Đáp: Câu "Hao tài thì không tản mạng" đa số người nói theo sự an ủi nhiều hơn, chứ lẽ thật thì không hẳn như vậy. Vì trong cuộc sống con người lúc hưng thịnh thì điều vui đến với chúng ta nhiều, lúc suy vi thì buồn phiền cũng đến nhiều với chúng ta. Con người ai cũng có lúc thịnh lúc suy, không ai cả cuộc đời thịnh mà cũng không ai cả cuộc đời suy. Khi có việc không vui xảy ra với mình bạn bè tới an ủi: "Tai nạn nhỏ cứu tai nạn lớn là nhờ tu". Đó là phỏng nói, chứ người nói nào có rõ lẽ thật ra sao?
Tôi nhắc cho quý Phật tử nhớ điều này, tất cả mọi sự việc vui buồn xảy ra trong đời mình là do nhân quả. Nhân quả quan hệ tới ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai; quá khứ đã qua không thấy được, vị lai thì chưa đến, hiện tại là cái mốc rất quan trọng, là chỗ thừa kế nghiệp quá khứ, mà cũng là chỗ gây tạo quả vị lai.
Vì vậy, người hiểu đạo ngay trong cuộc sống hiện tại này, phải chấp nhận bằng cách nào? Ví dụ chúng ta sinh ra trong gia đình ấm no sung túc, chúng ta biết đó là do nghiệp lành đời trước mình đã tạo, bây giờ mình hưởng. Nên khi hưởng không tự hào không phách lối, để dành công đức về sau. Vì không phải ngẫu nhiên mà mình được giàu sang, hay ngẫu nhiên mà được sung túc. Giàu sang sung túc là do nhân tốt mà mình đã tạo từ trước, không để mất.
Nếu chúng ta sinh ra trong gia cảnh nghèo khó khổ sở, chúng ta biết do nghiệp quá khứ mình tạo không tốt, nên đời này phải chấp nhận lãnh quả khổ, vui mà trả quả chứ không than trách trời đất hay oán trách ai cả. Trong lúc trả quả xấu của quá khứ, phải biết tạo nhân lành trong hiện đời để vị lai không khổ nữa.