Trong số những danh tướng tiêu biểu của nước ta, Triệu Túc, Phạm Tu, Lê Phụng Hiểu là những người được hậu thế kính phục bởi tài năng, đức độ, lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu anh dũng trên chiến trường.
Thủy tổ của họ Phạm 66 tuổi vẫn khiến giặc khiếp vía
Theo tài liệu của gia tộc họ Phạm Việt Nam, Phạm Tu sinh năm Bính Thìn (476) tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Ông được suy tôn làm thủy tổ của dòng họ này.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết từ nhỏ, Phạm Tu tuấn tú, chăm chỉ, giỏi cả văn lẫn võ. Lớn lên, ông trở thành đô vật nổi tiếng, thường được gọi là Phạm Đô Tu, có uy tín rất lớn trong vùng.
Năm 541, được tin Lý Bí phất cờ khởi nghĩa, dù lúc này đã bước sang tuổi 66, Phạm Tu vẫn tích cực hưởng ứng. Ông chủ động tập hợp trai tráng trong vùng, lập thành đội quân mạnh, đánh chiếm thủ phủ của chính quyền đô hộ ở Long Biên.
Tượng Phạm Tu - thủy tổ họ Phạm Việt Nam.
Khi quân Lâm Ấp ở phía Nam lợi dụng tình thế tràn sang cướp bóc, Lý Bí đã cử Phạm Tu đem quân đánh dẹp. Mùa hè năm 543, ông đánh tan địch ở Cửu Đức (Hà Tĩnh ngày nay).
Sau khi chiến thắng trở về, uy tín của Phạm Tu càng được khẳng định. Khi lên ngôi năm 544, Lý Nam Đế phong Phạm Tu là Tả Tướng, đứng đầu hàng quan võ.
Tháng 6.545 (Ất Sửu), nhà Lương lại sai Dương Phiêu, Trần Bá Tiên và Tiêu Bột đem đại quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Lý Nam Đế. Sau những cuộc ác chiến quyết liệt giữa đôi bên, nghĩa quân Vạn Xuân rơi vào thế bất lợi.
Ngày 20.7.545, trong cuộc chiến giữ thành Tống Bình, chặn đại quân địch lại cho Lý Nam Đế và Triệu Quang Phục lui binh, bảo toàn lực lượng, Phạm Tu đã anh dũng hy sinh ở tuổi 69.
Sau khi lão tướng Phạm Tu qua đời, Lý Nam Đế vô cùng thương tiếc, cho người về tận quê truy phong ông tước Long Biên Hầu, ban tên thụy là Đô Hồ, sắc cho quê hương là Thanh mộc ấp, được miễn sưu sai tạp dịch, để thờ ông làm “bản cảnh thành hoàng” lưu truyền mãi mãi.
Triệu Túc - tù trưởng giàu nghĩa khí
Triệu Túc (470-545) là một trong những vị tù trưởng nổi tiếng của huyện Chu Diên (Hà Nội ngày nay). Khi Lý Bí chiêu tập hào kiệt chuẩn bị khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Lương, Triệu Túc là một trong những người đầu tiên tham gia.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, xuất thân là tù trưởng, giàu nghĩa khí, Triệu Túc được Lý Bí rất coi trọng, nhanh chóng trở thành chỗ dựa tin cậy của Lý Nam Đế.
Bấy giờ, viên Thái thú Tiêu Tư nhận được tin Triệu Túc về với Lý Bí thì thực sự hốt hoảng. Sau vài trận giáp chiến, tự thấy khó bề chống cự nổi, Tiêu Tư tìm đường chạy trốn về Trung Quốc.
Trong những trận đọ sức đầu tiên với quân Lương, Triệu Túc có những đóng góp rất to lớn, được Lý Bí trân trọng ghi nhận và đánh giá rất cao.
Sau khi Lý Bí lên ngôi hoàng đế năm 544, Triệu Túc được phong là Thái phó. Cùng Tinh Thiều và Phạm Tu, ông chính là một trong ba khai quốc công thần hàng đầu của nước Vạn Xuân.
Sự hy sinh của Triệu Túc không có gì bù đắp nổi. Sau thất bại của cuộc giao tranh ở hồ Điển Triệt, Lý Nam Đế đã trao binh quyền cho con trai Triệu Túc là Triệu Quang Phục.Trong trận ác chiến chống lại quân lương ở thành Gia Ninh năm 545, Lý Nam Đế đã phải chịu hai tổn thất rất lớn, cả Triệu Túc lẫn Phạm Tu đều anh dũng hy sinh.
Dưới sự chỉ huy của Triệu Quang Phục, quân ta từng bước chuyển từ thất thế sang ưu thế, từng bước giành những thắng lợi quan trọng. Đến năm 550, ông đánh đuổi được quân Lương về nước, giành lại độc lập cho nước nhà đến năm 602.
Dũng sĩ ném đao xa 10 dặm
Lê Phụng Hiểu (982-1059), quê ở Băng Sơn, tổng Dương Sơn, huyện Cổ Đằng (nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Từ nhỏ, Lê Phụng Hiểu đã ham mê các môn võ thuật. Lớn lên, ông nổi tiếng là đô vật nức tiếng trong vùng, thuộc hạng dũng sĩ “bạt sơn cửu đỉnh” như Hạng Vũ, Phàn Khoán ở Trung Quốc.
Vua Lý Thái Tổ nghe danh Lê Phụng Hiểu đã triệu ông vào triều, thuộc đội quân túc vệ, sau thăng dần đến chức Vũ vệ tướng quân.
Lê Phụng Hiểu - hổ tướng lẫy lừng trong sử Việt.
Sau khi vua Lý Thái Tổ băng hà (1028), triều Lý xảy ra loạn tam vương, 3 con của Thái Tổ là Vũ Đức vương, Dực Thánh vương, Đông Chinh vương tranh giành ngôi báu với Khai Thiên vương Lý Phật Mã. Chính Lê Phụng Hiểu ra tay dẹp loạn, bảo vệ di chiếu của Lý Thái Tổ, đưa Thái tử Phật Mã lên ngôi (Lý Thái Tông).
Với chiến công dẹp loạn tam vương, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông đã phong Lê Phụng Hiểu làm Đô thống thượng tướng quân, tước Hầu. Sau này, ông tiếp tục lập được nhiều chiến công cho triều đình, là vị tướng đánh đâu thắng đó, danh tiếng lẫy lừng khắp các nước trong khu vực.
Năm 1044, sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về (lúc này đã 62 tuổi), ông được ban thưởng. Tuy nhiên, Lê Phụng Hiểu chỉ xin nhà vua cho lên núi Băng Sơn (quê ông), ném một chiếc đao đi xa, đao rơi ở đâu thì xin lấy chỗ ấy làm mốc để khoanh đất ban thưởng làm sản nghiệp.
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Phụng Hiểu đã ném đao bay xa tới 10 dặm (khoảng 4,5 km). Vua ban số ruộng gồm 100 mẫu và miễn thuế. Từ sự kiện ấy, nhân dân Ái Châu (Thanh Hóa) gọi ruộng thưởng công là ruộng ném đao, thác đao điền.
Sau khi qua đời, tên tuổi và công trạng của Lê Phụng Hiểu không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng. Nhiều làng xã ở xứ Kinh Bắc, nơi ông từng đóng quân đánh giặc, đã tôn thờ Lê Phụng Hiểu làm thành hoàng.
Trong các trò chơi dân gian, môn vật được tổ chức để tưởng nhớ Đô thống thượng tướng quân Lê Phụng Hiểu. Ngày nay, tên tuổi ông được dùng để đặt cho nhiều con đường ở nước ta.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự