Sáng 27 tháng Chạp, theo truyền thống hàng năm, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng trở về chốn Tổ, dâng hương trước bảo tháp Tổ Huệ Đăng, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào, cùng chư vị tiền bối trong vườn tháp của tổ đình ở chân núi Dinh Cố (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Đức Pháp chủ GHPGVN dâng hương tưởng niệm Tổ Huệ Đăng.
Cùng đi có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Trung ương; Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát Trung ương…
Hiện diện cung đón Đức Pháp chủ và chư tôn giáo phẩm lãnh đạo có Hòa thượng Thích Huệ Trí, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà và chư vị Hòa thượng, Tăng ni thuộc Thiên Thai thiền giáo tông các tỉnh thành.
Khu tháp Tổ tại tổ đình Thiên Thai.
Sau khi dâng hương tưởng niệm, đại diện Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Ban Thừa kế Thiên Thai thiền giáo tông đã tổ chức họp mặt, khánh chúc Đức Pháp chủ và chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, Hòa thượng Chủ tịch và các vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, cùng chư vị tôn túc trong tông môn Thiên Thai.
Hòa thượng Thích Thiện Xuân, Thành viên Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Quản trị tổ đình Thiên Thai, Trưởng ban Thừa kế Thiên Thai thiền giáo tông thay mặt tông môn phát biểu chào mừng, tuyên bố lý do; Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An đại lao dâng lời khánh tuế lên Đức Pháp chủ và chư tôn Trưởng lão, Hòa thượng Chủ tịch và chư vị Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự.
Đạo từ tại buổi lễ, Đức Pháp chủ GHPGVN xúc động nhắc lại cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư Huệ Đăng và mong Tăng Ni thuộc Thiên Thai thiền giáo tông cũng như chư Tăng Ni, Phật tử lấy đó làm tấm gương soi sáng đời tu, nghiền ngẫm để tinh tấn trên con đường tâm linh của chính mình.
Quang cảnh lễ họp mặt, khánh chúc các bậc tôn túc của môn hạ Thiên Thai thiền giáo tông.
Theo đó, ngài cho biết Tổ sư Huệ Đăng quê quán Bình Định, là một bậc trí thức yêu nước, nhà cách mạng tham gia nghĩa quân Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược. Sau khi phong trào đấu tranh yêu nước bị đàn áp, ngài cùng nhiều trí thức khác vào xứ Bà Rịa để lánh nạn; duyên Phật pháp nơi ngài được Tổ Hải Hội ở núi Chân Tiên khai ngộ, tinh tấn tu học, thông suốt Kinh, Luật, Luận, đặc biệt thọ trì kinh Pháp hoa mà sau này ngài đã ứng dụng nghĩa lý sâu xa của bộ kinh này để cứu đời.
Đức Pháp chủ nhấn mạnh, đôi mắt của Tổ Hải Hội đã biết chọn người để trao yếu chỉ tu tập và người tiếp nhận là Tổ Huệ Đăng cũng xứng đáng với sự trao truyền ấy, chuyên tâm với hạnh độc cư ở núi rừng để nghiên cứu và dốc lòng tu hành, với chí xuất trần cao vời, vượt lên tất cả hoàn cảnh khắc nghiệt.
Ngài là bậc tu hành đắc đạo, biết cái gì nên làm, điều gì nên tránh, nơi nào cần đến, lúc nào không cần hiện diện… Trưởng lão Hòa thượng nhắc lại câu đối mà Tổ Huệ Đăng viết ở cửa hang lúc về cư tang Tổ Hải Hội ở chùa Long Hòa năm Ất Tỵ (1905), vừa lo việc xây dựng bảo tháp Tổ Hải Hội và chuyên tu thiền định, trì tụng Pháp hoa:
Tá thạch vi tường, thục thức lão tăng cùng đáo để;
Dĩ phong tác phiến, thùy tri đại đạo lạc vô cương.
(Mượn đá làm tường, ai biết sư già nghèo hết mức
Lấy gió thay quạt, nào hay đạo lớn thú vô cùng)…
Đức Pháp chủ GHPGVN huấn thị cho môn hạ Thiên Thai thiền giáo tông.
Đức Pháp chủ nhấn mạnh mục tiêu của tu hành là ngộ đạo, thấy được sự thật cũng như tính hai mặt của cuộc đời, như Tổ Huệ Đăng đã từng đạt tới; theo đó, Tổ đã có những ứng xử phù hợp trong trong mọi trường hợp. Dịp này, Đức Pháp chủ cũng kể lại những câu chuyện sinh động về cung cách cư xử của Tổ Huệ Đăng trong thời gian xây dựng tổ đình Thiên Thai…
Đạo nghiệp của Tổ Huệ Đăng là một biểu hiện sinh động của hạnh Bồ-tát, tiêu biểu là các vị Bồ-tát Diệu Âm, Dược Vương, Quan Âm và Phổ Hiền được đề cập trong phẩm thứ 7 của kinh Pháp hoa.
Nhớ về Tổ sư và các bậc tiền bối, Đức Pháp chủ sách tấn chư Tăng Ni thuộc Thiên Thai thiền giáo tông suy ngẫm về đạo nghiệp của Tổ sư để noi theo, tinh tấn hành trì, để ứng dụng vào đời, làm việc mà không mong cầu, khiêm tốn, như vậy mới làm lợi cho đời, tốt cho đạo.
Chư Tăng Ni môn hạ Thiên Thai thiền giáo tông và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đức Pháp chủ cũng nhắc lại, ngài xuất gia tại tổ đình Huê Nghiêm với Đại lão Hòa thượng Thích Trí Đức, nhưng lại có nhân duyên được Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hào xin Đại lão Hòa thượng Bổn sư của ngài cho làm Trưởng pháp tử, đặt pháp danh là Tâm Không, kế thừa trách nhiệm với Thiên Thai thiền giáo tông.
“Tôi tâm đắc với pháp danh mà Hòa thượng Thích Thiện Hào đã đặt cho tôi, ở trên cuộc đời này không có gì cả, đến từ không và đi cũng không ai hay, nhờ đó mà kế thừa được sự nghiệp của Hòa thượng. Tôi mong các huynh đệ môn hạ trong tổ đình cần cân nhắc chọn một pháp môn thích hợp với mình để thực tập cho có kết quả rồi đem kết quả đó chia sẻ với những người hữu duyên”, ngài nhắn nhủ.
Dịp này, Trưởng lão Hòa thượng về thăm lại chùa Linh Sơn Bửu Thiền (núi Thị Vải), cầu nguyện và sái tịnh an vị tôn tượng Đức Phật A Di Đà vừa được tôn tạo tại đây.