Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là tổng hợp kiến trúc tôn giáo nằm dàn trải trên địa bàn rộng lớn với các điểm di tích dầy đặc với các loại hình như: đình, đền chùa. Di tích chùa Thầy đã được xây dựng hơn 1000 năm, trải qua những biến thiên của lịch sử và thời gian, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Chùa không chỉ là nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là địa chỉ đỏ trong cách mạng kháng chiến mà còn là di tích kiến trúc nghệ thuật với lối kiến trúc độc đáo, nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp tiêu biểu. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: Bệ đá hoa sen thời Lý, lưng ngai thế kỷ 16, hạc thờ, phỗng hầu, hương án thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn, và các tư liệu Hán Nôm... đặc biệt ấn tượng là bệ đá hoa sen hình hộp nhị cấp được các nhà nghiên cứu xếp niên đại vào thời Lý Trần và bộ tượng Di Đà Tam Tôn đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Khu núi đá hiện còn 11 ngọn núi nổi lên nằm rải rác trong một vùng rộng thuộc địa bàn các xã Sài Sơn, Phượng Cách và Thị Trấn Quốc Oai. Nổi tiếng nhất trong hệ thống núi là ngọn núi Sài Sơn, ngọn núi được gọi là núi Thầy, có hình vòng cung cao khoảng 100 m. Trên núi có nhiều hang động nổi tiếng như hang Cắc cớ, hang Thánh Hoá, hang Bò, hang Gió; lại có Chợ Trời trên đỉnh, ngọn núi như một vườn thực vật lớn với nhiều loại cây cổ thụ có tuổi hàng ngàn năm, một vườn thuốc quý mà tự nhiên ban tặng.
Đồng chí Đỗ Huy Chiến, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đánh trống khai hội chùa Thầy Trải qua hàng ngàn năm với bao thăng trầm của lịch sử, các hạng mục của di tích chùa Thầy vẫn tồn tại uy nghiêm và cổ kính, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp xen lẫn các công trình kiến trúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung giá trị cho nhau, chùa Thầy đã khai thác được những thành phần kiến trúc độc đáo, ăn nhập với tổng thể như nhà Thuỷ Đình giữa hồ nước, hai cầu Nhật Tiên Kiều - Nguyệt Tiên Kiều, Điện thán... Hơn nữa chùa Thầy còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể chùa chiền, hang động trên núi cũng như xung quanh chùa để tạo thành một tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, đẹp về kiến trúc, phong phú về loại hình. Cảnh quan quần thể khu di tích chùa Thầy còn hoà quyện với nhiều huyền thoại phật giáo gắn với thiền sư Từ Đạo Hạnh với tín ngưỡng dân gian như câu chuyện về hang Cắc Cớ, Bàn cờ tiên, chợ Trời... càng làm cho kiến trúc chùa Thầy trở lên linh thiêng, huyền bí.
Thủy Đình - nơi diễn ra các tiết mục trình diễn rối nước trong những ngày hội Di tích Chùa Thầy là một di tích đặc biệt, không chỉ bởi những giá trị đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc, giá trị cảnh quan, mà còn bởi trong di tích này từ ngàn đời nay vẫn duy trì những sinh hoạt văn hóa tâm linh rất độc đáo. Trung tâm tín ngưỡng thờ phụng ở Chùa Thầy là thờ Đức Thánh Từ Đạo Hạnh, một thiền sư đời Lý.
Lễ hội Chùa Thầy từ xa xưa đã nổi tiếng được nhiều người biết đến, là một địa danh nổi tiếng của mảnh đất xứ Đoài, hàng năm có hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước về Chùa Thầy. Trong tâm thức của nhiều người, hội Chùa Thầy là một niềm ao ước được thưởng thức cảnh đẹp, được hòa mình vào dòng người trẩy hội.
Phát biểu khai hội chùa Thầy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương - Trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Thầy cho biết: Huyện Quốc Oai tổ chức Lễ khai hội Chùa Thầy năm Mậu Tuất 2018 nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của quần thể di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội Chùa Thầy.
Tiết mục múa rồng tại lễ khai hội chùa Thầy năm 2018 “Chúng ta cần cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để gìn giữ nguyên lành mỗi dáng nét hay thành phần kiến trúc, mỗi gốc cây cổ thụ, mỗi mỏm núi, lối mòn vì đó chính là những thành tố tạo nên vẻ đẹp cổ kính và linh thiêng của nơi này. Chúng ta cần cùng nhau giữ gìn cho môi trường xung quanh ngôi chùa cổ đặc biệt này một không gian xanh tươi, đẹp đẽ và thanh bình. Tất cả những điều này chỉ có thể có được khi tất cả chúng ta từ cán bộ đến nhân dân, từ chư tăng đến Phật tử đều coi nơi này là di sản chung mà cha ông để lại mà mỗi người đều có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và chăm sóc” - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương, mùa Lễ hội chùa Thầy năm nay, trọng tâm là 3 ngày chính hội từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba âm lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, có nhiều tăng ni, phật tử, quý khách thập phương, trong nước và quốc tế về đây dự hội; quý khách được lễ phật, cầu nguyện và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật từ ngàn xưa được lưu truyền cho đến ngày nay như: trình diễn rối nước ngay tại Thủy Đình - một bộ môn nghệ thuật độc đáo có từ thời Lý mà Đức Thánh Từ Đạo Hạnh được tôn vinh là Tổ nghề và nhiều loại hình văn hóa khác. Hội Chùa Thầy còn là dịp trai thanh gái lịch xa gần thỏa mãn tính mạo hiểm trong cảm xúc “Đăng cao viễn vọng” khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở.
Theo hanoi.gov.vn