đạo đức, giáo lý và nội dung hành trì, con đường thể nghiệm của đạo Phật khác xa với các tôn giáo, đạo giáo khác, các truyền thống tu tập, tín ngưỡng khác v.v… Hiểu chưa đúng về đạo Phật, người ta tự giới hạn mình, con đường hướng thượng chỉ dừng lại ở chỗ từ thiện-bố thí.
Trong đạo Phật, từ bi phải đi cùng trí tuệ, có nghĩa là từ bi không phải là thứ tình thương thiếu lý trí, không phải là thứ tình thương xây dựng trên cơ sở cảm tính, lấy bản ngã làm trung tâm. Nếu không có trí tuệ thì không có từ bi đích thực. Và từ bi trong đạo Phật là tình thương không phân biệt, không vị kỷ, là tình thương vô điều kiện, không có sự tính toán, mưu cầu, vụ lợi. Vì thế từ bi của đạo Phật khác với tình thương hay tình nhân ái của thế gian.
Nói theo Lục độ, pháp hành của Bồ-tát hay con đường hướng thượng để trở thành bậc thượng nhân, thánh nhân, nếu không có 5 độ còn lại (trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ) thì từ thiện-bố thí không phải là hành động từ bi thật sự của đạo Phật. Chính vì thế, trong khi hành pháp bố thí, người tu học Phật phải có trí tuệ, phải có đạo đức (giới), phải có hạnh nhẫn nhục, tinh tấn và công phu thiền định (có chánh niệm tỉnh giác, có khả năng làm chủ cảm xúc, hành vi; làm chủ những tham muốn, dục vọng liên quan đến danh tiếng, địa vị, tiền bạc của cải, các thú vui hưởng thụ...; không có tâm nhân-ngã, bỉ-thử, thị phi).
Nếu không có tinh thần vô ngã, không có tinh thần “tam luân không tịch” (không thấy người cho, không thấy vật đem cho và không thấy cả người nhận) khi từ thiện-bố thí thì không khéo càng làm, bản ngã càng thêm lớn, cái tôi cứ to ra, tâm kiêu mạn thêm nhiều, phiền não cũng từ đó mà phát sinh.
Nếu không có nhẫn nhục, tinh tấn thì dễ thối chí nản lòng khi gặp phải những khó khăn trở ngại, gian nan khó nhọc trong quá trình hành thiện. Không có trí tuệ, không có trì giới, nhẫn nhục thì sân, si dễ phát sinh và có những ứng xử không phù hợp với con người và hoàn cảnh bất như ý mà mình tiếp xúc. Không có thiền định, trí tuệ thì không có những giải pháp tốt, không có những phương án hay trong quá trình từ thiện.
Phân tích, dẫn chứng cụ thể một vài điểm nổi bật như thế, chứ kỳ thực các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ đều cần có cho nhau, chúng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, và điều quan trọng muốn nói ở đây là pháp từ thiện-bố thí cần phải kết hợp với 5 pháp còn lại trong Lục độ ba-la-mật, đó mới thật sự là hành pháp bố thí trong Phật pháp.
Bố thí - từ thiện là một pháp hành mà khi thực hiện, chúng ta tu tập luôn cả các pháp hành khác nhằm hướng đến mục đích trau dồi tâm giải thoát và tuệ giải thoát, bên cạnh việc trang nghiêm phước báo tự thân. Phước báo giúp chúng sinh nuôi lớn căn lành, tăng trưởng thiện duyên, gặp nhiều điều kiện tốt đẹp, thuận lợi cho đời sống cũng như trong tu tập và hành đạo. Còn tâm giải thoát và tuệ giải thoát giúp chúng sinh vĩnh viễn thoát khỏi phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử, và cho dù còn ở tại cõi thế gian này cũng không rơi vào vòng lẩn quẩn khổ-vui của thế tục. Tâm giải thoát và tuệ giải thoát mới chính là mục tiêu quan trọng nhất mà người tu học Phật pháp cần hướng đến.
Hơn ba mươi năm trước, khi mới tìm hiểu đạo Phật tôi đã từng tự hỏi: Vì sao Đức Phật không dùng thần thông để di chuyển cho nhanh, hoặc Ngài phân thân biến hóa, đến được nhiều nơi để độ được nhiều người, mà Ngài lại đi bộ từng bước chậm rãi từ nơi này đến nơi khác? (Đức Phật có thần túc thông, Ngài có thể biến hiện đến bất cứ nơi đâu trong khoảng thời gian co duỗi cánh tay, Ngài cũng có thể phân thân biến hóa thành nhiều thân tướng).
Nếu dùng thần thông, Ngài có thể sử dụng thời gian trong một ngày để làm được nhiều việc hơn, đồng thời cũng không vất vả cho Ngài, không tốn nhiều công sức, người ta cũng ngưỡng mộ, sùng bái và quy y Ngài nhiều hơn? Vì sao Đức Phật không dùng uy tín, danh dự dòng tộc vương giả của mình để vận động xây thật nhiều tinh xá, tạo thật nhiều tượng, thành lập cơ sở hoằng pháp, từ thiện khắp nơi? Sao Ngài không mượn quyền lực chính trị của vua cha, của triều đình để trấn áp ngoại đạo, tà giáo? Sao Ngài không làm một vị thái tử và về sau trở thành một vị Chuyển luân thánh vương như những lời tiên tri để dùng quyền lực chính trị và sức mạnh tài chính làm các việc từ thiện, thiện nguyện giúp ích cho đời? Về sau, tôi đã tìm được đáp án cho những câu hỏi đó, những câu hỏi của người chưa hiểu đạo đã quen với nhận thức, tư duy thông thường.
Từ bi trong đạo Phật khác với tình thương của thế tục. Trí tuệ trong đạo Phật khác với trí tuệ của thế gian. Sự giác ngộ, giải thoát trong đạo Phật khác với sự giác ngộ, giải thoát theo quan niệm của thế gian và các tôn giáo khác. An lạc hạnh phúc thường nghe nói đến trong đạo Phật không phải là loại hạnh phúc như thế gian thường nghĩ, hằng truy cầu, và con đường đi tìm hạnh phúc ấy không phải là con đường mà thế gian xưa nay đi. Nếu chẳng như thế thì Đức Phật đã không ra đi tìm đạo, không tu hành và không truyền bá giáo pháp để hóa độ chúng sinh. Nếu chẳng như thế thì đã không có đạo Phật.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự