Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức & Hoạt động Văn hóa Phật giáo toàn quốc

Thứ tư - 18/11/2009 08:50
Lần đầu tiên kể từ ngày thành lập GHPGVN cho đến nay, Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN phối hợp với BTS THPG Khánh Hòa tổ chức Khóa Hội thảo-Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động văn hóa Phật giáo (VHPG) toàn quốc và Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại TP.Nha Trang vào cuối tháng 11- đầu tháng 12/2009.

Trước sự kiện này, GN đã có cuộc trao đổi với HT.Thích Trung Hậu (ảnh), Trưởng ban Văn hóa TƯGH, Trưởng ban tổ chức Hội thảo- Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG.

- Thưa Hòa thượng, xin Hòa thượng cho biết đôi nét về công tác tổ chức Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động  VHPG toàn quốc tại TP. Nha Trang sắp tới?

- HT.Thích Trung Hậu: Được sự chấp thuận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN và Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Văn hóa TƯGH phối hợp cùng BTS THPG Khánh Hòa tổ chức Khóa Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG cho các Ủy viên Ban Văn hóa TƯGH và các Chánh, Phó Thư ký ban Văn hóa của 48 Tỉnh, Thành hội Phật giáo trên cả nước, từ ngày 2 đến 5-12-2009 tại Hội trường khách sạn Hòn Ngọc Việt và phòng họp tại số 7 Trần Phú – Nha Trang.

Bên cạnh đó, Ban Văn hóa TƯGH tổ chức Tuần lễ VHPG tại TP. Nha Trang chủ đề mừng 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, từ ngày 30-11 đến hết ngày 5-12-2009 tại số 07 Trần Phú, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang. Dự kiến, sẽ có khoảng 250 đại biểu về tham dự khóa hội thảo. Hiện nay, Ban tổ chức đang triển khai các kế hoạch nhằm thực hiện tốt công tác tổ chức Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG cũng như Tuần lễ VHPG.

- Đây là lần đầu tiên, Ban Văn hóa TƯGH tổ chức Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG trên toàn quốc. Xin Hòa thượng giới thiệu khái quát  về nội dung khóa hội thảo này? 

- Nói đến VHPG là nói đến văn hóa dân tộc. Qua lịch sử, VHPG đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình hình thành nền văn hóa dân tộc, từ thi ca, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc cho đến đạo đức, phong tục, tập quán... Điều này không gì phải bàn cãi nhiều trong việc thừa nhận sức sống và vai trò của VHPG trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Suốt quá trình hình thành và phát triển GHPGVN, ngành văn hóa đóng vai trò rất quan trọng, tham mưu cho Giáo hội nhiều hoạt động liên quan đến VHPG. Do đó, nội dung của Khóa Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động VHPG xoay quanh chủ đề VHPG và dân tộc, đồng thời đưa ra các phương hướng bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể và phi vật thể  của PG và liên quan.

Các đề tài Hội thảo và Bồi dưỡng kiến thức cho các hoạt động VHPG  được thiết lập trên cơ sở lý luận thực tiễn như: Âm nhạc truyền thống PGVN; Tổng quan về văn học PGVN;  Mối tương quan giữa VHPG và văn hóa dân tộc; Tổng quan mỹ thuật kiến trúc, điêu khắc Phật giáo của ba miền Bắc - Trung - Nam; Các vấn đề về Văn hóa và Giáo dục Phật giáo; Kinh nghiệm bảo tồn Di sản văn hóa; Tìm hiểu Luật Di sản; Tìm hiểu về những ngôi chùa đã mất trong thời kỳ Pháp thuộc...

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị VHPG, trùng tu di tích chùa, tháp và các hoạt động VHPG khác. Ban tổ chức đã mời các vị giáo sư, học giả, các nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc, kiến trúc sư uy tín... tham gia thuyết trình trả lời chất vấn theo từng nội dung chuyên đề của Hội thảo

- Bồi dưỡng về kiến thức VHPG. Riêng Tuần lễ VHPG chủ đề mừng 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội gồm: Triển lãm VHPG, hòa nhạc, chiếu phim, giao lưu văn hóa...

-Thưa Hòa thượng, thông qua Khóa Hội thảo – Bồi dưỡng kiến thức về hoạt động VHPG lần này, Ban Văn hóa TƯGH có những sáng kiến như thế nào trong quá trình thực thi vai trò chính yếu của ngành?.

- Cho đến nay, diện mạo và tầm vóc văn hóa của Phật giáo đã được khẳng định và có vị trí vững chắc trong văn hóa dân tộc hiện đại. Một thời đại mới đang mở ra cùng với những thách thức của hội nhập và phát triển, đòi hỏi sự năng động tinh thần Phật giáo trong vai trò phát huy và dung hợp những giá trị nhân bản bền vững của VHPG Việt Nam trong nền văn hóa dân tộc hiện đại. Điều đó, có nghĩa là VHPG đương đại phải thích ứng và chứng tỏ được khả năng thâm nhập vào nền văn hóa hiện đại của nước nhà.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội thảo lần này, Ban Văn hóa TƯGH sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến bảo tồn các di tích và các giá trị VHPG đang là vấn đề thời sự được nhiều giới quan tâm các công trình VHPG như trùng tu các di tích, kiến thiết các công trình mới...

Đồng thời kiến nghị lên Ban Thường trực HĐTS GHPGVN tách bộ phận kiến thiết Phật giáo trong Ban Văn hóa để thành lập một Ban chuyên trách về kiến thiết Phật giáo nhằm phát huy hiệu quả công tác kiến trúc, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Phật giáo.

-Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây