Gia đình tôi, một số quy y Tam bảo và một số không, nhưng ai cũng biết kính thờ ông bà tổ tiên. Một năm có tới gần chục cái đám giỗ, con cháu đều về đông đủ, rất ấm áp và vui vẻ. Thế nhưng gần đây, một người cháu (con chị Hai) có chồng là người theo đạo thờ Trời. Chỉ một thời gian sau, bàn thờ trong nhà đều bị chị tôi đem dẹp hết. Không thờ Phật mà cũng không thờ ông bà cha mẹ, không thắp hương gì cả. Ngay cả đám giỗ ở nhà từ đường chị cũng không về. Khi chồng chị chết, chị cũng không báo cho tôi hay, có lẽ vì sợ tôi về tụng kinh Phật. Trước nhà chị có một cái miếu, chị cũng đập bỏ luôn.
Giờ chị bị bệnh và đang nằm bệnh viện. Mấy đứa con chị gọi điện hỏi tôi có phải do mẹ chúng bỏ đạo ông bà theo đạo khác nên bị ông bà hay người cõi âm quở thành ra bị bệnh không? Tôi nói việc đó tôi không biết và giải thích thêm rằng, muốn theo đạo nào cũng được, tùy niềm tin và sở thích của mỗi người, nhưng hễ đạo nào dạy người ta không phụng thờ ông bà cha mẹ thì đó không phải là đạo chân chính. Cây có cội, nước có nguồn.
Có ông bà thì mới có cha mẹ. Có cha mẹ thì mới có mình. Ông bà cha mẹ là những người cho ta sự sống và nuôi dạy ta nên người, nên nếu ta không thờ thì không xứng đáng làm người. Ta có thể không thờ Phật, không thờ Trời nhưng ông bà cha mẹ thì nhất định phải thờ. Hơn nữa, nếu không thờ ông bà cha mẹ thì con cháu của ta sau này làm sao biết tổ tiên của chúng là ai?
Tôi hỏi mấy đứa cháu đó rằng, sau này tụi con về với tổ tiên rồi, tụi con có muốn con cháu thờ mình, nhớ tới mình, cúng giỗ mình hàng năm không? Chúng khẳng định đương nhiên muốn. Sau khi nghe tôi giải thích xong, chúng hứa sẽ thỉnh Phật và ông bà về thờ lại, vì trong khi bị bệnh, mẹ chúng cảm thấy ăn năn những việc đã làm và có ý muốn được con cháu hương khói sau khi mất.
Sau đó ít lâu, tôi ghé nhà anh Sáu chơi. Anh bảo thằng con rể ẵm đứa cháu ngoại chừng vài tháng tuổi ra khoe. Anh nói nhiều khi mình thương cháu còn hơn thương con mình nữa. Hễ thấy cha mẹ chúng đánh cháu là mình không chịu được. Nhìn cách thằng cháu rể nâng niu em bé cũng như cảm nhận niềm vui, sự thương yêu của anh Sáu dành cho nó, tôi chợt nghĩ ông bà cha mẹ nào cũng thương con cháu vô cùng, luôn dành cho chúng những gì tốt đẹp nhất. Và tôi lại nghĩ đến những người bất hiếu, đối xử tệ bạc với ông bà cha mẹ mà cảm thấy quá bất mãn, xót xa. Có lẽ chúng không nhớ hồi nhỏ mình đã được ẵm bồng và yêu thương như thế nào. Chỉ cần thấy một dấu muỗi chích thôi, ông bà cha mẹ đã xót ruột, vội chạy đi lấy dầu để thoa lên chỗ đó. Ấy vậy mà khi lớn lên, con cháu lại có thể ruồng bỏ hay thậm chí mắng chửi, đánh đập ông bà cha mẹ. Thật là bội nghĩa vong ơn, còn thua cả loài vật.
Trong những tôn giáo, tôi thấy chỉ có đạo Phật là đề cao đạo hiếu nhất. Không có một tôn giáo nào lại đưa cha mẹ lên ngang hàng với bậc giáo chủ khi cho rằng “Tâm hiếu là tâm Phật, Hạnh hiếu là hạnh Phật” và thờ cha mẹ công đức cũng sánh bằng thờ Phật. Trong kinh Thai cốt, Đức Phật dạy rằng: “Trong tất cả các pháp ở thế gian, không gì lớn bằng công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Vậy thì làm sao ta có thể không hiếu kính và phụng thờ suốt cả cuộc đời ta, dù khi cha mẹ còn hiện tiền hay đã khuất.
Tuy nhiên, nếu chỉ phụng thờ về mặt vật chất hay chỉ giới hạn ở kiếp này thôi thì chưa toàn vẹn. Chúng ta cần phải chú ý đến phương diện tinh thần của cha mẹ sau khi họ qua đời. Chữ Hiếu trong đạo Nho chỉ dừng lại ở kiếp sống hiện tại.
Đối với đạo Nho, người con có hiếu là người nuôi dưỡng cha mẹ thật đầy đủ về vật chất và làm cho cha mẹ vui vẻ về mặt tinh thần, chứ không tin có ở kiếp sau, bởi Đức Khổng Tử nói việc sống còn không biết hết thì làm sao biết việc chết. Một số gia đình rất giàu có, họ cung cấp cho cha mẹ họ lắm món ngon vật lạ, sơn hào hải vị. Hàng năm họ còn cho cha mẹ đi du lịch nước này nước kia trên thế giới. Khi cha mẹ mất thì họ làm đám tang thật to với rất nhiều heo bò gà vịt được giết thịt để đãi khách. Họ được cho là những đứa con có hiếu. Dĩ nhiên so với những người chửi cha mắng mẹ, bỏ đói cha mẹ không nuôi dưỡng thì họ thật sự tốt hơn quá nhiều. Tuy nhiên họ không biết một điều rằng, kiếp sống của chúng sinh không chỉ có hiện tại mà còn tiếp tục sau khi chết. Và cái nghiệp mà mỗi người phải mang theo sau khi chết đó không ai có thể mang giùm được.
Chúng ta có thể vui vẻ được không khi cha mẹ mình chỉ sung sướng và thoải mái lúc còn sống nhưng sau khi chết lại đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh, chịu vô lượng khổ? Mấy mươi năm của kiếp người thật ngắn ngủi so với thời gian dài đằng đẵng trong ba đường ác. Nếu làm cho cha mẹ mình vui trong chốc lát để rồi phải đau khổ triền miên thì đó có phải là một việc nên làm? Đó có phải hiếu thật sự không, hay bất hiếu?
Có hiếu là khó, nhưng thực hành hạnh hiếu cho đúng thì lại càng khó hơn. Chúng ta theo đạo Phật bởi vì Đức Phật dạy ta những điều đúng đắn, mà trước tiên là đúng đạo làm người vậy.
Thích Trung Hữu