Tu pháp gì để giải trừ dịch bệnh?

Thứ tư - 23/06/2021 22:18
Với các tín đồ Phật giáo, ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng trị bệnh theo y học, gia tâm tu tập và cầu nguyện để tăng phước mong vượt qua dịch bệnh là điều nên làm.
Tu pháp gì để giải trừ dịch bệnh?

Hỏi: Hiện dịch bệnh đang bùng phát, tôi có nguyện vọng kính xin chư tôn đức Tăng Ni khuyến tấn các Phật tử cả nước cùng hợp lực trì chú Đại bi, niệm Phật cầu dịch bệnh nhanh chóng tiêu trừ. Nguyện vọng của tôi như vậy có đúng Chánh pháp không? Nên tu pháp gì để giải trừ dịch bệnh?

(DIỆU HUYỀN, kimngan...@gmail.com)

Bạn Diệu Huyền thân mến!

Trong tình hình dịch bệnh bùng phát ở nhiều nơi, nguy cơ bị nhiễm bệnh và làm lây lan cho cộng đồng là rất cao, không thể lường trước được. Do vậy, mỗi người cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế. Tin tưởng vào y học, phát huy chánh kiến, hợp tác toàn diện với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu là ứng xử đúng đắn trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Với các tín đồ Phật giáo, ngoài việc tuân thủ các biện pháp phòng trị bệnh theo y học, gia tâm tu tập và cầu nguyện để tăng phước mong vượt qua dịch bệnh là điều nên làm. Điều quan trọng nhất, người Phật tử cần tin sâu vào thuyết Nhân quả - Nghiệp báo. Tất cả những diễn biến thuận nghịch trong đời sống con người đều không ngoài quy luật Nhân quả - Nghiệp báo này. Vì vậy cần tích phước bồi đức trong khả năng có thể, ở mọi lúc mọi nơi, phước đức sẽ nâng đỡ đời sống chúng ta.

Để tăng phước, việc đầu tiên là thành tâm sám hối những lầm lỗi mà chúng ta đã vô tình hay cố ý tạo ra trước đây. Con người vì vô minh, tham ái và sân hận nên đã tự hại, tàn hại lẫn nhau, hủy hoại môi trường sống. Hãy sám hối những tội lỗi này đồng thời nguyện không tự làm hại, không tàn hại lẫn nhau, chung tay bảo vệ môi trường.

Kế đến cần nhận rõ điều thiện và điều ác phát sinh từ nơi bản thân của mỗi người thông qua 10 nghiệp của thân, miệng và ý. Tự thân nỗ lực chuyển hóa 10 ác nghiệp (thân: giết hại, trộm cướp, tà hạnh; miệng: nói hư dối, nói thô ác, nói chia rẽ, nói dua nịnh; ý: tham lam, sân hận, si mê - tà kiến) thành mười nghiệp thiện. Nhờ chuyển hóa ác nghiệp mà phước đức ngày một tăng trưởng.

Tiếp theo, cần tìm hiểu về 10 phước nghiệp để chuyên tâm tích lũy, vun bồi.

1- Bố thí, tạo phước bằng cách thí xả tài vật.

2- Trì giới, tạo phước bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.

3- Tu tập, tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.

4- Cung kính, tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.

5- Phục vụ, tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.

6- Hồi hướng, tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.

7- Tùy hỷ, tạo phước bằng cách ca ngợi, vui thích theo công đức của người khác đã làm.

8- Thính pháp, tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, nghe những bậc thiện trí dạy bảo.

9- Thuyết pháp, tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.

10- Tri kiến chân chính, tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến.

Mười phước nghiệp này là căn bản của thiện pháp, là những việc làm thiết thực để tạo ra thiện nghiệp trong đời sống của hàng Phật tử. Khi thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, chết chóc xảy ra tràn lan là biểu hiện của nguồn phước đang bị cạn kiệt. Nên cần kêu gọi mọi người tu phước, khi phước đức được tái tạo và phục hồi thì những hiểm nguy, chướng ngại, tai ương như dịch bệnh bị đẩy lùi. Và điều này vẫn không ngoài quy luật Nhân quả-Nghiệp báo.

Vấn đề trì chú Đại bi và niệm Phật cầu dịch bệnh nhanh chóng tiêu trừ cũng là một trong những pháp tu nhưng chỉ mang tính cá nhân hay một chi phái riêng lẻ. Pháp tu có tính phổ quát cho toàn thể Phật giáo đồ trên thế giới nhằm tăng phước đó là nỗ lực thực hành 10 phước nghiệp.

Chúc bạn tinh tấn!

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây