Nếu mình nói là có trả thì cũng phải vì mình đang là phàm phu, dưới con mắt phàm tình thì mình thường nhìn trên hình tướng, vì chỉ thấy trên tướng cho nên thấy Ngài có bị đánh, có trả nghiệp rõ ràng. Nếu Ngài Mục Kiền Liên chỉ có thần thông mà chưa chứng A la hán thì khi bị ngoại đạo đánh như vậy, Ngài sẽ đau khổ, sẽ khởi niệm hận thù rồi chính niệm đó sẽ dẫn Ngài sanh đường ác. Như vậy là ngài đã trả nghiệp một cách trọn vẹn như bao nhiêu người phàm phu khác. Nhưng vì Ngài đã chứng A la hán, sạch hết lậu hoặc, giải thoát mọi khổ não, không còn thấy thân này là thật, cái đau là thật, nghiệp là thật cho nên khi nghiệp báo đến, tuy trên hình tướng là có trả, nhưng Ngài không còn khổ giống như phàm phu chúng ta, cho nên sau khi tịch thì Ngài nhập vào vô dư y Niết Bàn, an lạc giải thoát và không còn sanh tử nữa. Đó là trả mà không trả. Không trả mà trả, trả mà như không trả, đây chính là tinh thần đặc biệt trong nhà Thiền nói riêng và trong nhà Phật nói chung.
Minh họa một ví dụ cho quý vị dễ thấy, giả sử ngày xưa mình lỡ mắng chửi một người nào đó thậm tệ và khiến cho họ đau khổ tột cùng. Hôm nay, khi quả báo chín muồi, mình bị người khác chửi mắng thậm tệ lại giống như ngày xưa mình từng mắng chửi người khác. Nếu trong lúc này chúng ta chưa biết đạo lý thì sẽ rất đau khổ và buồn bực. Nhưng với người thâm nhập phần nào về đạo lý, biết rõ rằng tiếng chửi của người ấy phát ra trong khi nóng giận là nhất thời trong bất giác, họ đang mê nên nói lời thiếu chính xác thì chúng ta sẽ không chấp, không buồn và còn trở lại thương cho sự sân hận của người đó là rất khổ. Cao hơn nữa, quý vị thấy thân này là không thật, là giả tạm trong một thời gian ngắn, nghiệp mình không thật thì cái họ đang phát ra đó cũng từ một cái nghĩ không thật của họ, mình cũng không thật thì cái gì thọ báo.
Như vậy ngày xưa vì mê cho nên mình chửi họ, nay bị người khác chửi lại đó là chúng ta đang thọ báo và trả nghiệp một cách rõ ràng. Hôm nay vì biết đạo lý, khi nghe chửi, mình không thấy khổ như người mê mà còn sáng suốt biết thương người đang chửi. Như vậy trên hiện tướng thì mình có trả mà thực ra không trả gì hết, có khổ đâu mà trả.
Như vậy chính đạo thông mới có khả năng giải được nghiệp đã tạo, chính đạo thông mới có khả năng dừng được sức mạnh của nghiệp. Đạo thông là cái quan trọng, cái chính yếu mà người tu chúng ta cần phải để tâm lo tu hành. Còn thần thông thì không thể dùng nó để tránh được nghiệp đã tạo. Chính đức Phật là người đã trải qua nhiều số kiếp tu hành đạt đạo, có thần thông và Ngài thấy được rõ ràng sự lợi và hại của thần thông, thấy thần thông không quan trọng, dễ làm mê hoặc, làm chướng đạo tâm người khác nên Ngài không dạy chúng ta tu để cầu được thần thông. Đồng thời răn nhắc, ngăn cấm không cho chúng ta sử dụng thần thông. Nếu là người thực tâm học Phật thì chúng ta phải lưu tâm đến vấn đề này.
Giờ quý vị đã biết thần thông không thể giải được nghiệp, muốn giải được nghiệp thì chỉ có đạo thông, thông suốt được đạo lý. Mà rốt ráo đạo thông chính là sự giác ngộ, nhận lại tánh giác sẵn có nơi chính mỗi người chúng ta. Chỉ cần không theo những cái vọng giả thì tánh giác sẵn có sẽ hiện tiền. Chính khi tánh giác hiện tiền là chúng ta đã có được năng lực giác ngộ. Chính sức giác ngộ đó giúp mình chuyển được nghiệp và chuyển được thần thông.
Quý vị phải nhớ tánh giác đó là ngay nơi chính mình, không phải ở bất cứ chỗ nào mà phải đi cầu xin hay luyện thần thông mới có được. Thấy được cái nào là chính, cái nào là phụ như vậy thì chuyện tu hành của mình mới không bị sai lầm. Hằng ngày chúng ta ngay nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình mà tu. Thay vì ngày xưa mình nói ác, nghĩ ác, làm ác thì chịu quả báo ác. Bây giờ biết tu rồi thì sửa lại, vừa nghĩ ác thì mình không theo, không tạo ác, không có quả báo khổ. Đồng thời nên nghĩ và làm những việc lành thì chúng ta sẽ được quả báo lành và an vui. Nếu quý vị nào phát tâm tu mạnh hơn thì hằng ngày cũng ngay nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý của mình, chỉ là tùy theo duyên của cuộc sống mà tiêu dung những nghiệp cũ và không tạo thêm nghiệp mới, đó là đã dừng được nghiệp. Mà không tạo nghiệp thì không còn động lực đẩy mình đi trong sanh tử luân hồi, là dứt hết mọi khổ đau.
Như vậy, ngay ba nghiệp thân, khẩu, ý, tùy theo khả năng của mỗi người để ứng dụng tu sửa. Sửa ngay nơi chính mình thì đó là chúng ta đang tu hành thiết thực chứ không cần phải mong cầu một cái gì xa xôi, ảo huyền thần thông nào cả. Vì chúng chỉ là cái phụ, không giải quyết được nghiệp của mình. Còn ngay nơi ba nghiệp mà tu sửa được thì chuyển được nghiệp. Chuyển được nghiệp thì không cần phải có thần thông, chỉ là phàm phu chay như mình mà biết tu thì cũng chuyển được. Cao hơn nữa, nếu ngay cuộc sống, mỗi mỗi khéo nhận lại tánh giác thì sẽ có đạo thông, nhổ tận cội gốc sanh tử, được an lạc niết bàn. Công phu tu hành rất đơn giản, rõ ràng và thiết thực như vậy chứ không phải cần đến thần thông cầu kỳ.
Nghe và hiểu như vậy rồi, mong rằng một khi đã phát tâm tu hành thì quý vị phải nên suy xét cho kỹ để nắm rõ chỗ chính yếu của sự tu rồi từ đó ứng dụng công phu, không còn lầm theo những việc huyền bí trái với lẽ đạo, trái với tinh thần mà Phật Tổ đã chỉ dạy rồi tự đánh lừa mình và người.