Sám chữ Phạn là Samma, sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa phạm lỗi sau. Sám hối là biết lỗi cũ sai lầm nên ăn năn hối hận và nguyện sau này không tái phạm tội lỗi như thế nữa.
Vậy tại sao ta phải sám hối? Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta tạo tội lỗi rất nhiều trong đời sống, chúng ta cứ tiếp nối hết đời này sang đời kia như xâu chuỗi dài vô tận. Trong mỗi đời từ sinh tới chết tạo tội thêm mãi từ cái lỗi nọ cho tới cái lỗi kia trong mười điều ác.
Ba điều về thân “sát sinh, trộm cướp, tà dâm”, bốn điều về miệng “nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác”, và ba điều về ý “tham lam, sân giận hận thù, si mê tà kiến”. Những lầm lỗi này tạo thành sức mạnh gọi là “nghiệp lực”, nghiệp lực đưa chúng ta vào con đường khổ não tức phải gánh quả báo của tội lỗi. Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Nếu tội lỗi của chúng sinh có hình tướng, tất cả hư không cũng không chứa hết”. Tội lỗi gây ra bởi chúng sinh từ vô thủy đến nay biết bao nhiêu, kể sao cho xiết.
Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sinh trong sáu cõi (Trời, Thần, Người, Ngạ quỷ, Súc sinh, địa ngục) không loài nào hoàn toàn trong sạch, không giống nào dứt hết tội lỗi”. Riêng đối với con người, chúng ta thấy lòng “tham, sân, si” che khuất tất cả, nó làm tăng trưởng lòng dục vọng, từ ý nghĩ lời nói đến hành động thường hay gây tội lỗi. Muốn xóa bỏ tội lỗi Phật giáo có cách tẩy trừ nó bằng cách sám hối, nhưng khi sám hối rồi, không còn tái phạm nữa mới đúng với ý nghĩa của sám hối.
Đức Phật dạy rằng: “Tội lỗi do tâm của người tạo ra, cũng phải từ tâm mà sám hối. Kẻ gieo giống xấu phải ăn trái dở, người trồng giống qúy được ăn quả ngon, không ai có quyền thưởng phạt làm khác đi được cả”. Thật rõ ràng chí lý hợp với khoa học thực nghiệm. Vậy muốn hết tội chúng ta phải từ tâm sám hối theo phương pháp của Phật giáo mà thực hành.
Vậy làm sao dứt trừ việc gây tội lỗi? Tùy theo căn cơ và hoàn cảnh của mỗi người mà áp dụng. Không nên bỏ mặc tới đâu thì tới như người vô trí, cũng không nên sám hối lấy lệ mà phải có lòng thành khẩn chí cương quyết để dứt tuyệt nọc xấu. Chúng ta còn phải phát hạnh lành như thực hành bố thí, nhẫn nhục, trì giới, Từ Bi Hỉ Xả để dẹp tham sân. Như thế tính tốt phát triển và tính xấu không có đất nảy sinh được nữa.
Lợi ích của sám hối: Sám hối làm cho tâm tính con người được trong sạch, tiêu diệt hết lỗi lầm đời hiện tại, mà cũng trừ hết tội ác của các đời quá khứ. Không chỉ vậy, sám hối còn giúp phát triển tính thành thật hạnh thanh cao của bậc Thánh hiền. Và cuối cùng, sám hối giúp chúng ta dứt tội sinh phúc và thẳng tiến đến giải thoát an vui. Nhờ sám hối của Phật giáo, con người có thể cải hóa lòng mình, làm cho đời sống cá nhân hạnh phúc tốt đẹp, đời sống xã hội được hòa bình yên ổn.