Không biết từ bao giờ, số đông luôn đi tìm cái đẹp, đặc biệt là cái đẹp được nhìn thấy bằng mắt. Chỉ có một số ít tìm thấy cái đẹp không dừng lại ở mắt nhìn. Số ít đó nhận thức được cái đẹp nhìn thấy bằng mắt là cái đẹp mang bản chất vô thường, không theo ý muốn chủ quan và được nhận thức qua tâm tư định kiến.
Một đối tượng đẹp ở nơi này, nhưng đâu đó nơi kia thì ngược lại. Tuỳ thuộc vào tâm tư mà cái đẹp được định giá. Tuỳ thuộc vào thời gian mà cái đẹp được ngợi ca. Cái đẹp biến đổi liên tục. Do đó, khả lạc, khả hỷ và khả ái được tìm thấy nơi cái đẹp đó cũng có thể biến đổi đưa đến sợ hãi và khổ đau.
Cái đẹp được nhìn thấy bằng mắt trong tôn giáo và triết học Ấn độ gọi là đẹp sắc. Đẹp sắc chỉ là lớp đẹp ngoài cùng trong năm lớp đẹp của một con người: Đẹp sắc, đẹp giới (đạo đức), đẹp tâm (định tĩnh và từ ái), đẹp tuệ (tri thức) và đẹp giải thoát (xả dục, ly ác và tự do).
Một người hiểu biết trọn vẹn về cái đẹp, người ấy không mắc kẹt ở cái đẹp của sắc. Người ấy biết đẹp sắc không phải là cái đẹp đi về vĩnh cữu. Thời gian sẽ bóp méo cái đẹp sắc. Không gian sẽ chôn vùi cái đẹp sắc. Người ấy biết giá trị của cái đẹp sắc, nhưng không lệ thuộc vào cái đẹp sắc. Mọi biến đổi có thể có với cái đẹp sắc không làm người ấy khổ đau. Người ấy không chấp thủ vào cái sắc đẹp mà mình có hay không có.
Người ấy biết “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Người ấy hiểu và nghiệm được cái đẹp của đạo đức (giới), của định tĩnh (tâm), của tri thức (tuệ), của xả ly và tự do (giải thoát) mới là cái đẹp đi về vĩnh cữu, cái đẹp mà chính mình có thể xây dựng và hiến tặng không giới hạn, cho dù nhiều kiếp sống đi qua.
Thiền sư Nhất Hạnh, trong một lần chúc phúc cho học trò cắt tóc xuất gia, Ngài viết:
Mái tóc vốn màu gỗ quý
Nay dâng thành khói trầm hương
Nét đẹp đi về vĩnh cữu
Vi diệu thay ý vô thường.[1]
Cái mái tóc màu gỗ quý đó rất đẹp. Đẹp trong vô thường. Người chấp thủ mái tóc đẹp này sẽ đau khổ. Con thấu hiểu bản chất vô thường của cái mái tóc đẹp, nên nguyện cắt xuống. Con dâng mái tóc con thành khói trầm hương và cam kết từ hôm nay con sẽ đưa nét đẹp của con đi về vĩnh cữu. Mái tóc không còn là đại diện nét đẹp của con nữa. Con bắt đầu đẹp trong đạo đức, tâm định, tri thức và giải thoát. Con biết chỉ khi con đẹp được trong đạo đức, tâm định, tri thức và giải thoát, con mới thật sự đẹp. Một nét đẹp mà con không bao giờ mất. Một nét đẹp mà khi con đẹp, muôn loài cũng đẹp. Một nét đẹp mà khi con có, thế giới sẽ giảm đi rất nhiều chiến tranh, thù hận, sợ hãi và đau thương.
Đức Phật Gotama nói chấp thủ vào đẹp sắc sẽ làm con người ta ngu si và kiêu mạn. Tâm người ấy khó an định, nhất tâm. Ngài khuyến khích các vị Tỳ-kheo tu tập vô tướng, tu tập bất tịnh và từ bỏ kiêu mạn tiềm ẩn liên hệ đến đẹp sắc, đặc biệt là thân sắc. Tỳ-kheo-ni Sundari Nanda (Nanda hoa khôi) và Abhirupa Nanda (Nanda kiều diễm) đã đoạn tận được kiêu mạn tiềm ẩn liên hệ đến thân sắc và chứng Thánh quả nhờ quán chiếu thân sắc theo hướng dẫn của Phật:
Này Nanda hãy nhìn,
Tấm thân chỗ quy tụ,
Nhiều bệnh hoạn, bất tịnh,
Đầy hôi hám, thối nát,
Tâm con hãy tu tập,
Quán tri tánh bất tịnh,
Đạt cho được nhất tâm,
Tâm tư khéo thiền định.
Hãy tu tập vô tướng
Hãy bỏ mạn tuỳ miên
Do thắng tri được mạn
Con sẽ sống an tịnh.[2]
Đẹp, có đẹp là có hạnh phúc (vị ngọt). Đẹp sắc là lớp đẹp ngoài cùng của năm lớp đẹp: Sắc, Đạo, Tâm, Tuệ và Giải thoát. Trong vị ngọt của đẹp sắc luôn có cay đắng và hiểm nguy. Sợ hãi, đau thương, ngu si và kiêu mạn luôn như bóng theo hình bên trong tâm chấp thủ đẹp sắc.
Biết được vị ngọt và sự hiểm nguy bên trong đẹp sắc một cách trọn vẹn, người biết sẽ không dừng lại ở cái đẹp mắt nhìn. Người ấy sẽ đi tới cái đẹp của đạo đức, tâm định, trí tuệ và giải thoát. Người ấy không còn giới hạn mình và ngu muội mình trong cái đẹp sắc nữa. Người ấy sẽ đưa cái đẹp của mình đi về vĩnh cữu, một cái đẹp mà khi mình đẹp người cũng đẹp, một cái đẹp mà khi mình có, muôn loài sẽ có hoà bình, hạnh phúc và thương yêu.
Nguồn Phatgiao.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự