Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng là đem các công đức niệm Phật, tụng kinh, trì chú, trợ niệm,…. do chính mình đã tu (nếu không hồi hướng, thì nhờ vào những công đức ấy, sẽ chỉ được hưởng các thứ phước báo trời người) xoay cái nhân được hưởng phước báo trời người do công đức đã làm ấy gom về sự vãng sinh Tây Phương Cực Lạc thế giới để làm cái quả siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử, cho đến rốt ráo thành Phật trong tương lai. Hồi hướng chẳng phải chỉ nhằm hưởng phước trời - người mà thôi!
(Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam giảng: Hồi hướng có nghĩa là gom về, tức là một phương pháp đem công đức niệm Phật, niệm kinh gom về một nơi. Gom về nơi nào? Gom về việc cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới!
Từ điển Phật học Huệ Quang: Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sanh khác).
Hồi hướng là dùng thiện căn công đức tu hành của mình để hướng về mục đích hoặc tự làm lợi ích cho chính mình hoặc làm lợi ích cho chúng sanh khác.
Dùng một chữ Hồi nhằm thể hiện ý “quyết định, chẳng thuận theo thói tình thế gian”. Dùng một chữ Hướng nhằm thể hiện ý “quyết định mong mỏi phương cách xuất thế”. Đó gọi là “hồi nhân hướng quả, hồi sự hướng lý, hồi tự hướng tha”.
Công đức đã làm là cái nhân kết thành quả báo trong cõi trời - người, xoay cái nhân ấy lại để hướng về quả Niết Bàn. Công đức đã làm là chuyện sanh - diệt; xoay nó lại để hướng đến diệu lý Thật Tướng bất sanh bất diệt. Công đức đã làm vốn thuộc tự hành, xoay nó lại để hướng về hết thảy chúng sanh trong pháp giới. Đấy chính là danh từ nhằm thể hiện ý nghĩa phát nguyện lập thệ, quyết định hướng đến.