Tiến sĩ Rinpoche Trungram Gyalwa, là người sáng lập và lãnh đạo tinh thần của Trung tâm Pháp an lành (Dharmakaya Center for Wellbeing) tại Cragsmoor, New York; Trung tâm Thế giới Hòa bình và Thống nhất ở Lâm-tỳ-ni, Nepal; và nhiều trung tâm khác trên khắp thế giới. Uyên bác về Phạn ngữ và Tây Tạng, ông nổi tiếng là người đã chuyển ngữ các kinh sách, giáo lý Phật giáo cổ xưa giúp các độc giả Tây phương đương thời có thể nghiên cứu, tìm hiểu.
Kisa Gotami là một phụ nữ trẻ sống vào thời Đức Phật tại thế. Ngày kia, đứa con một của cô chết. Cô đau đớn cùng cực vì sự việc này đến nỗi cô bắt đầu hủy hoại thân mình. Thấy thế, có người đã khuyên cô đến gặp Đức Phật. Với niềm hy vọng, mong đợi lớn lao, cô đến xin Đức Phật làm phép cho con cô sống lại.
Đức Phật không từ chối hay chấp nhận lời thỉnh cầu. Ngài chỉ nói, “Trước khi Ta có thể giúp, con phải mang đến cho ta những hạt giống cải trắng từ một gia đình chưa bao giờ có người chết”.
Kisa Gotami rất vui mừng. Cô đi từ nhà này sang nhà khác, từ thành phố này sang thành phố khác, và hỏi tất cả mọi gia đình, “Có ai trong gia đình bạn đã chết không?”. Và tất cả mọi gia đình đều trả lời có. Vì thế Kisa Gomati trở về và báo với Đức Phật rằng cô không thể tìm ra được gia đình nào không có người chết như Đức Phật yêu cầu.
Ngay lúc đó, trước mặt Đức Phật, cô bỗng nhận thức rằng cái chết là lẽ thật của cuộc sống - và cô đã trở nên giác ngộ; cô đã trở thành một A-la-hán, người đã nhìn thấy chân lý.
Cái chết là không thể tránh
Cái chết là điều không thể tránh vì nhân của nó không phải là bệnh tật hay tai nạn. Nhân của nó là sinh. Chúng ta thường nghĩ, thí dụ, rằng ung thư là nguyên nhân làm người ta tử vong. Nhưng đó chỉ là nhân giúp làm chín cái quả cuối cùng của sinh: là tử.
Chết là đề tài mà nhiều người - nhất là ở phương Tây, nhưng ở phương Đông cũng thế - tránh nói đến. Ai cũng xem cái chết là tiêu cực, không phải là cái chúng ta mong muốn, nên ta không muốn bị nhắc nhở về nó. Nhưng có tránh né cũng không ích lợi. Thực ra, chúng ta sẽ đau đớn, khổ sở hơn khi không chuẩn bị cho cái chết - không chỉ ở giây phút cận kề cái chết, mà còn ngay bây giờ, khi ta chưa chết. Nếu ta không nghĩ nhớ đến sự thật về cái chết, chất lượng cuộc sống của ta trở nên tồi tệ hơn.
Chúng ta biết một trong những sự thật về cái chết là nó không thể tránh. Nhưng chúng ta luôn nghĩ: “Đúng, không thể tránh nó, nhưng tôi còn thì giờ mà, vì tôi còn khỏe, vì tôi còn trẻ”. Đó là những lời phản biện ta luôn dùng, nhưng chúng giống như đồ che mắt. Thực ra, tuổi tác và bệnh tật không liên quan gì với cái chết. Có câu nói rằng, trong thời gian chờ một người bệnh chết, nhiều người khỏe mạnh đã chết trước rồi.
Hướng dẫn đường đi đến cuối đời
Chúng ta cần phải hiểu rằng cuộc sống có hạn định. Có bắt đầu, và có tận cùng. Không có gì hơn thế nữa. Đúng ra cuộc sống của ta ngắn dần đi trong từng khoảng khắc - không phải đo lường bằng năm tháng, mà bằng phút giây. Và không kể là ta có ý thức về điều đó hay không, nó vẫn cứ ngắn đi. Mỗi giây phút, mỗi hơi thở. Ngay cả lúc ta ngủ. Ngay cả khi ta đang làm việc thiện.
Nói chung, Phật giáo khuyên ta phải ý thức đến cái chết. Chúng ta không nên ngồi đó chờ chết. Không nên trì hoãn hoặc nghĩ rằng ta còn nhiều thời gian. Cái chết là không tránh khỏi, vậy hãy mang nó ra trước mặt ta và quán sát nó. Làm thế có thể chuyển hóa cuộc sống của ta.
Dầu không có cái chết, chúng ta cũng có lắm khổ đau. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta bị người khác làm tổn thương. Chúng ta sợ đánh mất cái gì đó. Sợ không có được cái ta muốn. Ta tranh giành với người khác vì những thứ này.
Khi hành động như thế, trong tâm ta có một sự giả định căn bản rằng ta sẽ sống rất lâu. Đó là lý do tại sao ta thấy những thứ này là quan trọng. Thực ra khi làm thế, ta tạo thêm căng thẳng, đem lại nhiều khổ đau hơn, và ta đánh mất sự an bình nội tâm.
Một cái chết lý tưởng
Nhưng nếu ta có thể quán niệm về chân lý vô thường - của cái chết và sự không chắc chắn về thời điểm ra đi của ta - thì mọi thứ khác trong đời đều trở nên không đáng kể. Cảm nhận này sẽ xảy ra một cách tự nhiên và đột nhiên. Nếu ta có thể nghĩ đến sự thật này của cái chết, trong khi đang trải qua những chấn động tình cảm, ta có thể nhận thấy rằng chúng không quan trọng. Vì không kể là chúng ta đã vất vả thế nào để có được và nắm giữ cái gì đó, chúng ta sẽ vẫn mất nó.
Chân lý này sẽ thay đổi quan điểm của ta và mang lại cho ta nhiều hạnh phúc hơn. Nó giúp chúng ta biết ơn cuộc sống mà mình đang có trước mặt - từng khoảnh khắc. Nó giúp ta hiểu rằng được sống mỗi ngày là một đặc ân.
Thiền quán về vô thường
Sự thực hành thông thường nhất liên quan đến cái chết trong Phật giáo là thiền quán về vô thường. Đó là nền tảng.
Nhưng chỉ với sự suy tư về vô thường - chưa kể đến thiền quán - cũng là chất xúc tác trên hành trình tâm linh. Hãy ngưỡng vọng Đức Phật và cuộc đời của Ngài. Chỉ sau khi nhìn thấy một người bệnh, Ngài đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh của mình. Nếu không có một sự hiểu biết về vô thường, thì không có cách gì có được sự phát triển tâm linh kỳ diệu như thế.
Đôi khi nhìn lại những tấm ảnh tôi đã chụp nhiều năm trước, tôi thường nghĩ đã có bao nhiêu người trong ảnh đã ra đi. Có người giàu, người nghèo, người là các vị thầy cao cả, nhưng tất cả đều giống nhau. Tất cả đều phải ra đi. Bạn cũng có thể đọc các sách lịch sử để nhận ra sự thật này. Hoặc bạn có thể tưởng tượng ra 100 năm sau, kể từ hôm nay và tự hỏi, “Ai là người còn sống sót?”. Có lẽ không ai. Những sự quán niệm này có thể khơi dậy ý nghĩ về vô thường.
Có nhiều cách khác nhau để thiền quán về vô thường. Như quán hơi thở. Mỗi lần bạn thở vào, mỗi lần bạn thở ra, cuộc sống của bạn ngắn dần đi. Bạn có thể trải nghiệm một cảm giác sợ hãi, nhưng như thế là bạn đã hiểu về vô thường. Bạn cũng có thể nghĩ về cuộc đời của mình thay đổi thế nào khi từ khi là em bé, thiếu niên, rồi trưởng thành. Đó là vô thường. Với mỗi đổi thay, cuộc sống của bạn ngắn đi. Sự rút ngắn của cuộc đời trong từng giây phút thực là một phương pháp thiền quán sống động về vô thường. Giờ bạn biết khoảng thời gian dài lâu đó không là một khối thời gian đông cứng. Nó thay đổi. Nó không ở cùng một chỗ hay cùng trong một trạng thái.
Tính chất vô thường cần được cảm nhận, chứ không chỉ là một sự hiểu biết sách vở. Có một câu chuyện nổi tiếng ở Tây Tạng rằng, có một thiền sư sống trong một hang động. Mỗi lần cần lấy nước, ông phải đi qua một lối nhỏ hẹp nơi có nhiều cây gai móc vào áo quần. Ông rất muốn cắt các cây đó xuống, nhưng mỗi lần, ông lại nghĩ, “Thôi, để ta hành thiền trước đã”. Đó là vì ông không biết mình có còn đủ thời gian để giác ngộ. Vì thế cuối cùng ông không cắt cành cây nào cả, nhưng ông đã tìm được chân lý cho tâm mình.
(Theo Every Day Is a Bonus, Tricycle)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự