“Sống thử” là việc hai người về sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng không tổ chức hôn lễ cũng như đăng ký kết hôn. Theo quan điểm của nhiều bạn trẻ, sống thử là quyền tự do thể hiện tình yêu đôi lứa và sống trọn vẹn với tình yêu của mình. Bên cạnh những trải nghiệm được các bạn trẻ cho là tự do trong tình yêu, sống thử cũng tiềm ẩn những ảnh hưởng, hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho chính những người trong cuộc. Vậy có nên sống thử trước hôn nhân không?
Nguyên nhân dẫn đến sống thử trong giới trẻ hiện nay
Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống thử như hiện nay. Nguyên nhân thứ nhất là do giới trẻ có lối sống thoải mái, thoáng hơn thời xưa. Nhiều bạn trẻ có tư duy sống thử nếu thấy hợp thì mới tiến tới hôn nhân. Nguyên nhân thứ hai là ảnh hưởng từ văn hóa của phương Tây với lối sống thoải mái, buông thả trong chuyện tình dục. Đó là thực trạng sống của giới trẻ hiện nay, chạy theo xu hướng của văn hóa nước ngoài, phóng khoáng trong cách suy nghĩ cũng như trong những vấn đề hệ trọng của bản thân, mà dường như đang dần quên đi những nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta về việc giữ gìn trước hôn nhân.
Sống thử có phạm vào giới tà dâm của đạo Phật?
Kết hôn là việc hai người xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật; còn sống thử là việc hai người về chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa có sự công nhận của pháp luật. Vậy dưới góc nhìn của đạo Phật, sống thử có được coi là phạm giới tà dâm hay không?
Tà dâm là giới cấm thứ ba trong năm giới cấm mà người Phật tử tại gia cần giữ gìn. Để quý Phật tử hiểu thế nào là tà dâm, Đại đức Thích Trúc Thái Minh giải thích: “Giới cấm tà dâm trong kinh sách giải thích là khi đã có gia đình, đã lấy vợ, đã lấy chồng thì không được ngoại tình, phải sống thủy chung với vợ và chồng của mình. Khi đã tổ chức hôn lễ, công bố mình là vợ, là chồng rồi thì phải thủy chung. Khi đã có vợ, có chồng rồi nhưng vẫn đi ngoại tình là thuộc về tà dâm, không phải chính dâm. Quan hệ vợ chồng với nhau gọi là chính dâm. Đi ra ngoài quan hệ ngoài vợ, ngoài chồng gọi là tà dâm”.
Đứng trên góc độ quan điểm đạo đức Phật giáo, việc này không phạm vào giới tà dâm. Nếu hai người đủ tuổi, đồng thuận không gọi là tà dâm. Nhưng về mặt đạo đức thì không nên”. Xét về đạo đức và lối sống, thuần phong mỹ tục của người Á Đông, việc sống thử ảnh hưởng không tốt cả về sức khỏe, lẫn tinh thần, cuộc sống sau này cho cả người nam, người nữ, cho gia đình, xã hội vì những hệ lụy xấu mà nó để lại.
Dưới góc nhìn của đạo Phật sống thử có được coi là tà dâm? (ảnh minh họa)
Đạo Phật có khuyến khích việc sống thử không?
Tuy sống thử không phạm vào giới tà dâm nhưng là người đệ tử Phật, chúng ta cần cân nhắc và xem xét về vấn đề này. Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Thầy biết thanh niên các con khá thoáng trong chuyện này. Có những bạn là sinh viên sống thử xem thế nào, có hợp rồi mới lấy nhau. Nếu nói về Phật giáo chúng ta, hỏi các Thầy có khuyến khích việc đó không? Các Thầy thực sự là không khuyến khích việc sống thử. Một người chưa kết hôn đã lăn lộn quá nhiều trong những việc ái dục thì không tốt. Nhất là về phía người nữ, chưa kết hôn mà trải qua tình trường, lăn lộn trong những chuyện ái dục thì thiệt thòi rất nhiều. Vừa mất giá trị, vừa ảnh hưởng đến thể chất sinh sản sau này”.
Đối với những người chưa kết hôn, đặc biệt là người con gái, thực sự sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi sống thử trước hôn nhân, bởi việc sống thử không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý trong hiện tại cũng như tương lai lâu dài về sau.
Hậu quả của việc sống thử trước hôn nhân
Sống thử trước hôn nhân là con dao hai lưỡi, một mặt đáp ứng nhu cầu sinh lý, mặt còn lại là những hệ lụy tiềm ẩn phía sau. Nhưng dường như nhiều bạn trẻ chỉ quan tâm đến sự hấp dẫn, mới mẻ của việc sống thử mà bỏ quên những hậu quả, tác hại của nó. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Các con biết rằng sức khỏe sinh sản rất quan trọng. Nếu các con buông thả trong tình dục thì sau này các con lấy vợ, lấy chồng, sinh nở con cái khó có sức khỏe tốt. Người sống buông thả trong tình dục thì không tốt, người nữ không tốt, người nam cũng ảnh hưởng rất nhiều”.
Thời phong kiến ông bà ta rất hà khắc về việc giữ gìn trước khi kết hôn, và đặt nặng về đạo đức, phẩm hạnh của người phụ nữ. Nam nữ yêu nhau không được vượt quá giới hạn và chỉ trong đêm tân hôn mới được trao gửi cho nhau. Nếu người phụ nữ không chồng mà chửa có thể bị gọt gáy bôi vôi, đem đi khắp làng để bêu rếu, thậm chí bị buộc bè trôi sông. Cũng từ sự nghiêm khắc trong việc này nên thời xưa ông cha ta sống rất nghĩa tình, không có hiện tượng ly dị, phá thai, vô sinh, hiếm muộn nhiều như ngày nay.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng chia sẻ rất xót xa khi từng nghe một số bạn gái bộc bạch về việc lỡ có thai mà bạn trai không nhận trách nhiệm trong khi thai đã ba, bốn tháng. Thầy không thể khuyên bạn ấy phá thai, không thể khuyên bạn giết người, nếu bạn gái ấy phá thai thì sẽ phải chịu nhân quả.
Đối với việc phá thai, tước đoạt đi cuộc sống của đứa trẻ khi chưa ra đời có quả báo rất đáng sợ. Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Phá thai gây ảnh hưởng rất lớn. Không chỉ những người chơi bời, hoang đàng rồi phá thai, kể cả người có gia đình mà có duyên nào đó phải phá thai thì cũng rất ảnh hưởng đến người mẹ. Bởi, vong thai sẽ báo oán. Đặc biệt, nếu đẻ con ra rồi vứt đi không thương tiếc thì tội rất ác. Họ sẽ phải chịu quả báo rất nặng, không thể tránh được”.
Đại đức cũng nói đến nhân quả của những bạn nam không chịu trách nhiệm trước hành vi của mình: “Các chàng trai nên nhớ rằng, mình để một đứa con bị bỏ rơi sau này rất khổ tâm. Các con đừng nghĩ chỉ là vấn đề sinh lý mà cái đó sẽ đi liền với hậu quả. Có thể mình có con, rồi con của các con lang thang chân trời góc bể, không biết nó sống ra sao, các con thấy có khổ không? Sau này các con xây dựng gia đình rồi vẫn thấy áy náy, không biết đứa con ấy thế nào. Những người cha như thế sau này đều có hậu quả không tốt, và chắc chắn là có nghiệp báo. Vì vậy, Thầy khuyên các con nên chín chắn và không nên chạy theo thời đại, sống buông thả, quan hệ trước hôn nhân; cái đó không tốt, không lợi ích”.