Với tôi, công việc này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, có điều tôi đang lo lắng là mình đã phạm vào tội bóc lột động vật vì lấy sữa của nó. Không biết tôi có tội và có bị đọa lạc gì không? Những suy nghĩ về việc ấy khiến tôi lo lắng và bất an. Rất mong được quý Báo cho những lời khuyên.
(LÊ VŨ, vule...@gmail.com)
Bạn Lê Vũ thân mến!
Mỗi người sống trên đời đều có một nghề để mưu sinh, đã làm nghề dĩ nhiên là có nghiệp. Khái quát thì những nghề nghiệp nào được pháp luật cho phép thì đó là nghề chính đáng. Nhà Phật khuyến khích tín đồ mưu sinh bằng chánh mạng, ngoài việc tuân thủ luật pháp thì tránh không làm đồ tể, không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán thuốc độc.
Nuôi bò lấy sữa dù theo phương pháp thủ công hay công nghiệp cũng có chút phần tạo nghiệp “bóc lột động vật”. Người nông dân gieo trồng, sử dụng trâu bò cày kéo cũng tạo nghiệp thuộc nhóm này. Ngay cả những nghề cao quý như bác sĩ, giáo viên nếu sơ suất cũng tạo ác nghiệp nghiêm trọng. Thế nên, người đệ tử Phật chọn nghề nghiệp mưu sinh trong khuôn khổ pháp luật cho phép, không rơi vào tà mạng thì được xem là nghề chân chính.
Vì mỗi nghề mỗi nghiệp, nên việc đầu tiên, người Phật tử cần ý thức sâu sắc về mặt trái tạo nghiệp của nghề. Đơn cử như nuôi bò lấy sữa bằng phương pháp công nghiệp. Đã có điều tra cho biết một số trang trại cố tình khai thác sữa đến tối đa khiến cho vật nuôi suy kiệt, tàn tạ và có thể chết. Đây là lối tư duy cũng như hành động chỉ biết lợi mình sẽ tạo ra nghiệp “bóc lột động vật”, chịu quả báo nặng nề.
Tuy vậy, nhiều trang trại khác không áp dụng cách này, họ khai thác sữa vừa phải, cân bằng giữa tài nguyên (vật nuôi cung cấp sữa) và sản phẩm, lợi nhuận. Chính việc này đã giúp ít tạo nghiệp hơn, đồng thời giúp cho sự phát triển cân đối, hài hòa, bền vững hơn. Không chỉ trong ngành nuôi bò sữa mà trong mọi ngành nghề, nếu chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà khai thác tài nguyên đến cùng kiệt thì sẽ nhanh chóng mất cân bằng, dẫn đến cả hai đều tổn hại.
Về phương diện tích cực thì nghề nuôi bò sữa đã tạo ra một thực phẩm tốt cho sức khỏe con người. Hầu hết con người trên thế giới hiện nay ít nhiều đều có dùng sữa và các chế phẩm từ sữa. Làm nghề mà góp phần giúp cho con người khỏe mạnh hơn thì đó là thiện nghiệp. Giống như bác sĩ giúp bệnh nhân được lành, thầy giáo giúp học trò thêm tri thức để trở thành người tốt, đó là những thiện nghiệp.
Do trong mỗi ngành nghề chính đáng đều tồn tại hai mặt thiện và bất thiện nên vấn đề là cần hiểu biết cả hai đặc tính tốt và xấu của nghề để tự điều chỉnh, giảm phần xấu lại, tăng phần tốt lên. Ngay cả khi mình chỉ là nhân viên, làm theo sự chỉ đạo của cấp trên thì cũng phải biết cân nhắc và điều chỉnh nghiệp thiện ác của mình.
Mặt khác, khi biết nghề mưu sinh của mình có phần tạo ra chút ác nghiệp thì tự thân cần chủ động tạo thiện nghiệp ở các phương diện khác trong cuộc sống. Thiện nghiệp được tạo ra nhờ bố thí, trì giới, tu tâm, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, nghe pháp, thuyết pháp, chánh kiến. Cần tích lũy thêm phước báo cho bản thân bằng cách làm mười điều phước thiện này trong khả năng có thể.
Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ vun bồi được phước báo nhiều hơn những tội báo. Nhân quả sẽ cân đối thiện ác, nếu thiện nghiệp nhiều hơn sẽ lấn át và chuyển hướng ác nghiệp. Như nắm muối nếu bỏ vào tô nước sẽ không uống được, nếu bỏ vào dòng sông thì nước vẫn ngọt bình thường. Hiểu đúng và thực hành trọn vẹn những điều trên, chúng ta không còn lo lắng khi làm nghề có chút nghiệp xấu và cũng không còn băn khoăn về việc tạo ác nghiệp để rồi sau này bị đọa lạc.
Chúc bạn tinh tấn!